Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hội chứng OCD, ám ảnh... sợ dơ

Rửa tay hàng trăm lần mỗi ngày, kiểm tra khóa cửa đến kiệt sức, sắp xếp mọi thứ theo thứ tự "bắt buộc"... là những hình ảnh không hiếm gặp ở người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) - một triệu chứng tâm lý đang ngày càng phổ biến.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ28/04/2025


ocd - Ảnh 1.

Rửa tay rất nhiều lần, thường xuyên vì ám ảnh bàn tay bẩn, sợ lây bệnh… là một trong những biểu hiện của hội chứng OCD - Ảnh: THANH HIỆP

Hội chứng OCD trở nên nghiêm trọng khi nỗi lo không còn trong tầm kiểm soát.

Sự sạch sẽ, ngăn nắp hay cẩn trọng được xem là đức tính tốt. Tuy nhiên, khi những hành vi ấy trở thành nỗi ám ảnh không thể cưỡng lại, gây khổ sở cho người trong cuộc thì người mắc hội chứng OCD này cần được điều trị chuyên sâu.

Căn bệnh "giằng xé" nội tâm

Trên các diễn đàn xã hội rất nhiều nhóm kín mang tên "Những người có OCD" hoặc gia đình/cộng đồng những người có triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế với số lượng người tham gia hàng nghìn người. 

Các bài viết đăng tải thường là thành viên ẩn danh và bản thân họ cũng không chắc chắn rằng mình có đang bị triệu chứng tâm lý này hay không.

Một tài khoản Facebook chia sẻ rằng người này dù không có ám ảnh về vi rút, vi khuẩn, nhưng thấy tay hơi bẩn xíu là phải rửa tay ngay, mỗi lần nấu ăn là rửa tay liên tục không dưới 10 lần.

"Mỗi lần ra khỏi nhà phải check cửa đã đóng chưa, bếp điện đã rút chưa mới rời đi. Nhiều lúc đóng cửa rồi nhưng phải mở cửa ra để check bếp điện đã rút phích chưa. Nhiều lúc đi một quãng đường rồi nhưng vẫn quay lại kiểm tra cổng đóng đã chặt chưa".

Trên thế giới có nhiều người nổi tiếng chia sẻ công khai mình bị hội chứng này như Leonardo DiCaprio (tài tử nổi tiếng với bộ phim kinh điển Titanic), danh thủ bóng đá huyền thoại David Beckham hay "ông hoàng nhạc pop" Michael Jackson…

ThS tâm lý lâm sàng Vương Nguyễn Toàn Thiện, giám đốc chuyên môn Trung tâm Tham vấn trị liệu tâm lý LUMOS, cho biết hội chứng OCD là một rối loạn tâm thần đặc trưng bởi hai yếu tố ý tưởng ám ảnh và sự cưỡng chế.

Ý tưởng ám ảnh là những suy nghĩ, hình ảnh lặp đi lặp lại, xâm lấn tâm trí, không phù hợp và gây đau khổ như: sợ bị lây bệnh (lây bệnh do bắt tay), nghi ngờ về sự an toàn (quên khóa cửa, tắt bếp gas...), sắp xếp đối xứng hoặc theo thứ tự logic, gây hấn và hành vi xung động (muốn làm tổn thương con cái, la hét trong nhà thờ), hình ảnh tình dục... Dù biết là phi lý, người bệnh vẫn không thể dừng lại được.

Họ thường cố gắng cưỡng lại nhưng thất bại, dẫn đến thực hiện các hành vi mang tính cưỡng chế như rửa tay, kiểm tra, cầu nguyện, sắp xếp… không nhằm mục đích tạo ra niềm vui mà để giảm lo âu, dù chỉ trong chốc lát.

"Trong hầu hết trường hợp, người bệnh OCD cảm thấy bị bắt buộc phải làm các hành động trên để giảm đi sự đau khổ và lo lắng của ám ảnh, hoặc ngăn ngừa một sự kiện, tình huống đáng sợ nào đó", ông Thiện chia sẻ.

Nguyên nhân chưa rõ ràng, hậu quả rất thật

Ông Thiện cho biết hiện Việt Nam chưa có nghiên cứu quy mô quốc gia nào công bố chính thức về tỉ lệ mắc OCD. Tuy nhiên, theo thống kê tại một số cơ sở y tế, chẳng hạn như khoa tâm lý lâm sàng của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), bệnh nhân được chẩn đoán mắc OCD chiếm khoảng 2% tổng số bệnh nhân đến khám tại khoa này.

Bên cạnh đó một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ mắc OCD trong dân số có thể dao động từ 2-3%, tương đương với mức độ phổ biến toàn cầu.

Theo ThS Nguyễn Trần Phước, chuyên gia tâm lý từ văn phòng ứng dụng khoa học tâm lý Psycare, nguyên nhân chính xác gây ra OCD đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các yếu tố như di truyền, thay đổi trong não bộ, sang chấn tâm lý thời thơ ấu hay hội chứng PANDAS có thể đóng vai trò.

Độ tuổi trung bình khởi phát OCD là 19, nhưng khoảng 50% người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng từ thời thơ ấu hoặc tuổi thiếu niên. Những biểu hiện thường thấy là: rửa tay, kiểm tra khóa, sắp xếp đồ vật theo trình tự, tích trữ đồ không cần thiết, đếm số lần hành động, tránh chạm tay nắm cửa hoặc tiếp xúc với người khác…

"Những ám ảnh hoặc cưỡng chế này tốn nhiều thời gian (ví dụ mất hơn 1 giờ mỗi ngày) hoặc gây ra đau khổ, suy giảm chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.

Nếu không được can thiệp kịp thời, OCD có thể kéo theo trầm cảm, lo âu, rối loạn hoảng loạn, thậm chí có ý nghĩ tự làm hại bản thân do cảm giác bất lực, giằng xé nội tâm kéo dài", ông Phước cảnh báo.

Đừng tự chẩn đoán qua mạng

Theo các bác sĩ, khác với căng thẳng thông thường, OCD không thể "tự hết" nếu không có sự can thiệp của chuyên gia.

Để kết luận một người mắc hội chứng OCD, ông Thiện cho biết cần có đánh giá lâm sàng kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chuẩn chẩn đoán. Các yếu tố then chốt bao gồm: sự hiện diện của ám ảnh, cưỡng chế hoặc cả hai; các triệu chứng gây lo âu rõ rệt, làm suy giảm chức năng xã hội hoặc nghề nghiệp; và mất nhiều thời gian.

Hiện nay, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT), phơi nhiễm và ngăn chặn phản ứng, liệu pháp chấp nhận và cam kết (ACT) là các phương pháp điều trị hiệu quả. Bên cạnh đó, thiền định, thư giãn cơ bắp, thở chậm... cũng giúp giảm bớt căng thẳng. Trong trường hợp nặng, thuốc có thể được chỉ định kết hợp.

Không có xét nghiệm nào cho OCD. Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên triệu chứng và tiền sử bệnh lý, đảm bảo rằng các triệu chứng không do chất gây nghiện, bệnh lý khác hay rối loạn tâm thần khác gây ra.

Các bác sĩ cho rằng OCD là một rối loạn nghiêm trọng, không thể đơn giản xác định qua một vài dòng trên mạng xã hội. Việc tự gán cho mình (hoặc người khác) nhãn OCD có thể gây nhầm lẫn, làm trầm trọng thêm tâm lý người bệnh, hoặc bỏ lỡ thời điểm điều trị hiệu quả nhất.

Hãy tìm đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu cảm thấy mình hoặc người thân có những biểu hiện kéo dài, gây đau khổ tinh thần, cản trở cuộc sống thường ngày. Việc phân biệt rõ nét ám ảnh và rối loạn ám ảnh cưỡng chế là rất quan trọng trong đánh giá lâm sàng và định hướng can thiệp phù hợp.

Không nên nhầm lẫn với nét tính cách ám ảnh

Nhiều người dễ nhầm OCD với tính cách tỉ mỉ, cầu toàn. Tuy nhiên, theo ông Vương Nguyễn Toàn Thiện, hai điều này hoàn toàn khác biệt.

Người OCD không thể không rửa tay vì lo lắng, có thể rửa đến 100 lần/ngày và họ đau khổ vì điều đó. Trong khi đó, người có nét ám ảnh thích sắp xếp mọi thứ ngăn nắp và cảm thấy thoải mái, hài lòng.

Người có nét ám ảnh vẫn kiểm soát được hành vi, có thể tạm dừng nếu không thuận tiện, và không bị đau khổ tinh thần. Trong khi đó, người OCD mất khả năng làm chủ, bị hành vi điều khiển, tổn hại nghiêm trọng đến công việc, học tập, các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống.

Đọc tiếpVề trang Chủ đề

Trở lại chủ đề

CẨM NƯƠNG - XUÂN MAI

Nguồn: https://tuoitre.vn/hoi-chung-ocd-am-anh-so-do-20250428084800632.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm