Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Miệt mài dạy nghề cho phụ nữ khuyết tật

Truyền nghề cho người khác là niềm hạnh phúc, chứng kiến "học trò" có công việc ổn định là phần thưởng quý giá với anh Nguyễn Duy Long

Người Lao ĐộngNgười Lao Động27/04/2025

Suốt 10 năm qua, anh Nguyễn Duy Long (ngụ quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) mở lớp dạy may miễn phí cho hàng trăm phụ nữ khuyết tật, người yếu thế trong xã hội chỉ với mong muốn tạo cho họ một cái nghề để sinh sống.

Đồng cảm

Đến lớp học dạy may của thầy giáo Nguyễn Duy Long (SN 1986; ở ngõ 84, phố Kim Ngưu) sẽ thấy toàn học viên nữ và mỗi người đều có khiếm khuyết nhất định - người bị ở chân, người ở tay, có người nhận thức chậm nhưng điểm chung là họ khao khát học nghề và hội ngộ về đây học chung một người thầy tận tâm, chuyên môn cao.

Căn nhà rộng rãi, sạch sẽ được anh Long trang bị đầy đủ dụng cụ học may và thực hành như ma-nơ-canh, máy khâu, máy vắt sổ, bút, thước và những tấm vải đủ sắc màu.

Miệt mài dạy nghề cho phụ nữ khuyết tật - Ảnh 1.

Tính đến nay, đã có hàng trăm học viên thành nghề từ lớp học của anh Nguyễn Duy Long (Ảnh do tác giả cung cấp)

Trước đây, anh Long là học sinh chuyên toán và mong muốn theo học ngành ô tô. Đến lúc đứng trước ngưỡng cửa đại học, cơ duyên lại khiến anh chọn công nghệ dệt may tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, anh được làm đúng ngành nghề được đào tạo. Trong quá trình làm nghề, anh chứng kiến nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng quê mất rất nhiều tiền để học nghề may nhưng không thành nghề. Nguyên nhân chủ yếu là do họ chưa gặp được người dạy phù hợp.

Bên cạnh đó, con gái cũng chính là nguồn động lực để anh làm công việc thiện nguyện này. "Cháu không may sinh ra bị bại não bẩm sinh. Tôi đã đưa cháu chạy chữa khắp nơi nhưng không hiệu quả. Tôi từng có ý định sau này sẽ truyền hết kiến thức, kinh nghiệm nghề may cho con nhưng không được, tôi rất buồn. Nhiều đêm nằm nghĩ đến con, thương con mà khóc. Vì muốn làm một công việc ý nghĩa cho những người khuyết tật nên tôi đã mở lớp dạy may "Phố Xưa" cách đây 10 năm" - anh Long tâm sự.

Hầu hết học viên tìm đến lớp học của anh Long như trang giấy trắng và phải học lại từ đầu, trong đó có không ít người đã học nghề ở những nơi khác. "Ban đầu tôi dạy trực tuyến, chia sẻ video clip miễn phí cắt may trên mạng xã hội. Thấy nhiều người quan tâm và muốn được học trực tiếp cho dễ hiểu nên tôi đã tổ chức lớp dạy may tại nhà" - anh Long cho biết.

Thắp lên hy vọng cho người yếu thế

Với anh Long, lớp dạy may dành cho học viên nữ khuyết tật, yếu thế trong xã hội như đứa con tinh thần. Vì vậy mỗi khi đứng lớp hay cầm tay chỉ việc, anh đều dồn hết tâm huyết, truyền đạt tỉ mỉ. Học viên bị các dạng khuyết tật khác nhau, do đó anh chọn phương pháp dạy phù hợp cho từng người. "Việc lựa chọn phương pháp dạy phù hợp sẽ giúp họ không tự ti trong quá trình học. Có học viên cần hạ bàn thấp xuống hoặc phải thêm bàn ga, điều chỉnh máy phù hợp. Có người chậm thì phải giảng đi giảng lại nhưng không sao, miễn là giúp các học viên thuận tiện trong việc học" - anh Long tâm sự.

Ngoài ra, anh Long luôn cố gắng đóng vai là người hướng dẫn, đồng hành và người học cùng, không tạo áp lực cho học viên, thay vào đó luôn tạo không khí học vui vẻ, sôi nổi. "Trong quá trình dạy, tôi nói đây là công việc dành cho những người sống nội tâm, chăm chỉ và yêu nghề may. Từ đó mọi người truyền tai nhau và có lẽ những điều đó đã chạm đến trái tim các bạn khiếm khuyết. Họ cảm thấy phù hợp và tìm đến tôi" - anh Long bộc bạch.

Trong quá trình dạy, thầy Long tạo cho mọi người cảm giác gần gũi, giữa thầy và trò tồn tại tình cảm gắn bó như anh em trong nhà

Chị Trần Thị Phương (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị khuyết tật bẩm sinh, một chân bình thường, một chân bị teo. Điều này khiến chị luôn tự ti. Vô tình biết đến lớp học của thầy Long, chị tìm đến. "Đến với thầy, tôi không chỉ được học nghề mà còn được thầy lan tỏa năng lượng tích cực, để bước ra khỏi vùng an toàn. Sau 3 tháng học, tôi đã mở một tiệm may nhỏ tại nhà, thu nhập ổn định" - chị Phương kể.

Chị Vũ Thị Lan (quê Ý Yên, Nam Định) chỉ cao 1,25 m và nặng 25 kg. Trước kia, chị làm photocopy, sau đó biết lớp học của thầy Long nên đã đến xin học. Giờ chị đã thạo nghề và mở cửa hàng may tại nhà với tên gọi Tiệm may 25, thu nhập ngày càng khá.

Bên cạnh đó, anh Long cũng được cha mẹ ủng hộ với công việc "vác tù và hàng tổng" này. "Nhà tôi rộng rãi nên để thuận tiện cho việc học, bố mẹ tôi đã đồng ý cho các học viên ở luôn tại nhà và xem họ như con cháu trong nhà" - anh Long cho biết.

Chia tay lớp học cắt may Phố Xưa của anh Long, lòng tôi khấp khởi mừng vui vì trong xã hội có những "người thầy" không ở trường, không cầm phấn nhưng lại là người chèo lái con đò hy vọng như lời anh nói: "Lớp học đem lại hy vọng cho những mảnh đời dang dở. Qua đó, giúp họ thực hiện ước mơ mà trước đây họ không dám nghĩ đến"… 

Tận tâm với học viên

Học viên Nguyễn Thị Như Thêu cho biết: "Trước khi vào đây học may, tôi đã học ở vài nơi nhưng không hiệu quả. Thầy Long dạy rất dễ hiểu và tận tâm, dạy đến khi giờ học viên hiểu và làm được mới thôi". Chị Thêu học lớp cơ bản 4 năm trước và nay quay lại học lớp nâng cao, phát triển thêm công việc.

Tính đến nay, số học viên từng theo học lớp cắt may miễn phí của anh Long đã lên đến hàng trăm người, còn thông qua các video trên YouTube thì không tính hết.


Nguồn: https://nld.com.vn/miet-mai-day-nghe-cho-phu-nu-khuyet-tat-196250426200941251.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm