Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Góc nhìn” của nông dân tham gia mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao

STO - Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Đề án 1 triệu hécta lúa chất lượng cao) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng, triển khai tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Sóc Trăng. Dựa trên đề án, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình canh tác lúa giảm phát thải, đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho sản xuất lúa gạo của tỉnh, đặc biệt là tăng thu nhập cho nông dân canh tác lúa, tạo động lực để bà con duy trì và phát triển mô hình.

Báo Sóc TrăngBáo Sóc Trăng04/05/2025

Theo Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, tỉnh Sóc Trăng được xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng cao diện tích hơn 22.300ha (năm 2023), năm 2024 tăng lên 29.000ha, năm 2025 diện tích lúa 38.000ha và đến năm 2030 diện tích lúa chất lượng cao là 72.000ha. Dựa vào đề án, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mô hình thí điểm đã được 2 mùa vụ là vụ Hè - Thu (năm 2024), vụ Đông - Xuân (năm 2024 - 2025) tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng), với diện tích mô hình là 50ha/vụ/năm. Điều này đã góp phần giảm chi phí đầu tư mùa vụ, nâng cao năng suất và chất lượng lúa sau thu hoạch, đặc biệt là giúp cho các thành viên HTX nâng cao năng lực canh tác lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Ông Trương Văn Hùng (bìa phải) - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cùng thành viên HTX tham quan cánh đồng lúa thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Phạm Hoàng Trân, thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Lợi chia sẻ: "Theo cách canh tác lúa truyền thống, mỗi ha gieo sạ từ 120 - 150kg lúa giống. Tuy nhiên, khi tham gia vào mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, thì thực hiện theo quy trình giảm phát thải đề án đề ra, lượng giống gieo sạ giảm chỉ còn 60kg/ha và nhờ kết hợp đồng bộ trong việc sạ thưa, giảm giống, bón vùi phân, đúng thời điểm khi cây lúa cần nên so với lúa canh tác ngoài mô hình đã giảm lượng phân bón khoảng 30%. Đồng thời, trong quá trình canh tác ruộng bị ngập nước lâu, khiến lượng khí metan sinh ra càng nhiều, do đó để giảm phát thải thông qua việc quản lý nước, ngành chuyên môn đã hỗ trợ lắp đặt 3 thiết bị cảm biến môi trường trên cánh đồng lúa của HTX để đo đạc các chỉ số về mực nước tại ruộng cho thành viên HTX. Thiết bị cảm biến đã được cài đặt trên điện thoại thông minh của thành viên HTX, giúp thành viên biết mực nước trong ruộng lúa trong từng thời điểm đo đạc. Từ những dữ liệu của thiết bị cảm biến cung cấp, thành viên HTX đã kịp thời điều chỉnh mực nước ở ngưỡng thích hợp, giúp rễ lúa ăn sâu, cứng cây, giảm đổ ngã, sinh trưởng tốt và hạn chế thất thoát trong quá trình thu hoạch".

Cũng là thành viên hưởng lợi khi tham gia thí điểm mô hình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ông Lý Công Chức, thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Lợi nhìn nhận: "Với diện tích lúa 3,5ha tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã giúp cho tôi giảm đáng kể chi phí đầu tư 2 mùa vụ lúa của năm 2024, 2025. Mùa vụ đầu tiên, tôi tham gia thực hiện mô hình thí điểm là vụ Hè - Thu (năm 2024), với giống lúa gieo sạ ST25, trong suốt mùa vụ canh tác, tôi đã áp dụng quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” nên năng suất lúa tăng cao, sản lượng lúa đạt 8 tấn/ha, giá bán 11.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận 60 - 70 triệu đồng/ha. Còn vụ Đông - Xuân (năm 2024 - 2025) đã thu hoạch xong trước tết Nguyên đán 2025, mặc dù ảnh hưởng của thời tiết lúa trổ ngay lúc có mưa nhiều, nhưng nhờ áp dụng các biện pháp canh tác lúa tiên tiến nên lúa giảm thiệt hại đáng kể. Lúa sau thu hoạch ước năng suất 6 - 6,2 tấn/ha, giá bán 9.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng/ha. Hiện tại, tôi đang làm đất để thực hiện tiếp mô hình thí điểm trong vụ lúa Hè - Thu (năm 2025), chắc chắn mùa vụ mới sẽ thành công".

Ông Phạm Hoàng Trân, thành viên HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) nhìn nhận, khi thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trên ruộng lúa của gia đình đã giảm lượng phân bón cho đồng ruộng 30%. Ảnh: THÚY LIỄU

“Mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao quy mô 50ha tại HTX đã được triển khai thực hiện qua 2 mùa vụ đều rất thành công. Năng suất lúa trong mô hình ước tính đạt bình quân từ 6,5 - 7 tấn/ha, đem về lợi nhuận hơn 5,5 triệu đồng/ha cho thành viên HTX, nhờ giảm chi phí đầu tư mùa vụ. Lượng rơm tại ruộng cũng sẽ được thành viên tận dụng ủ làm phân hữu cơ, bón lại cho lúa, làm thức ăn cho trâu, bò hoặc trồng nấm... thay vì xử lý theo cách thức truyền thống trước kia là đốt bỏ làm tăng phát thải ra môi trường. Đặc biệt khi tham gia thí điểm mô hình, HTX được hưởng lợi rất nhiều khi được các cấp, các ngành từ Trung ương, tỉnh, địa phương hỗ trợ đầy đủ các trang thiết bị, từ cơ giới hóa trong canh tác lúa đến sau thu hoạch. Nhờ đó, hoạt động sản xuất và kinh doanh của HTX khi thực hiện mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao dễ dàng hơn”, ông Trương Văn Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi thông tin.

Để thực hiện thành công mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trước khi triển khai đến HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho các thành viên về quy trình canh tác, phương thức sử dụng phân bón, theo nguyên tắc quản lý dinh dưỡng cho vùng chuyên biệt và quản lý dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng. Cộng với nền tảng sẵn có trong việc áp dụng các gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, mà trước đây HTX đã được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững hỗ trợ nên việc quản lý liều lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hướng giảm phát thải trong mô hình ngày một chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nên thường xuyên đến khảo sát mô hình tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, diện tích gieo sạ lúa hằng năm trên địa bàn tỉnh hơn 320.000ha, với tổng sản lượng lúa trên 2,1 triệu tấn/năm. Để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng lúa của toàn tỉnh, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án phát triển lúa đặc sản, Đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ… Riêng Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, tỉnh nhận thấy đây là cơ hội tốt cho tỉnh phát triển sản xuất sản phẩm lúa gạo giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho nông dân và nhất là giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đánh giá chung, mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã thực hiện tại HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, kết quả nhận về là lượng khí nhà kính phát thải trong mô hình 9.505kg CO2 tương đương/ha, giảm 3.996kg CO2 tương đương/ha/vụ, tương đương 29,6% so với ruộng ngoài mô hình. Nhằm mở rộng mô hình tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong vụ Hè - Thu (năm 2025) này, đơn vị tiếp tục triển khai mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại các huyện như: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Trần Đề và thị xã Ngã Năm, mô hình có diện tích 50ha/mô hình.

THÚY LIỄU

Nguồn: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202505/goc-nhin-cua-nong-dan-tham-gia-mo-hinh-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-47e0efb/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

29 công trình phục vụ tổ chức Hội nghị APEC 2027
Xem lại màn bắn pháo hoa đêm 30/4 kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước trên bầu trời TPHCM
Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025
Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm