HTX nông nghiệp tiên phong
Đắk Nông hiện có 311 HTX, trong đó trên 260 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đa số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã khai thác thế mạnh về sản xuất, kinh doanh cà phê, hồ tiêu, ca cao, rau, củ, trái cây… từ đó giải quyết việc làm cho thành viên.
Nhiều HTX nông nghiệp đang đẩy mạnh áp dụng sản xuất xanh. Điển hình như HTX Bình Minh ở xã Ea Pô, huyện Cư Jút liên kết với 1.000 hộ nông dân trồng 1.420ha hồ tiêu theo các tiêu chuẩn bền vững.
Ông Lê Anh Sơn, Giám đốc HTX Bình Minh chia sẻ những năm qua, HTX đã trang bị kiến thức cho thành viên, nông dân về các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn.
“Chúng tôi tập trung hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hồ tiêu đạt các chứng nhận bền vững của quốc tế cho thành viên, nông dân. Nông dân đã ứng dụng các giải pháp như để cỏ trong vườn hồ tiêu để tạo thảm thực vật bảo vệ đất, cây trồng. Họ cắt cỏ khi lớn và tuyệt đối không xịt thuốc diệt cỏ. Họ đã ứng dụng các giải pháp tưới tiết kiệm nước…”.
Bên cạnh đó, HTX Bình Minh đã tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, nông dân, chia sẻ thông tin, kỹ năng bán hàng… Từ đó, thành viên, nông dân hiểu rõ lợi ích và triển khai thực hiện đã nâng cao giá trị sản phẩm.
HTX Nông nghiệp – Dược liệu – Dịch vụ thương mại Thịnh Phát, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong HTX có 201 thành viên và thành viên liên kết sản xuất gần 800ha gồm cà phê, hồ tiêu, dược liệu, rau, củ, quả.
Bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát chia sẻ: “Trước đây, nông dân trong vùng sản xuất nông sản lạm dụng thuốc hóa học, phân bón hóa học làm cho đất đai trở nên khô cằn, sản phẩm kém chất lượng. Chúng tôi đã thành lập HTX và tìm hướng giúp thành viên, nông dân trồng cải thảo VietGAP, hồ tiêu bền vững, cà phê theo hướng hữu cơ… Đến nay, thành viên đã tích cực áp dụng nâng cao hiệu quả kinh tế”.
Với giải pháp chuyển đổi những vùng trồng cà phê cằn cỗi, nguy cơ ảnh hưởng thiếu nước bởi hạn hán, HTX đã hướng dẫn người dân trồng cải thảo VietGAP mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
HTX Thịnh Phát liên kết với Công ty CJ Foods Việt Nam ở Long An chế biến cải thảo, kim chi xuất khẩu sang Hàn Quốc. Các sản phẩm cà phê, hồ tiêu HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, nông dân với giá cao hơn so với sản xuất bình thường.
Bắt nhịp chuyển đổi xanh
Một thực tiễn cho thấy, ở đâu có sản xuất, có nhu cầu phát triển kinh tế thì ở đó có HTX. Cả nước có trên 33.500 HTX hoạt động đa lĩnh vực, đặc biệt trong nông nghiệp chiếm hơn 64% tổng số HTX, với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia.
Tại Đắk Nông với 311 HTX có trên 18.500 thành viên và thành viên liên kết là nông dân. Các HTX còn tạo việc làm cho khoảng 10.533 lao động.
Đa số HTX của Đắk Nông đã khai thác thế mạnh về sản xuất, kinh doanh cà phê, hồ tiêu, ca cao, rau, củ, trái cây… từ đó giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm.
Chủ tịch Liên minh HTX Đắk Nông Nguyễn Khải nhấn mạnh, đứng trước áp lực từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu hội nhập xanh, việc HTX chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ carbon trở thành yêu cầu tất yếu.
“Cùng với các HTX trong cả nước, các HTX của Đắk Nông ngày càng khẳng định vai trò trong liên kết sản xuất, nâng cao năng suất lao động và xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả từ nông nghiệp xanh”, ông Khải đánh giá.
Đắk Nông hiện có 31 HTX có sản phẩm đạt OCOP và 34 HTX tham gia chuỗi giá trị như: ca cao, cà phê, hồ tiêu, chanh dây, sầu riêng, mắc ca, rau sạch ứng dụng công nghệ cao, trồng chế biến cây ăn trái, chăn nuôi gia súc gia cầm, lúa gạo…
HTX ở Đắk Nông đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan… với giá trị xuất khẩu trực tiếp trên 3 triệu USD/năm.
Các HTX của Đắk Nông đang góp phần cùng cả nước phát triển nông nghiệp xanh. Và khi HTX được nhìn nhận đúng tầm, hỗ trợ đúng cách thì các HTX của Đắk Nông sẽ cùng với HTX của Việt Nam sẽ xây dựng được một nền kinh tế công bằng, thịnh vượng, toàn diện.
Đảng và Chính phủ đã ban hành các chính sách trọng điểm như: Nghị quyết 106/NQ-CP về phát triển HTX nông nghiệp, Nghị định 113/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật HTX và Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương về phát triển KTTT...
Những chính sách này tạo nền tảng pháp lý và hỗ trợ thực tiễn để HTX phát triển bền vững, tiếp cận vốn, công nghệ, đào tạo, thị trường trong nước và quốc tế.
Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về các mục tiêu tăng trưởng xanh, đặc biệt là mục tiêu Net-zero vào năm 2050, khẳng định sự tiên phong của quốc gia cũng như tranh thủ một cách hiệu quả các nguồn lực quốc tế trong bối cảnh chuyển đổi xanh.
Đối với khu vực kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là HTX, quá trình này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn giúp phát triển bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm và cải thiện đời sống thành viên, người lao động.
HTX của Đắk Nông đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Nhiều HTX đầu tư máy móc, chuyển đổi công nghệ sản xuất sạch và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và giảm ô nhiễm. Từ đó, từng bước hình thành các HTX xanh phát triển bền vững.
HTX phát triển hiệu quả không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bền vững.
Nguồn: https://baodaknong.vn/hop-tac-xa-o-dak-nong-thuc-day-chuyen-doi-xanh-251176.html
Bình luận (0)