Ở buôn Kmơng Prông B (phường Tân An), anh Y Bhiông Buôn Yă (43 tuổi) đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại chính ngôi nhà dài của gia đình. Ban đầu, chỉ có vài đoàn khách nhỏ đến tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa, đời sống của người Êđê, rồi "tiếng lành đồn xa", khách tìm đến ngày một đông. Không đủ chỗ, anh mượn thêm nhà dài của bà con trong buôn để phục vụ. Đến nay, anh đang làm thêm một căn nhà dài mới vững chãi, rộng rãi hơn, kịp thời đáp ứng nhu cầu của du khách.
Mô hình này không chỉ giúp gia đình anh Y Bhiông có thêm thu nhập mà còn tạo sinh kế cho nhiều người dân trong buôn. Người nấu ăn, bán rau, người dẫn tour trải nghiệm…, ai cũng tham gia một phần vào hoạt động du lịch. Đặc biệt, du lịch còn góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng.
“Trước đây vì mưu sinh, không ít hộ gia đình dần rời xa nếp sống truyền thống, ít quan tâm đến văn hóa dân tộc. Song, từ khi thấy khách du lịch háo hức tìm hiểu kiến trúc nhà dài, trầm trồ trước món ăn truyền thống của người Êđê… thì bà con cũng bắt đầu nhận ra giá trị của những thứ mà họ từng xem là điều hiển nhiên. Từ chỗ chỉ làm cho có, nay họ đã chủ động gìn giữ ngôi nhà dài, mặc trang phục truyền thống… trong những dịp đặc biệt”, anh Y Bhiông chia sẻ.
Anh Y Bhiông Buôn Yă (bên trái) đang hoàn thiện ngôi nhà dài mới để phục vụ khách du lịch. |
Ở buôn Tuôr (xã Hòa Phú), chị H Belly Êban (40 tuổi) cũng nuôi dưỡng giấc mơ làm du lịch từ những ký ức tuổi thơ. Ngày còn bé, gia đình chị thường xuyên đón tiếp bạn bè từ nước ngoài về thăm buôn. Họ thích thú với không gian sinh hoạt đặc trưng, say mê những câu chuyện bên bếp lửa và luôn tò mò về lối sống của người Êđê. Những hình ảnh ấy đã âm thầm gieo vào lòng chị tình yêu với văn hóa truyền thống và mong muốn gìn giữ nó theo cách riêng. Tới năm 2023, chị bắt đầu xây dựng một ngôi nhà dài để đón khách đến lưu trú, đồng thời tổ chức các tour du lịch trải nghiệm đời sống của người Êđê như nấu ăn, đi rẫy, ngồi xe công nông…
“Hồi trước bà con trong buôn vốn quen sống khép kín, ít trò chuyện với người lạ. Nhưng từ khi bắt đầu làm du lịch, tiếp xúc với nhiều đoàn khách, họ dần cởi mở hơn. Những câu chuyện ban đầu chỉ là giới thiệu về bữa cơm, nếp nhà, rồi dần trở thành những buổi chia sẻ chân thành về phong tục, tập quán, cuộc sống thường ngày. Ngược lại, du khách cũng mang đến nhiều điều mới mẻ, có người dạy trẻ con vài câu tiếng Anh, có người lại kể cho bà con nghe về cách gìn giữ văn hóa, phát triển du lịch ở nơi họ từng đi qua. Những tương tác giản dị ấy đã tạo nên sự kết nối đặc biệt, giúp không khí buôn làng trở nên sinh động và đầy sức sống”, chị H Belly bày tỏ.
Vợ chồng chị H Belly Êban chỉnh trang không gian lưu trú trong ngôi nhà dài truyền thống để phục vụ du khách. |
Giữa những buôn làng của người Êđê, tiếng cồng chiêng nay đã không còn lặng lẽ trong ký ức lễ hội xưa. Những đoàn khách tìm về ngày càng nhiều, mang theo sự mong muốn tìm hiểu và trân trọng với nét văn hóa truyền thống độc đáo. Nhờ vậy, thanh âm thiêng liêng của cồng chiêng lại có dịp ngân vang khắp nơi.
Ông Y Brin Niê, thành viên của Đội cồng chiêng buôn Kô Tam (phường Tân An), tâm sự: “Trước đây chúng tôi chỉ đánh cồng chiêng trong các dịp lễ cúng, lễ hội của buôn. Nhưng giờ du lịch phát triển, có khách đến là họ lại mời chúng tôi tới biểu diễn, có tháng diễn cả chục lần. Không chỉ có du khách thích thú, hào hứng mà ngay cả con trẻ trong buôn cũng bắt đầu để tâm hơn. Tụi nhỏ thấy mình đi diễn suốt, được khách quý, được trả tiền công nên cũng xin học, bắt đầu đánh thử rồi yêu thích lúc nào không hay”.
Du lịch cộng đồng không chỉ mang du khách phương xa đến gần hơn với cuộc sống của người Êđê mà còn tạo điều kiện để chính người dân nơi đây tìm lại và trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Khi những ngôi nhà dài được tu sửa để đón khách, món ăn truyền thống trở thành đặc sản, tiếng cồng chiêng vang vọng giữa đời thường… thì bản sắc văn hóa không còn là điều xưa cũ mà đã sống động, gần gũi hơn trong từng hơi thở của cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, để hành trình này phát triển bền vững hơn vẫn cần thêm sự đầu tư bài bản từ hạ tầng cơ sở, kỹ năng làm du lịch đến những chiến lược quảng bá phù hợp…
Nhưng hơn tất cả, khát vọng giữ gìn, lan tỏa giá trị truyền thống đang lớn dần trong lòng mỗi người con của buôn làng mới là nền tảng vững chắc nhất cho sự "hồi sinh" của văn hóa Êđê.
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202507/hoi-sinh-van-hoa-ede-tu-du-lich-cong-dong-5130bfc/
Bình luận (0)