BHG - Chiều 28.4, tại thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Tổ chức Bảo tồn động thực vật Quốc tế (FFI) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án bảo tồn các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2016 - 2024.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Dự án bảo tồn các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng do Tổ chức FFI phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai từ năm 2016 tại huyện Quản Bạ. Đây là chương trình bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, nguy cấp như: Giổi na, giổi chanh, bách xanh, bách vàng, nghiến; đồng thời hỗ trợ các giống cây trồng khác như lát hoa, sa mộc, nhội, quế cho địa phương. Chương trình tập trung bảo tồn tại chỗ các quần thể thực vật quý hiếm tại khu rừng Khau Ca, khu Cao Tả Tủng và khu rừng đặc dụng Bát Đại Sơn; đồng thời thử nghiệm nhân giống tại các vườn ươm Tùng Bá, Tùng Vài và Bát Đại Sơn bằng nhiều phương pháp nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển các loài thực vật nguy cấp trên địa bàn huyện Quản Bạ nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị đã trồng và ươm hơn 506.000 cây quý hiếm các loại như giổi na, giổi chanh, nghiến, lát hoa; triển khai xây dựng 3 vườn ươm với tổng diện tích gần 1.000 m² để ươm cây giống; thành lập và duy trì hoạt động của các nhóm tuần tra, bảo vệ thực vật; hỗ trợ người dân vùng dự án xây dựng 49 lò đun tiết kiệm củi; đồng thời tổ chức nhiều buổi tập huấn, tham quan nhằm nâng cao nhận thức cho người dân ở khu vực dự án.
Qua thực hiện các giải pháp, Dự án bảo tồn các loài thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Nổi bật là dự án đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ tích cực từ chính quyền địa phương và người dân vùng dự án; nhận thức cộng đồng về bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn các loài thực vật quý hiếm được nâng cao; số vụ chặt phá cây rừng được kiểm soát; số lượng loài thực vật quý hiếm tăng dần, sinh trưởng và phát triển tốt.
Trong thời gian tới, Tổ chức FFI tại Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các địa phương vùng dự án tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, đa dạng sinh học cho người dân; duy trì các chương trình tuần tra, bảo vệ rừng, phục hồi sinh cảnh, khoanh vùng ưu tiên cho các loài thực vật hoang dã; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tạo sinh kế bền vững cho người dân nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào rừng, góp phần bảo tồn các loài thực vật nguy cấp.
Tin, ảnh: TRẦN KẾ
Nguồn: https://baohagiang.vn/kinh-te/202504/hoi-thao-tong-ket-du-an-bao-ton-cac-loai-thuc-vat-nguy-cap-dua-vao-cong-dong-cbe7f92/
Bình luận (0)