Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Festival Huế góp phần làm sống lại các di sản Cố đô

Festival Huế với hành trình gần 25 năm đã góp phần làm sống lại nhiều di sản của Cố đô cổ kính.

Báo Lao ĐộngBáo Lao Động03/05/2025


Festival Huế góp phần làm sống lại các di sản Cố đô

Di sản Huế "động đậy" nhờ Festival Huế. Ảnh: Trung tâm BTDTCĐ Huế

“Trời, Non, Nước” của vua Hàm Nghi

Triển lãm tranh “Trời, Non, Nước/Allusive Panorama” của vua Hàm Nghi, diễn ra từ ngày 25.3 tại điện Kiến Trung, Đại nội Huế, thu hút sự quan tâm lớn trong và ngoài nước. Hơn 20 bức sơn dầu nguyên bản do vua Hàm Nghi sáng tác trong giai đoạn lưu đày ở Pháp và Algérie đã được hồi hương, trưng bày tại đây. Vua Hàm Nghi không chỉ là anh hùng dân tộc mà còn là một trong hai họa sĩ người Việt đầu tiên tiếp cận hội họa hàn lâm Tây phương.

Những bức tranh phong cảnh của ông thể hiện nỗi nhớ quê hương và khao khát tự do. Sự kiện này đã mang lại một giao thoa diệu kỳ giữa di sản và nghệ thuật tại nơi gắn bó với vua Hàm Nghi.

Điện Kiến Trung không chỉ được thiết kế theo tiêu chuẩn trưng bày bảo tàng quốc tế để bảo vệ tranh, mà tại Festival Huế 2023, lần đầu tiên trong gần 25 năm lịch sử lễ hội, điện Kiến Trung được chọn làm sân khấu cho hai đêm khai mạc, bế mạc và đêm nhạc Trịnh Công Sơn, thay vì sân khấu truyền thống tại Kỳ Đài - Ngọ Môn. Quyết định táo bạo này tạo ấn tượng mạnh mẽ: Du khách không chỉ chiêm ngưỡng công trình vừa được phục dựng mà còn được sống trong không khí nghệ thuật đậm chất Huế. Ánh sáng sân khấu làm nổi bật từng mảng tường, cột kèo, hoa văn trang trí, gợi cảm giác như "di tích đang cựa mình" sau nhiều năm bị quên lãng.

Những đêm diễn tại điện Kiến Trung nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn và công chúng, vì chúng cho thấy di sản không chỉ "đóng khung" mà còn biết "động đậy", tiếp nhận hơi thở đương đại.

Đây chính là tiêu chí mà ban tổ chức Festival Huế đề ra: "Bảo tồn hay trùng tu, phục dựng nguyên vẹn một di sản mà không làm gì cả thì cuối cùng đó chỉ là di sản chết." Giờ đây, điện Kiến Trung trở thành biểu tượng điển hình cho cách di tích được sống lại và phát huy giá trị trong dòng chảy hiện đại.

Festival Huế mở cửa di sản để hội nhập và phát triển

Kể từ khi Festival Huế khai màn lần đầu vào năm 2000, văn hóa - di sản Cố đô đã bước sang một chương mới: Di tích không còn là những không gian tĩnh lặng, chỉ dành cho tham quan, mà trở thành sân khấu và mạch nguồn cảm hứng cho các chương trình nghệ thuật.

Bắt đầu từ Kỳ Đài - Ngọ Môn, cung Diên Thọ, Bia Quốc Học…, qua nhiều mùa, ban tổ chức lần lượt mang những công trình lịch sử biến thành điểm hẹn nghệ thuật. Khách du lịch đến Huế vì thế không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, mà còn cảm nhận được “hơi thở hiện đại” lan tỏa vào không gian cung đình xưa.

Qua hơn hai thập kỷ, Festival Huế dần chuyển từ mô hình hai năm một lần sang “bốn mùa festival” diễn ra quanh năm. Ban tổ chức mong muốn phân tán sự kiện để du khách có nhiều lựa chọn thời gian, đồng thời tận dụng đa dạng không gian di tích cho các buổi biểu diễn. Khi di tích trở thành “sân khấu,” bản thân công trình - dù là hoàng cung, đền miếu hay bờ sông Hương - cũng được làm mới, trở nên lung linh hơn. Đó chính là cách để thổi vào di tích một nhịp sống đương đại, giúp chúng không bị đơn thuần mang màu hoài niệm.

Nhìn lại hơn 20 năm phát triển, Festival Huế đã hoàn thành sứ mệnh "mang lại sức sống mới" cho di sản. Từ những mùa đầu, ban tổ chức đã chủ động đưa các chương trình nghệ thuật đương đại, âm nhạc dân gian quốc tế, và carnival đường phố vào không gian Cố đô. Đây là sự thể hiện rõ ràng của ý tưởng "di sản văn hóa với hội nhập và phát triển," giúp Huế vừa giữ gìn giá trị truyền thống, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cách tốt nhất để bảo tồn di sản là "thổi" vào đó sức sống thời đại, giúp di sản không bị tĩnh lặng. UNESCO đã khen ngợi Huế về nỗ lực bảo tồn, trùng tu các công trình hoàng cung, lăng tẩm, cũng như đào tạo đội ngũ thợ trùng tu có tay nghề cao, sẵn sàng truyền lại kiến thức cho thế hệ sau.

Tháng 9.2023, bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO khi đến Huế đã nhận định rằng, di sản của thành phố đã vượt qua giai đoạn "cứu nguy khẩn cấp" sau những tàn phá của chiến tranh, bước vào thời kỳ ổn định và phát triển bền vững. Bà đặc biệt ấn tượng với cách di tích "sống" trong các hoạt động văn hóa, phát huy tối đa giá trị thay vì chỉ nằm yên, trở thành di sản "chết".

Nguồn:https://laodong.vn/du-lich/tin-tuc/festival-hue-gop-phan-lam-song-lai-cac-di-san-co-do-1498361.html



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'
Tp. Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày thống nhất
Trời đất giao hoà, vui cùng non sông

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm