Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện tốt chính sách ưu đãi thị thực (visa) để thu hút khách quốc tế tới Việt Nam trên tinh thần mở rộng địa bàn, mở rộng đối tượng
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến xác đáng để bổ sung, hoàn hiện dự thảo Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025.
Nhấn mạnh thêm một số nội dung để tiếp tục hoàn thiện báo cáo, các đại biểu đều thống nhất đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm là rất tích cực, quyết liệt, bám sát tình hình, với khối lượng công việc rất lớn, ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, công điện…; bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, cơ bản đạt được các yêu cầu, mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Từ thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ, Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quan trọng như phải bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức; bảo đảm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; chú trọng cả làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thúc đẩy triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi thị thực (visa) để thu hút khách quốc tế tới Việt Nam trên tinh thần mở rộng địa bàn, mở rộng đối tượng. Bộ Công Thương sớm trình nội dung về chương trình kích cầu nội địa. Bảo đảm điện năng, không để thiếu điện trong mọi tình huống.
Đồng thời, phải chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV với số lượng rất lớn các đề án, dự án luật, nghị quyết... Tập trung bố trí nguồn lực cho thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Chủ động đề xuất, hoàn thiện các phương án đàm phán với Hoa Kỳ liên quan thuế đối ứng.
Cùng với đó, đẩy mạnh các giải pháp tăng thu, triệt để tiết kiệm chi; chủ động mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Đẩy mạnh cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng lưu ý Bộ GD&ĐT tập trung hơn nữa cho công tác đổi mới toàn diện giáo dục-đào tạo; phát triển các trường dân tộc nội trú; thúc đẩy đào tạo ngoại ngữ, nhất là ngôn ngữ tiếng Anh; tăng cường xã hội hóa để phát triển các trường đại học…
Thủ tướng cũng yêu cầu có các cơ chế hiệu quả trong xử lý, giải quyết các dự án sai phạm, tồn đọng, kéo dài. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tốt cho lễ khởi công, khánh thành 80 công trình lớn, dự án trọng điểm quốc gia trong dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh sắp tới.
Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39%; khách nội địa đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, tăng 29,6% so với Quý I năm 2024, góp phần khẳng định vị thế, sức hấp dẫn của Du lịch Việt Nam.
Năm 2025, để tăng tốc phát triển du lịch, thực hiện thắng lợi mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch tăng trưởng 12 - 13% so với năm 2024, tạo động lực lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp tích cực, hiệu quả vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, góp phần tăng tốc, bứt phá, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng hai con số ở các giai đoạn tiếp theo, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều chính sách có tính chất tổng lực để thúc đẩy du lịch tiếp tục phát triển bền vững
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc áp dụng chính sách thị thực thuận tiện, linh hoạt cho khách du lịch như: miễn thị thực (bao gồm cả chính sách miễn thị thực ngắn hạn), cải tiến thủ tục xét duyệt thị thực cho khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam theo các Chương trình kích cầu du lịch hoặc tham gia các sự kiện ngoại giao văn hóa theo lời mời của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đề xuất cụ thể các chính sách ưu đãi thị thực cho các đối tượng đặc thù như: nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, vận động viên thể thao nổi tiếng thế giới, chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư, tĩ phú nhập cảnh vào Việt Nam vì mục đích du lịch, triển khai các nhiệm vụ, đề án về hội nhập quốc tế, hợp tác nghiên cứu, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách thông thoáng, thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch ở khu vực biên giới.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/thuc-hien-tot-chinh-sach-uu-dai-thi-thuc-de-thu-hut-khach-quoc-te-20250505104605308.htm
Bình luận (0)