Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đắk Nông chứng minh sản phẩm cà phê không gây mất rừng

Việt NamViệt Nam02/05/2025


Thích ứng kịp thời

Trước yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường châu Âu, đặc biệt là quy định không gây mất rừng, Đắk Nông - một trong những thủ phủ cà phê lớn của cả nước đang tích cực triển khai các giải pháp để chứng minh sản phẩm cà phê địa phương không liên quan đến phá rừng.

eudr-5-(1).jpg
Đắk Nông có gần 142.000 ha cà phê là ngành hàng chủ lực của tỉnh Đắk Nông chịu tác động bởi quy định không gây mất rừng

Ngày 16/5/2023, Liên minh châu Âu chính thức thông qua Dự luật Quy định không gây mất rừng (EUDR). Theo đó, các mặt hàng nông, lâm sản như cà phê, ca cao, cao su, gỗ... nếu không chứng minh được nguồn gốc không liên quan đến phá rừng hoặc suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020, sẽ không được phép nhập khẩu vào châu Âu. EUDR cũng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến tận vườn cây, xác định tọa độ GPS, kèm theo trách nhiệm giải trình minh bạch.

Đắk Nông hiện có 142.059ha cà phê, trong đó gần 131.000ha đang cho thu hoạch. Sản lượng bình quân hàng năm đạt 360.000 tấn/năm, chiếm khoảng 18% tổng sản lượng cà phê cả nước.

Ngành hàng cà phê đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 400.000 người dân.

Quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao đang được nhiều người sản xuất cà phê tại Đắk Mil áp dụng
Quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao đang được nhiều người sản xuất cà phê tại Đắk Mil áp dụng

Nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường EU và tính cấp thiết của quy định không gây mất rừng, ngay từ năm 2023, tỉnh Đắk Nông đã ban hành khung kế hoạch hành động thích ứng với quy định này.

Cùng với đó, tỉnh thành lập Tổ công tác chuyên trách để điều phối, giám sát, hướng dẫn triển khai các nội dung xác lập tọa độ vùng trồng, xây dựng cơ sở dữ liệu, truy xuất nguồn gốc và phối hợp liên ngành.

Trong 2 năm 2023–2024, tỉnh đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề như “EUDR – Thách thức và cơ hội đối với ngành Nông nghiệp Đắk Nông” và “Thúc đẩy ngành hàng cà phê tuân thủ quy định EUDR”. Các hội thảo đã giúp hàng trăm cán bộ, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nắm rõ yêu cầu, tiêu chuẩn cũng như giải pháp thực thi.

eudr-3-(1).jpg
Ngành hàng cà phê đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế địa phương, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của khoảng 400.000 người dân Đắk Nông

Bên cạnh đó, Sở TN-MT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chuyên môn các địa phương, đơn vị liên quan, góp phần đưa thông tin chính sách đến tận thôn, bon nơi tập trung đông đảo người trồng cà phê.

Đắk Nông đã chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNDP, IDH… để tranh thủ nguồn lực kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng, rừng và hệ thống truy xuất minh bạch. Tỉnh kêu gọi sự đồng hành của doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất tiêu thụ cà phê.

Ban đầu quy định không gây mất rừng của châu Âu dự kiến áp dụng từ tháng 12/2024 nhưng được trì hoãn đến tháng 12/2025 đối với các doanh nghiệp lớn và tháng 6/2026 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Và những bước tiến quan trọng

Sau gần 2 năm triển khai, Đắk Nông đã đạt được những bước tiến quan trọng để thích ứng với EUDR. Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xây dựng được 25 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích 13.300ha cà phê với sự tham gia của 11.324 hộ nông dân. Các mô hình này đang triển khai đồng bộ việc truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy định không phá rừng.

dsc05117(1).jpg
Nông dân Đắk Nông sản xuất cà phê tuân thủ quy định không gây mất rừng.

Công ty Cổ phần Intimex Đắk Nông đang triển khai chương trình phát triển cà phê bền vững tại huyện Krông Nô và Đắk Glong với 10.000 hộ nông dân tham gia.

Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng triển khai mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững tại huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức và xã Đắk R'moan (TP. Gia Nghĩa) với 874 hộ tham gia. Công ty TNHH XNK Hiệp Loan cũng đang triển khai tại huyện Đắk R’lấp và Đắk Glong với 450 hộ nông dân.

Song song với đó, Đắk Nông đã công nhận vùng sản xuất cà phê 335ha ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil và vùng sản xuất cà phê 450ha ứng dụng công nghệ cao Nam Bình tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song.

Đắk Nông có 93 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất cà phê đạt tiêu chuẩn chất lượng với khoảng 32.954ha. Trong đó, 32.634 ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn 4C, UTZ, RA, Flo.., với sản lượng khoảng 91.375 tấn, địa bàn áp dụng sản xuất chủ yếu tập trung ở huyện Đắk Mil và huyện Đắk R’lấp.

HTX Nông nghiệp công bằng Thanh Thái, ở huyện Krông Nô (Đắk Nông) hướng dẫn thành viên HTX sản xuất cà phê chất lượng cao
HTX Nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái, ở huyện Krông Nô (Đắk Nông) hướng dẫn thành viên HTX sản xuất cà phê chất lượng cao

Đây là những vùng áp dụng quy trình canh tác bền vững và hệ thống truy xuất nguồn gốc vào thực tế sản xuất. Các vùng sản xuất cà phê đã phát triển cây đa tầng tán, trồng xen, thân thiện môi trường, tăng độ che phủ, giảm xói mòn và thích ứng biến đổi khí hậu, phù hợp tiêu chí EUDR.

Đáng chú ý, các cơ sở chế biến và xuất khẩu lớn cũng đã đồng hành với tỉnh, tham gia xây dựng vùng nguyên liệu minh bạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Đây là yếu tố then chốt để cà phê Đắk Nông giữ vững thị phần tại châu Âu và nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường toàn cầu.

Đắk Nông hiện có trên 100 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thu mua cà phê xuất khẩu. Sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh đạt bình quân khoảng 165.000 tấn/năm, giá trị gần 200 triệu USD/năm. Các thị trường chủ yếu, gồm: Singapore, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hy Lạp, Australia, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Italia…

eudr-2-.jpg
Ngành hàng cà phê tác động trực tiếp đến sinh kế của hơn 400.000 người dân Đắk Nông

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng tỉnh Đắk Nông vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. Hệ thống dữ liệu rừng và vùng trồng chưa được cập nhật đầy đủ, thiếu tính đồng bộ đến từng lô, thửa. Vườn rẫy quy mô nhỏ không có hồ sơ pháp lý đầy đủ về đất đai.

Một bộ phận doanh nghiệp thu mua còn chưa tích cực tham gia, chủ yếu chờ đợi chính sách và hỗ trợ từ Nhà nước. Việc triển khai các giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc cũng đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính và nhân lực kỹ thuật – điều mà ngân sách địa phương còn hạn chế.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng những gì Đắk Nông đã và đang thực hiện cho thấy quyết tâm mạnh mẽ trong việc bảo vệ thị trường xuất khẩu cà phê.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, trong đó chú trọng tăng cường truyền thông; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng nâng cao năng lực kỹ thuật cho cán bộ cơ sở; đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên.

eudr-1-(1).jpg
Đắk Nông nỗ lực chứng minh sản phẩm cà phê không phá rừng

Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, quy định EUDR không chỉ đặt ra thách thức cho ngành cà phê mà còn mở ra cơ hội để ngành hàng này phát triển bền vững hơn.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, ngành cà phê Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Nông sẽ thực thi các quy định của Liên minh châu Âu về nông sản chống phá rừng.



Nguồn: https://baodaknong.vn/dak-nong-chung-minh-san-pham-ca-phe-khong-gay-mat-rung-251300.html

Chủ đề: Đắk Nông

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm