CON GÁI CỦA BỘ TRƯỞNG TRONG CHÍNH PHỦ BÁC HỒ
Giáo sư (GS) Ngô Kiều Nhi (năm nay 80 tuổi) ra đời ngay sau ngày Nam bộ kháng chiến. Cha và mẹ bà vốn là thanh niên học sinh Sài Gòn những ngày trước cách mạng, đã dấn thân vào cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Cha bà nguyên là Bộ trưởng Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, một trong những vị bộ trưởng đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giáo sư Ngô Kiều Nhi ở tuổi 80
ẢNH: THÚY HẰNG
Sau năm 1954, cả gia đình bà tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp trung học, bà được cử sang Liên Xô học đại học ngành Động lực học và máy, rồi được đào tạo tiếp lên tiến sĩ kỹ thuật, tốt nghiệp năm 1975. Tới cuối năm 1975, bà được cử về công tác tại Trung tâm giáo dục Phú Thọ, nơi sau này là Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM).
"Ngày tôi trở về Sài Gòn thân quen, mọi thứ bình yên như chưa từng có cuộc chiến khốc liệt đi qua. Để có được điều này thì biết bao người đã hy sinh, trong tôi dâng lên cảm giác biết ơn sâu sắc, đồng thời tôi ý thức được trách nhiệm lớn lao là phải thực hiện mong mỏi của những người đã hy sinh, phải góp phần mình trong công cuộc xây dựng, phát triển thành phố", GS Ngô Kiều Nhi chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, trong vườn cây của Trường ĐH Bách khoa một sáng tháng 4.2025, dịp kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.
HỖ TRỢ TRỰC TIẾP VIỆC SẢN XUẤT
Ngay khi bắt tay vào làm việc tại Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất, bà Nhi đã nhận thấy 2 vấn đề lớn cần gấp rút giải quyết. Đó là đất nước nói chung và Sài Gòn (chính thức mang tên TP.HCM từ năm 1976) nói riêng rất hiếm các trường đại học, đặc biệt là không có trường tương tự như ĐH Bách khoa Hà Nội. Thứ hai là sau cuộc chiến cần phải phục hồi sản xuất, tuy nhiên trong điều kiện bế quan tỏa cảng, các nhà máy đều bị đình trệ, thiếu vật tư, trang thiết bị, thiếu phụ tùng thay thế…
Giáo sư Ngô Kiều Nhi chuyện trò cùng PV Báo Thanh Niên trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa
ẢNH: PHƯƠNG HÀ
Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT và sự lãnh đạo của trường, bà Ngô Kiều Nhi đã cùng tập thể thầy cô thiết lập ngay hệ đào tạo đại học, đổi tên Trung tâm giáo dục Phú Thọ thành Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm 1977, khóa tuyển sinh đại học đầu tiên được tiến hành, bên cạnh các ngành truyền thống, trường mở thêm một số ngành mới. Sau đó bà đã cùng các thầy cô bộ môn cơ học mở ngành Cơ kỹ thuật với khóa đầu tiên năm 2002. Nắm bắt rất sớm nhu cầu nhân lực nắm vững cả lý thuyết tính toán, nghiên cứu và có khả năng vận dụng tốt vào các bài toán kỹ thuật đa dạng, bà Ngô Kiều Nhi đã cùng các thầy cô bộ môn Cơ kỹ thuật cải tiến nội dung môn Cơ lý thuyết cho phù hợp với đào tạo các ngành kỹ thuật, đồng thời mở ngành Cơ kỹ thuật ở cả ba cấp: đại học, cao học, tiến sĩ.
Cho đến nay, các kỹ sư ngành Cơ kỹ thuật đã có mặt tại nhiều cơ sở như trường học, viện nghiên cứu, nhà máy ở rất nhiều địa phương, khả năng chuyên môn được đánh giá cao.
Bà Ngô Kiều Nhi đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng phòng thí nghiệm. Các sinh viên ngành Cơ kỹ thuật được hướng dẫn trực tiếp chế tạo các thiết bị cơ điện tử ở mức độ tự động hóa cao, như robot, tay máy, máy gia công 4D, máy gia công 5D… Nhờ vậy, đơn vị Phòng thí nghiệm Cơ kỹ thuật trong Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (hiện nay là Phòng thí nghiệm Cơ học ứng dụng - LAM) do bà phụ trách là nơi sản xuất và giải quyết được rất nhiều bài toán thực tiễn. Minh chứng rõ ràng nhất là sản phẩm máy cân bằng động - nhu cầu thiết yếu của ngành cơ khí chế tạo - đã được chuyển giao gần ngàn chiếc.
Giáo sư Ngô Kiều Nhi cùng các học viên, sinh viên tại Phòng thí nghiệm Cơ học ứng dụng (LAM)
ẢNH: THÚY HẰNG
Từ sau năm 1993 cho tới đầu những năm 2000, vào giai đoạn TP.HCM rất cần máy gia công đa năng điều khiển kỹ thuật số, bộ phận công nghệ của Phòng thí nghiệm đã chế tạo hàng ngàn bộ điều khiển cho phép chuyển đổi máy công cụ bán tự động sang tự động. Với các sản phẩm này, nhóm nghiên cứu của bà Ngô Kiều Nhi đã hỗ trợ rất hiệu quả cho quá trình phát triển sản xuất của thành phố.
Đặc biệt, điều khiến bà cảm thấy thành công là không chỉ tạo ra các sản phẩm mà đơn vị của bà đã tạo ra ngành sản xuất mới của thành phố. Thời điểm đó, TP.HCM là địa phương duy nhất trên cả nước có các cơ sở cơ khí chế tạo và kinh doanh sản xuất máy cân bằng động.
NHẬN GIẢI THƯỞNG KOVALEVSKAIA
Trong sự nghiệp của mình, bà Ngô Kiều Nhi nhận được nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng nhà nước về khoa học công nghệ "Nghiên cứu thiết kế chế tạo một số thiết bị đo lường và điều khiển phục vụ sản xuất" do Chủ tịch nước trao tặng năm 2005; giải ba Hội thi Sáng tạo khoa học công nghệ VN năm 2000 cho công trình "Chế tạo máy cân bằng động và chế tạo bộ điều khiển cho máy công cụ"... Đặc biệt, bà vinh dự được nhận giải thưởng quốc tế Kovalevskaia năm 2002 - giải thưởng quốc tế danh giá dành cho các nhà khoa học nữ, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của phụ nữ trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong khoa học tự nhiên.
Giáo sư Ngô Kiều Nhi trao đổi với sinh viên về nghiên cứu khoa học
ẢNH: THÚY HẰNG
Cho đến nay, ở tuổi 80, GS Ngô Kiều Nhi vẫn tham gia giảng dạy bậc cao học tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), hướng dẫn nghiên cứu sinh và viết các tài liệu giáo trình. Phương châm đào tạo của bà là trao cho người học khả năng tự học những kiến thức mới, tiên tiến, đồng thời có năng lực tạo ra các sản phẩm trình độ cao.
Nữ giáo sư chia sẻ với các bạn trẻ hãy giữ cho mình niềm say mê nghiên cứu khoa học, và nghiên cứu phải tạo ra sản phẩm. Sản phẩm được hình thành sau quá trình nhà nghiên cứu sâu sát với thực tiễn cuộc sống, trăn trở với những vấn đề người dân, người sản xuất đang gặp phải để giải những bài toán giúp họ. Sản phẩm cũng phải được chấp nhận thông qua chuyển giao công nghệ, hợp đồng kinh tế chứ không phải chỉ để trưng bày, nằm trên giấy…
Tiến sĩ Ngô Kiều Nhi nhận học hàm Giáo sư ngành cơ học năm 2004. Những đề tài khoa học tiêu biểu của bà có thể kể tới như "Cân bằng các chi tiết quay và khử rung các máy và thiết bị trong sản xuất" năm 1991-1993; "Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy cân bằng" năm 1994-1996; "Chế tạo mô hình CNC trên máy tiện" năm 1996-1997. CNC là chữ viết tắt của Computer Numerical Control, được hiểu là "điều khiển bằng máy tính". Thuật ngữ này được sử dụng trong hệ thống máy tiện cơ khí, máy cắt… được điều khiển hoàn toàn tự động. Mục tiêu của CNC là tối ưu hóa công việc, giúp giảm thời gian, chi phí và nhân công.
Bên cạnh đó, bà còn thực hiện nhiều đề tài có ý nghĩa rất lớn trong thực tiễn như "Dự án sản xuất thử: tin học hóa một số máy và thiết bị" năm 1997-2000; "Thiết kế chế tạo thiết bị đo biến dạng bằng biến cảm điện trở dây Straingauge" năm 1998-2000; Dự án sản xuất thử "Chế tạo bộ Controller cho máy CNC" năm 2001-2003; Thiết kế, chế tạo máy CNC 4D kiểu C dạng bàn gia công vật liệu mềm 2014-2015…
Nguồn: https://thanhnien.vn/tron-mot-doi-cong-hien-cho-khoa-hoc-nuoc-nha-185250429163654687.htm
Bình luận (0)