Huế không chỉ có di sản

Người Đưa TinNgười Đưa Tin04/01/2025

Ngoài nét cổ kính của lăng tẩm đền đài, của hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, Huế còn gây ấn tượng mạnh là thành phố xanh với một ngành du lịch xanh phát triển.

Khẳng định thương hiệu thành phố du lịch xanh

Hôm nay 30/11, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã trở thành một cột mốc lịch sử, đánh dấu sự phát triển toàn diện của một vùng đất địa linh nhân kiệt với chiều sâu văn hoá, di sản, kết tinh nhiều giá trị của nền văn minh nhân loại, giàu bản sắc. Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 6 di sản của riêng Huế. Tuy nhiên, ngoài nét cổ kính của lăng tẩm đền đài, của hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, Huế còn gây ấn tượng sâu sắc với du khách bởi cảnh quan thân thiện môi trường ngay giữa lòng đô thị: cây xanh, công viên xanh bố trí trải đều khắp thành phố, dọc các con sông…
Huế không chỉ có di sản- Ảnh 1.

Thành phố Huế có rất nhiều cây xanh và công viên xanh (Ảnh: Lê Đình Hoàng)

Và bằng những nước đi chiến lược, cùng những kế hoạch thực tế, địa phương này đang ngày càng cho thấy khi nhắc đến Huế, người ta không chỉ nhớ đến các di sản mà còn ấn tượng bởi một thành phố xanh với một ngành du lịch xanh phát triển hàng đầu cả nước. Trong thời gian vừa qua, Huế là địa phương đi đầu trong việc hành động hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường sống, môi trường du lịch xanh, sạch, trở thành đô thị du lịch sinh thái giai đoạn tới đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính Net Zero 2050 của Việt Nam. Có thể kể đến những hoạt động, việc làm thiết thực để tạo dựng môi trường du lịch xanh – sạch – đẹp, an toàn, thân thiện với du khách như: "Ngày Chủ nhật xanh", "60 phút sạch nhà, đẹp ngõ", giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch, cam kết chung tay bảo vệ động vật hoang dã….
Huế không chỉ có di sản- Ảnh 2.

Phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" lan tỏa đến mỗi người dân ở Huế.

Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế đang phát triển theo hướng xanh, bền vững dựa trên những giá trị văn hóa, di sản. Minh chứng cho điều này là, vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á (ATF) năm 2024 diễn ra tại thủ đô Vientiane của Lào, du lịch Thừa Thiên-Huế vinh dự nhận 3 giải thưởng ở 3 hạng mục: Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024 (thành phố Huế); Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN 2024 (Điểm đến An Nhiên Garden); Địa điểm tổ chức MICE ASEAN 2024 (Khách sạn Silk Path Grand Huế). Các giải thưởng du lịch ASEAN này sẽ góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu du lịch Thừa Thiên-Huế trong khu vực và là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch cũng như các tổ chức du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá thương hiệu du lịch địa phương, nhất là các sản phẩm du lịch xanh.
Huế không chỉ có di sản- Ảnh 3.

Tour đạp xe đạp tham quan các di sản ở Huế rất thu hút du khách.

Thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện địa phương này đã xây dựng các gói sản phẩm du lịch với chủ đề du lịch xanh phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch hiện nay như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, thưởng thức ẩm thực, sáng tạo các sản phẩm/điểm check-in du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá; hình thành các điểm vui chơi giải trí mới, các điểm dịch vụ về đêm, các tour du lịch với tiêu chí xanh - bền vững, bảo tồn di sản văn hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, có trách nhiệm với cộng đồng: tour khám phá nét đặc trưng lịch sử, văn hóa và cảnh quan các địa phương dành cho đối tượng khách trẻ tuổi, nhóm khách gia đình; ưu tiên sử dụng các phương tiện xe điện, xe đạp và xe xích-lô.

Không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong thời gian tới, để phát triển du lịch xanh trở thành một trong những sản phẩm du lịch chủ đạo của ngành du lịch tỉnh, địa phương sẽ khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh phải tuân thủ nguyên tắc: tôn trọng và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch thân thiện với môi trường; không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên; không phá vỡ cảnh quan và không làm biến tướng, mất đi các giá trị văn hóa truyền thống nguyên bản; không đánh đổi tài nguyên, môi trường với phát triển du lịch bằng mọi giá.
Huế không chỉ có di sản- Ảnh 4.

Tour đạp xe đạp tham quan các Di tích Huế thu hút nhiều du khách trải nghiệm.

Bên cạnh đó, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào việc quản lý phát triển du lịch xanh, chú ý đến quản lý sức chứa của các điểm, khu du lịch, giám sát, điều tiết lượng khách vào các công trình di sản, điều tiết lưu lượng giao thông đến các khu/điểm du lịch; chú trọng đẩy mạnh chất lượng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả của các điểm đến du lịch gắn liền với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Ngoài ra, có khảo sát đánh giá các thị trường khách quan tâm đến du lịch xanh, thói quen chi tiêu của khách nhằm xây dựng các sản phẩm dịch vụ xanh có khả năng thu hút các nguồn khách có chất lượng và khả năng thanh toán cao để giảm quá tải, ô nhiễm cho những vùng nhất định trên địa bàn tỉnh.
Huế không chỉ có di sản- Ảnh 5.

Phát triển du lịch cộng đồng bằng việc vận dụng lợi thế về đầm phá với những dải rừng ngập mặn ở phá Tam Giang.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần mở rộng mạng lưới kết nối, hợp tác chặt chẽ với nhau, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng, phát triển các tua, sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao,… các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. "Ngành du lịch tỉnh cũng đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành "Bộ tiêu chí du lịch xanh" cho các mảng: khách sạn, homestay, Khu nghỉ dưỡng, dịch vụ Lữ hành, Điểm du lịch áp dụng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đồng thời đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như "tour xanh", "khách sạn xanh", "nhà hàng xanh", "khu nghỉ dưỡng xanh"… để du khách dễ dàng nhận diện và đăng ký sử dụng", Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 15 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch, trong đó có 12 điểm du lịch sinh thái và du lịch sinh thái gắn với cộng đồng như nhà vườn Lương Quán – Nguyệt Biều tại Tp.Huế, khu vực cầu Ngói Thanh Toàn tại thị xã Hương Thủy hay khu sinh thái Đầm Chuồn tại huyện Phú Vang... Các tuor du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng như: tour Hoàng hôn phá Tam Giang - khám phá đầm phá lớn nhất Đông Nam Á; tua Thăm Làng cổ Phước Tích - Đan lát Thủy Lập - Thôn Ngư Mỹ Thạnh - Phá Tam Giang; tour Đạp xe về Phá Tam Giang; Thăm làng Phước Tích - Phá Tam Giang; tour Từ đồng rau xanh đến ánh vàng đầm phá; tua Khám phá Tam Giang… Các tour du lịch này không chỉ phù hợp với du khách, các đoàn đi theo dạng Teambuilding mà còn thích hợp với hoạt động dã ngoại cuối tuần của người dân địa phương. Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hue-khong-chi-co-di-san-204241130172217456.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available