Theo nguồn tin của Financial Times, Huawei là người chơi lớn đứng sau 3 nhà máy sản xuất tại quận Guanlan, Thâm Quyến. Hình ảnh vệ tinh mà Financial Times có được cho thấy các nhà máy ở Guanlan, với phong cách đặc biệt, đã mở rộng nhanh chóng từ khi khởi công năm 2022.
Các nhà máy thể hiện tham vọng của Huawei trong việc trở thành người dẫn đầu về bán dẫn, củng cố nỗ lực của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi như AI.

Dylan Patel, nhà sáng lập hãng tư vấn chip SemiAnalysis, nhận định Huawei dồn nỗ lực chưa từng có để phát triển từng phần trong chuỗi cung ứng AI nội địa, từ thiết bị chế tạo wafer đến phát triển mô hình. “Chúng tôi chưa từng chứng kiến một công ty nào như vậy trước đây”, Dylan Patel cho hay.
Nguồn tin tiết lộ, Huawei đã vận hành một trong các nhà máy – nơi sản xuất chip 7nm và bộ xử lý Ascend AI. Hai nhà máy hoàn thành năm ngoái do nhà sản xuất thiết bị chip SiCarrier và nhà sản xuất memory chip SwaySure vận hành. Dù Huawei phủ nhận liên quan đến hai startup, người trong ngành cho biết công ty giúp huy động vốn và chia sẻ nhân lực, công nghệ. Khi đạt đến giai đoạn phát triển nhất định, họ sẽ bị cắt đứt liên hệ với Huawei.
SiCarrier tách ra từ một phòng thí nghiệm Huawei và đăng ký kinh doanh năm 2021. Trước tháng 3, họ vẫn im hơi lặng tiếng cho đến khi công bố khoảng 30 công cụ, gồm thiết bị khắc, kiểm thử, lắng đọng… tại hội nghị SemiCon Thượng Hải.
Các nhà máy cũng được chính quyền Thâm Quyến hỗ trợ tài chính, theo nguồn tin.

Huawei tham gia vào các dự án phát triển công nghệ nhằm thay thế Nvidia (Mỹ), nhà sản xuất máy móc ASML (Hà Lan), nhà sản xuất memory chip SK Hynix (Hàn Quốc) và xưởng đúc chip TSMC.
Nỗ lực của Huawei được tăng tốc sau khi Washington ban hành lệnh cấm vận năm 2019 và chặn công ty tiếp cận công nghệ nước ngoài quan trọng. Một lãnh đạo của hãng chia sẻ, ông từng nghĩ công ty “xong đời” sau khi bị Mỹ truy đuổi nhưng ngược lại, tham vọng chỉ càng mạnh mẽ hơn và những gì đạt được thực sự phi thường.
Ba nhà máy kể trên rất gần với xưởng đúc chip của Pengxinwei (PXW) và Shenzhen Pensun (PST) – hai cái tên mà Mỹ cáo buộc liên quan đến Huawei. Nguồn tin cho biết Huawei còn đầu tư vào các nhà máy sản xuất tại Thượng Hải, Ninh Ba và Thanh Đảo.
Dù vậy, những người trong ngành cũng hoài nghi về khả năng hiện thực hóa tham vọng của Huawei vì công ty thiếu kinh nghiệm trong sản xuất bán dẫn so với các đối thủ trong và ngoài nước. Một số công ty Trung Quốc đã dành hàng thập kỷ để làm điều tương tự nhưng vẫn thua xa ASML và TSMC.
Theo Financial Times, Huawei muốn sản xuất chip riêng do không hài lòng với sản lượng thấp của đối tác SMIC. Các đối tác và đối thủ, như SMIC và Shanghai Micro Electronics Equipment, đã hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật quan trọng cho các dự án của Huawei vì tầm ảnh hưởng chính trị của công ty.
Huawei phủ nhận liên quan đến SwaySure, UEA, PXW và PST. Công ty cũng cho rằng “không chính xác” khi gán ghép tất cả hoạt động bán dẫn tại Thâm Quyến với công ty.
Chính phủ Mỹ đã nhắm vào mạng lưới của Huawei. Tháng 12/2024, Washington đưa SiCarrier và SwaySure vào danh sách thực thể, cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho họ. Mỹ cáo buộc hai công ty hỗ trợ các nỗ lực phát triển công nghệ chip tiên tiến để hiện đại hóa quân sự của Huawei.
(Theo Financial Times)

Nguồn: https://vietnamnet.vn/anh-ve-tinh-tiet-lo-nha-may-chip-hien-dai-cua-huawei-2397706.html
Bình luận (0)