Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học sinh Việt Nam thêm cơ hội học tập ở Trung Quốc

Các hoạt động giao lưu giữa hai nền giáo dục Việt - Trung ngày càng đa dạng và đi vào chiều sâu, trong khi xu hướng học tiếng Trung và du học nước này cũng nở rộ trong những năm gần đây.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên16/04/2025

Từ lớp 8, Vũ Đức Minh, hiện là học sinh (HS) tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), đã bắt đầu học tiếng Trung vì yêu thích nền văn hóa và nghệ thuật của nước này. Nay, ở lớp 11, Minh và gia đình đã "chốt" du học Trung Quốc sau thời gian dài cân nhắc. "Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, nền giáo dục ngày càng được công nhận và chi phí cũng dễ thở", Minh chia sẻ.

DU HỌC TRUNG QUỐC NỞ RỘ

Đặt nguyện vọng vào ngành công nghệ sinh học ở một số ĐH hàng đầu như Công nghệ Bắc Kinh, Sư phạm Hoa Đông, Phúc Đán..., Minh cho biết em chuẩn bị thi HSK cấp độ 5 (một loại chứng chỉ tiếng Trung quốc tế hiện có 6 bậc với bậc 6 là cao nhất) và sắp thi IELTS để tăng khả năng trúng tuyển.

Đức Minh là một trong hàng chục nghìn người đã và đang theo đuổi giấc mơ du học xứ sở tỉ dân trong những năm gần đây. Từ 11.300 người du học Trung Quốc vào năm 2020, đến năm 2023 VN đã ghi nhận có 23.500 người, gấp đôi con số trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, theo dữ liệu của Đại sứ quán Trung Quốc tại VN.

 - Ảnh 1.

Đại diện ĐH Nhân dân Trung Quốc, một trong những trường hàng đầu xứ sở tỉ dân, tư vấn cho người học VN trong một sự kiện du học tổ chức hồi tháng 3.2025

ẢNH: CTI HSK

Ông Daniel Zheng, Giám đốc điều hành HOPE - một công ty tư vấn du học tại Trung Quốc, chia sẻ rằng bên cạnh tuyển sinh người học Trung Quốc cho ĐH nước ngoài, đơn vị ông mới đây bắt đầu triển khai tuyển sinh người nước ngoài cho các ĐH hàng đầu ở xứ sở tỉ dân như Phúc Đán, Đông Hoa. Điều này xuất phát từ chính nhu cầu muốn quốc tế hóa và đa dạng hóa nguồn tuyển sinh của các trường, theo ông Zheng.

"Để thu hút tuyển sinh, các trường ĐH không chỉ đưa ra các chương trình học bổng hào phóng cho những học sinh giỏi, mà còn cung cấp nhiều cơ hội để người học trải nghiệm trước xem mình có thích học tại Trung Quốc hay không, chẳng hạn như mở các trại hè. Nhìn chung hầu hết ĐH Trung Quốc đều rất chào đón sinh viên quốc tế từ khắp nơi trên thế giới, và chúng tôi rất hy vọng có cơ hội đến VN tuyển sinh", ông Daniel Zheng nói thêm.

LÝ DO TĂNG HỌC SINH VN CHỌN DU HỌC TẠI Trung Quốc

Là một trong những cá nhân tiên phong quảng bá thị trường du học Trung Quốc tại VN, tiến sĩ Nguyễn Quốc Tư, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn QTEDU (Hà Nội) kiêm Trưởng khoa Ngoại ngữ tại Trường ĐH Đông Đô, nhận định: Trung Quốc đang có 4 yếu tố hấp dẫn du HS. Đầu tiên là chi phí vừa phải, dao động mức 100 - 300 triệu đồng mỗi năm, bao gồm cả học phí và sinh hoạt phí.

Thứ hai là chất lượng giáo dục ĐH ngày càng tăng; số lượng các trường Trung Quốc vào bảng xếp hạng 100, 500 trường tốt nhất thế giới tăng dần theo từng năm. Thứ ba là môi trường sống như văn hóa, thời tiết có nhiều nét tương đồng với VN, đồng thời an ninh luôn được đảm bảo. "Cuối cùng, học bổng của Trung Quốc đang có chế độ đãi ngộ tốt hàng đầu thế giới và số lượng cấp ra khá hào phóng", tiến sĩ Nguyễn Quốc Tư nhận định.

Chia sẻ thêm về cơ hội học bổng, thầy Tư cho hay ngoài các loại học bổng từ chính phủ như học bổng Chính phủ Trung Quốc (CSC), học bổng giáo viên Hán ngữ quốc tế (CIS), ứng viên cũng có thể tìm đến các loại học bổng địa phương như học bổng tỉnh, học bổng thành phố, học bổng trường và học bổng hiệu trưởng. Giá trị các học bổng này dao động từ toàn phần tới bán phần, tạo nhiều cơ hội cho người Việt.

Các trường ĐH Trung Quốc cũng đang "làm theo chuẩn quốc tế", theo thầy Tư, và điều này thể hiện rõ nét qua việc nước này từ năm 2024 đã bắt đầu yêu cầu một số nhóm sinh viên quốc tế phải tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào tổ chức quy mô toàn quốc.

"Sau 10 năm, thị trường du học Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều. Từ thông tin ít ỏi và gần như không có công ty du học nào, nay các dịch vụ liên quan đã đa dạng, minh bạch, phổ biến và yêu cầu đặt ra cũng tăng hơn trước rất nhiều", tiến sĩ Tư chia sẻ.

Học sinh Việt Nam thêm cơ hội học tập ở Trung Quốc - Ảnh 1.

ĐH Quốc gia Hà Nội ký kết các biên bản ghi nhớ với ĐH Thanh Hoa hồi tháng 3

ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội


MỞ RỘNG HỢP TÁC VỚI ĐẠI HỌC Trung Quốc

Một dấu ấn đặc biệt khác trong mối quan hệ giáo dục giữa VN và Trung Quốc là sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục ĐH. ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Thanh Hoa ngày 14.4 cho biết đã ký biên bản ghi nhớ về việc sáng lập "Mạng lưới ĐH VN - Trung Quốc" lần đầu tiên tại VN. Trước đó, các trường ĐH của hai nước cũng triển khai đa dạng hoạt động hợp tác như trao đổi giảng viên, sinh viên; phối hợp đào tạo, nghiên cứu...

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Tư, một hoạt động hợp tác khác mà nhiều đối tác Trung Quốc cũng quan tâm là liên kết đào tạo với ĐH VN theo mô hình 2+2 (2 năm đào tạo ở VN, 2 năm ở Trung Quốc), 1+3, 3+1. Ngoài ra, ĐH Trung Quốc cũng đang và muốn hợp tác với các trường nghề, nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực vừa giỏi tiếng Trung vừa giỏi chuyên môn để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.

"Đây là định hướng đào tạo mới mà nhiều ĐH Trung Quốc đang nhắm tới, kết hợp dạy tiếng Trung cộng với chuyên ngành, thay vì chỉ dừng ở việc dạy tiếng Trung như trước", tiến sĩ Tư cho hay.

Còn với hợp tác nghiên cứu, tiến sĩ Tư cho biết hiện có một hình thức được các trường ưa chuộng là tổ chức hội thảo khoa học để học giả hai quốc gia có thể đến chia sẻ kiến thức và cùng đăng bài trong tạp chí khoa học, theo thầy Tư.

Bên cạnh đó, theo một thống kê do tiến sĩ Tư thực hiện, năm 2024 có khoảng 53 trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành tiếng Trung hoặc có cả khoa tiếng Trung. Số lượng sinh viên tuyển sinh vào các ngành này thường dao động ở mức hàng trăm đến cả nghìn với điểm chuẩn "khá cao", và điều này cũng góp phần phản ánh nhu cầu học tiếng Trung đang ngày càng tăng cao, theo tiến sĩ Tư.

Học sinh Việt Nam thêm cơ hội học tập ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Học viên trong một lớp học tiếng Trung

ảnh: NVCC

BÙNG NỔ HỌC TIẾNG TRUNG

Hiện theo học ngành truyền thông chuyên nghiệp ĐH RMIT VN, Lâm Vĩnh Hồng cho biết anh đã bắt đầu học tiếng Trung từ 6 tháng trước, mục đích chính là để giúp bản thân có "trọng lượng hơn" trong mắt nhà tuyển dụng, nhất là ở môi trường làm việc quốc tế.

Anh Trương Quang Nhật Đăng, sáng lập tổ chức giáo dục Zhang Laoshi Chinese School có trụ sở tại TP.HCM, cho biết hiện tại ngày càng nhiều bạn trẻ đăng ký học tiếng Trung để tăng khả năng cạnh tranh trong công việc. "Bùng nổ" là miêu tả của anh Đăng về thị trường dạy và học tiếng Trung trong năm 2025, nếu so với giai đoạn cách đây 10 năm.

"Lấy ví dụ ở kỳ thi HSK, 10 năm trước chỉ có khoảng 2 địa điểm tổ chức, mỗi bên chỉ tổ chức một lần mỗi năm thì đến nay con số tăng đến gần 10 điểm thi và hằng tháng đều có tổ chức thi. Như vậy, hiện có khoảng 120 đợt thi/năm ở VN, tăng hàng chục lần", anh Đăng chia sẻ và cho biết thêm một số diễn đàn học tiếng Trung cũng như ôn thi HSK hiện "không thua kém gì các diễn đàn học tiếng Anh".

Trải nghiệm tại ĐH hàng đầu Trung Quốc

Chị Bùi Ngọc Hà từng trúng tuyển vào ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh - hai ngôi trường lần lượt đứng thứ 1, 2 ở Trung Quốc và xếp hạng 12, 13 thế giới theo bảng xếp hạng năm 2025 của tổ chức Times Higher Education (Anh). Hiện đang học thạc sĩ tại ĐH Thanh Hoa, chị Hà cho biết những năm qua ngày càng nhiều người Việt đến học tập tại các trường hàng đầu Trung Quốc, từ chương trình toàn khóa đến khóa trao đổi, học tiếng.

Chia sẻ thêm về trải nghiệm học tập tại ĐH Thanh Hoa, chủ nhân các kênh mạng xã hội về du học Trung Quốc thu hút hơn 1 triệu lượt theo dõi chia sẻ: "Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự choáng ngợp, bởi trường giống như một thế giới thu nhỏ khi có khuôn viên rất rộng lớn với nhiều cơ sở vật chất từ ngân hàng, siêu thị, nhà ăn tới các trường mầm non, phổ thông, ĐH và cả cơ sở đào tạo cho bậc hưu trí".

Dành lời khuyên cho ứng viên VN, chị Hà cho rằng các bạn cần làm rõ và thể hiện được mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa mình với nhà trường, bên cạnh việc chuẩn bị tốt hồ sơ cá nhân phù hợp với quy định tuyển sinh. Ngoài ra, ứng viên cũng nên chứng minh bản thân là một nhân tố phát triển toàn diện, chứ không chỉ có mỗi thế mạnh học thuật, đồng thời nên chia sẻ về những cống hiến mình đã thực hiện được cho cộng đồng, xã hội.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-sinh-viet-nam-them-co-hoi-hoc-tap-o-trung-quoc-185250415194730614.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm