Việc "giải phóng tư duy khoa học", chấp nhận rủi ro, thu hút nhân tài và xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế là chìa khóa vàng để thúc đẩy sự phát triển này.
Khoa học công nghệ (KHCN) luôn là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, song cũng không ít lần bỏ lỡ cơ hội để bứt phá trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh của kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo (AI), câu hỏi đặt ra là Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ KHCN thế giới? Chúng ta đã làm được gì, còn thiếu điều gì và cần hướng đi nào để bứt phá?
Để hiểu rõ hơn về thực trạng cũng như triển vọng phát triển lĩnh vực KHCN của Việt Nam, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu), Giám đốc điều hành Trường Quản trị - Kinh doanh EMLV, Pháp.
Giáo sư đã có những chia sẻ thẳng thắn về những thành tựu, hạn chế cũng như các giải pháp để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.
Giáo sư đánh giá thực trạng KHCN Việt Nam ra sao, chúng ta đã có những thành tựu gì và bỏ lỡ gì sau nhiều năm cố gắng đổi mới?
- Tôi vẫn nhớ một cuộc trò chuyện của bốn năm về trước, với nhiều giáo sư Việt Nam và quốc tế về trình độ khoa học các nước, nhiều giáo sư cùng "ngậm ngùi" chia sẻ là cách đây 35-40 năm, trình độ KHCN cơ bản của Việt Nam và Trung Quốc khá tương đương nhau, mà đến nay, Trung Quốc đã đi quá xa, có những bước tiến vượt bậc, biến nghiên cứu khoa học và công nghệ thành biểu tượng phát triển, ví dụ: tàu vũ trụ, bán dẫn, AI, tàu ngầm, tàu cao tốc.
Trung Quốc, từ cách làm nghiên cứu khoa học bị đánh giá thấp những năm 2000 với số lượng lớn, đã có sự tiến bộ vượt trội cả về chất và lượng. Sau 20 năm, nhiều chuyên gia phản biện hàng đầu trong các lĩnh vực quan trọng như khoa học trái đất, tài chính, môi trường, công nghệ và đổi mới sáng tạo là người Trung Quốc hoặc gốc Trung Quốc.
Rõ ràng, họ đã nhận ra KHCN là trụ cột phát triển và đầu tư bài bản vào lĩnh vực này, đồng thời chuyển hóa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm phục vụ đời sống, thúc đẩy kinh tế quốc gia.
Bài toán phát triển KHCN rất cấp thiết cho Việt Nam, cần một chu kỳ phát triển mạnh mẽ hơn để bứt phá, tận dụng cơ hội từ Nghị quyết 57, biến KHCN thành nền tảng phát triển toàn diện trong kỷ nguyên số.
Chúng ta đã lỡ những năm của thập kỷ 80, 90, và những năm 2000 do nhiều lý do khác nhau. Nếu tiếp tục lỡ chuyến tàu lần này thì AI, và các công cụ, công nghệ mới sẽ làm cho khoảng cách xa thêm rất nhiều, và rất nhanh.
Việc Tổng Bí thư nhấn mạnh Nghị quyết 57 là Nghị quyết "giải phóng tư duy khoa học" có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Điều này thể hiện những điểm mới nào trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, thưa Giáo sư?
- Giải phóng tư duy khoa học là tiền đề then chốt cho mọi sự phát triển. Mọi tiến trình đều bắt nguồn từ nhận thức và phương pháp suy nghĩ.
Đầu tiên, cần xác định KHCN là nền tảng phát triển quốc gia, giúp Việt Nam sánh vai với thế giới. Nhìn vào con đường phát triển của các quốc gia có nền tảng KHCN tiên tiến, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng họ đều sở hữu một môi trường xã hội thuận lợi, trình độ dân trí cao và năng lực cạnh tranh quốc gia mạnh mẽ.
Tư duy về KHCN không chỉ dừng lại ở việc nhận thức tầm quan trọng mà còn phải chuyển hóa thành hành động cụ thể, đặc biệt là hành động đầu tư. Chi cho KHCN là một khoản đầu tư chiến lược.
Cổ tức mà KHCN mang lại chính là sự phát triển vượt bậc của xã hội, sự nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành kinh tế và sự tiến bộ trong tư duy của mỗi con người trong tương lai.
Thực tế là đầu tư thì bao giờ cũng đi kèm với rủi ro. Nghiên cứu có thể không mang lại kết quả tức thì, thậm chí thất bại nhiều lần. Điều này không đồng nghĩa với việc chấm dứt đầu tư mà đòi hỏi thời gian thẩm định, đánh giá và đầu tư tiếp tục để đạt được đột phá.
Tư duy khoa học cũng là tư duy luôn luôn học hỏi và cải tiến liên tục, bao gồm sửa đổi những nghiên cứu trước đó không còn phù hợp, và tiếp tục những nghiên cứu mới đột phá.
Trong câu chuyện về đổi mới tư duy phát triển KHCN, yếu tố con người đóng vai trò then chốt. Có những nhà lãnh đạo giỏi với tư duy "tất cả vì sự phát triển KHCN", những doanh nghiệp có tư duy "KHCN là lợi thế cạnh tranh giá trị cao".
Và trên hết là những nhà khoa học giỏi, có khả năng dẫn dắt, kiến thiết hệ sinh thái KHCN, xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh và xác định các chủ đề trọng tâm cho tương lai. Tất cả vì một "Giấc mơ lớn" là sự phát triển cho Việt Nam.
Như Giáo sư vừa chia sẻ câu chuyện về tư duy bộ óc nghĩa là cần những nhà khoa học có thể làm chủ lĩnh vực đó. Theo Giáo sư, Việt Nam có cần một cơ chế để thu hút những nhân tài mà không chỉ là các nhà khoa học Việt mà cả các nhà khoa học nước ngoài về không?
- Việt Nam cần không chỉ tập trung vào cộng đồng người Việt trong và ngoài nước mà còn hướng đến việc thu hút các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Sự mở rộng này là con đường nhanh, hiệu quả để nâng tầm KHCN quốc gia. Ở đây, tầm cỡ và sức hấp dẫn của các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các trung tâm R&D có ý nghĩa quan trọng.
Những năm gần đây thì chúng ta đã thấy sự gia tăng nhiều hội thảo khoa học có chất lượng cao tại Việt Nam, quy tụ nhiều chuyên gia quốc tế hàng đầu. Một số giải thưởng khoa học uy tín như VinFuture đã tạo tiếng vang, đưa Việt Nam trở thành điểm đến được chú ý trên bản đồ khoa học toàn cầu.
Sự quan tâm của giới khoa học quốc tế đối với các chủ đề nghiên cứu, sự năng động của nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng lớn. Với việc cải thiện môi trường nghiên cứu và xây dựng cơ chế hỗ trợ KHCN, chúng ta có cơ hội lớn để thu hút nhân tài quốc tế đến hợp tác, làm việc và đóng góp vào sự phát triển chung.
Nghị quyết 57 nhấn mạnh rất nhiều câu chuyện làm chủ các công nghệ chiến lược như AI, dữ liệu lớn, bán dẫn. Giáo sư có thể chia sẻ những sự học hỏi từ kinh nghiệm phát triển những lĩnh vực này ở Pháp?
- Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu 2008-2009 và khủng hoảng nợ công châu Âu đã đẩy nhiều nền kinh tế vào suy thoái.
Trong bối cảnh đó, Pháp dưới thời Tổng thống Sarkozy đã triển khai chương trình "Đầu tư cho tương lai" tập trung vào: Hỗ trợ hệ thống đại học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ sáng tạo; phát triển khoa học đời sống; đầu tư năng lượng sạch và quản lý tài nguyên; xây dựng xã hội số và chuyển đổi số.
Chương trình này cũng giúp tạo ra các viện công nghệ và cụm công nghệ Paris-Saclay. Mục tiêu ban đầu là đạt 25 kỳ lân công nghệ vào năm 2025, nhưng đến năm 2022, Pháp đã có 28 kỳ lân (CB Insights), cho thấy hiệu quả của việc tập trung đầu tư vào đào tạo, nghiên cứu và các ngành có tác động xã hội lớn.
Một ví dụ khác là sự phát triển trí tuệ nhân tạo. Năm 2018, Tổng thống Macron đã giao nhiệm vụ cho GS Cédric Villani - nhà toán học từng đoạt Huy chương Fields năm 2010 cùng với Giáo sư Ngô Bảo Châu - nghiên cứu và đề xuất chiến lược AI cho Pháp.
Báo cáo của ông Villani nhấn mạnh tiềm năng KHCN của Pháp nhưng cũng chỉ ra khó khăn trong việc ứng dụng vào thực tiễn, nguy cơ chảy máu chất xám và sự cần thiết tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm (sức khỏe, vận tải, môi trường, quốc phòng) cùng vấn đề đạo đức trong phát triển và ứng dụng AI.
Hai ví dụ này cho thấy Pháp đã nhận diện được những thiếu hụt, khó khăn và chủ động chuyển đổi mô hình phát triển.
Hiện tại, Pháp có năng lực nghiên cứu và ứng dụng KHCN cao, đặc biệt trong AI và dữ liệu lớn. Pháp đã công bố chiến lược 2030 với 54 tỷ euro đầu tư vào công nghệ cao, ưu tiên chuyển đổi xanh, hỗ trợ startup, R&D trong doanh nghiệp và chính sách ưu đãi thuế cho R&D.
Đây là bài học về việc xác định thời điểm, lĩnh vực đầu tư và chính sách hỗ trợ phù hợp cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Việt Nam và Pháp đã ký quan hệ chiến lược toàn diện, Giáo sư có thể đánh giá cơ hội hợp tác về phát triển khoa học giữa Việt Nam và Pháp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh sự phát triển về KHCN?
- Việt Nam và Pháp có các quan hệ hợp tác KHCN đặc biệt chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục đại học và đào tạo kỹ sư, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam học tập tại Pháp, và các nhà khoa học, chuyên gia hai nước làm việc cùng nhau.
Trong tương lai, hợp tác song phương có thể được mở rộng sang an ninh mạng, số hóa và chống biến đổi khí hậu, năng lượng. Đây là những lĩnh vực Việt Nam đang tăng cường đầu tư.
Việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược tạo điều kiện để hai nước phát triển hợp tác sâu rộng hơn dựa trên nền tảng KHCN vững chắc của Pháp.
Để có thể "đứng trên vai người khổng lồ" như lời Tổng Bí thư, giải pháp và hiệu quả có thể thực thi ngay là gì và câu chuyện giải pháp dài hạn là gì? Giáo sư có thể chia sẻ từ góc nhìn của mình?
- Không xây dựng và nâng cao được năng lực nội tại thì Việt Nam khó có thể tận dụng được thành tựu từ các quốc gia phát triển.
Thay vì tư duy chuyển giao công nghệ, vốn khó thực hiện và tốn kém vì bí mật công nghệ chính là năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, chúng ta nên tập trung xây dựng cơ chế hợp tác nghiên cứu và phát triển song phương hoặc đa phương.
Từ đó tạo điều kiện cho chuyên gia Việt Nam tham gia, nắm bắt và chuyển hóa công nghệ. Sau quá trình tích lũy, Việt Nam có thể tự phát triển công nghệ phù hợp với nhu cầu trong nước.
Những biến động và tình hình cạnh tranh công nghệ hiện nay trên thế giới đặt ra yêu cầu phải định hình lại hướng hợp tác KHCN với từng quốc gia, cập nhật ưu tiên của họ và xây dựng cơ chế hợp tác riêng biệt phù hợp. Ví dụ, trong ASEAN, ta có thể xây dựng nhóm KHCN phục vụ mục tiêu phát triển chung của khối. Để tham gia chuỗi hợp tác và giá trị toàn cầu, cần xây dựng cơ chế hợp tác ở cấp quốc gia và địa phương.
Cần phát huy nguồn lực trí tuệ của người Việt ở nước ngoài, những người có thể đóng vai trò cầu nối quan trọng trong hợp tác quốc tế. Họ có thể tạo kết nối và xây dựng lòng tin với các đối tác hàng đầu. KHCN là yếu tố đảm bảo năng lực cạnh tranh nên việc hợp tác hiệu quả đòi hỏi sự tin tưởng và quan hệ chiến lược.
Doanh nghiệp Việt Nam nên hành động như thế nào để thúc đẩy sự phát triển KHCN trong nước, thưa Giáo sư?
- Để phát triển KHCN, nguồn lực tài chính, nhân lực chất lượng cao, cơ chế hợp tác hiệu quả và năng lực hội nhập quốc tế là yếu tố then chốt. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp nhiều thách thức khi tiếp cận môi trường này.
Do đó, vai trò của các doanh nghiệp "thủ lĩnh", cả khu vực công và tư nhân, trở nên đặc biệt quan trọng. Họ cần tiên phong tạo ra những bài toán lớn, sau đó liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực nghiên cứu và khả năng hấp thụ công nghệ để cùng nhau giải quyết các vấn đề cấp quốc gia, hình thành một hệ sinh thái KHCN đủ mạnh.
Ưu tiên tiếp theo là xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp này với các trường đại học, viện nghiên cứu, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm quốc gia, nhằm đẩy mạnh ứng dụng KHCN và chuyển hóa tri thức khoa học thành giá trị thực tiễn. Quá trình này có thể chia thành hai giai đoạn: trước hết là sáng tạo ra những tri thức mới, và tiếp đó là tổng hợp những tri thức mới, tạo ra giá trị từ những tri thức đó.
Việt Nam cần tập trung phát triển những công nghệ nào hay là ngành nào là mũi nhọn của Việt Nam, ngành nào đang yếu và ngành nào cần phải khai phá bằng KHCN, thưa Giáo sư?
- Tháng 2 vừa qua AVSE Global có tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu tại văn phòng Google APAC, Singapore.
Chương trình này quy tụ Top 100 nhà đổi mới sáng tạo hàng đầu của Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới. Hơn 20 quốc gia đã tham gia thảo luận về những công nghệ và ý tưởng sáng tạo có thể giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ba chủ đề lớn, được coi là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua những thách thức và bứt phá để thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển, bao gồm:
Công nghệ tài chính (Fintech): Đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút nguồn lực tài chính, thúc đẩy tăng trưởng và nghiên cứu, cũng như tạo cơ hội cho các startup. Việc thiếu hụt nguồn lực tài chính sẽ cản trở sự phát triển, đặc biệt khi Việt Nam đang hướng đến xây dựng các trung tâm tài chính quốc tế.
Công nghệ tài chính hiện đại sẽ giúp người dân trên toàn thế giới dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay, đầu tư và biến các dự án của họ thành hiện thực.
Trí tuệ nhân tạo (AI): Có thể ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu chính là giúp Việt Nam nâng cao năng suất lao động, hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh, cũng như phát triển các dịch vụ mới bằng cách tối ưu hóa nguồn lực thông qua công nghệ AI.
Công nghệ bán dẫn: Việt Nam đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn từ những năm 1980, tuy nhiên, đây là một ngành đòi hỏi trình độ KHCN rất cao và khả năng kiểm soát công nghệ tinh vi.
Trong vài thập kỷ tới, ngành bán dẫn sẽ vẫn là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện tử, viễn thông, khoa học và vũ trụ. Nếu Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong ngành bán dẫn, sẽ giảm được sự phụ thuộc vào các quốc gia khác.
Chúng tôi cũng bàn đến nhiều công nghệ mới, mà ít nhất Việt Nam cũng có sự chuẩn bị, để có thể bắt nhịp cuộc chơi ngay như lượng tử, hay các năng lượng mới.
Để ba chủ đề này có thể phát triển mạnh mẽ, nền tảng của nó chính là sự phát triển các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo công nghệ, đặc biệt là các startup trong các lĩnh vực như bán dẫn, công nghệ tài chính, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Không gian mới từ Nghị quyết 57 có thể giúp các hướng công nghệ này đi xa.
Xin cảm ơn Giáo sư đã dành thời gian cho buổi trò chuyện!
Nội dung: Nam Đoàn, Bảo Trung, Thế Anh
Thiết kế: Thủy Tiên
03/05/2025 - 09:25
Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/khoa-hoc-cong-nghe-viet-nam-tu-thach-thuc-qua-khu-den-co-hoi-lich-su-20250502104018979.htm
Bình luận (0)