Lãnh đạo ngành Du lịch của 14 tỉnh, thành phát động Chương trình hành động về phát triển du lịch xanh, bền vững TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL với chủ đề “Du lịch bền vững và mục tiêu Net Zero”. Ảnh: KIỀU MAI
Tại hội nghị, đại biểu thống nhất các nội dung trọng tâm của năm 2025 trong liên kết. Cụ thể: tổ chức các hội nghị triển khai nhiệm vụ, diễn đàn hợp tác, phát triển du lịch; thực hiện và công bố Ðề án Phát triển sản phẩm du lịch liên kết TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL; phát triển chương trình du lịch về nguồn gắn với giá trị văn hóa lịch sử vùng biên giới các tỉnh Long An, Ðồng Tháp, An Giang và Kiên Giang; chương trình quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL tại các tỉnh miền Trung (đây là chương trình quảng bá chung đầu tiên của 14 tỉnh, thành đến thị trường tiềm năng); xây dựng cẩm nang điện tử giới thiệu danh mục các dự án xúc tiến, đầu tư du lịch của 14 tỉnh, thành; hoàn thiện và công bố nội dung quảng bá điểm đến du lịch của 13 tỉnh, thành ÐBSCL trên nền tảng ứng dụng số 3D/360 của TP Hồ Chí Minh; tổ chức các lớp đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong du lịch cộng đồng và đường thủy.
Các đại biểu cũng thảo luận và có nhiều kiến nghị, đề xuất để liên kết hiệu quả, thúc đẩy phát triển du lịch vùng. Cụ thể, các địa phương tại ÐBSCL cần tái cấu trúc và định vị lại sản phẩm du lịch; quan tâm đầu tư đồng bộ hạ tầng du lịch; các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp vùng ÐBSCL chú trọng xây dựng thương hiệu Mekong Delta, trong đó mỗi địa phương có sản phẩm đặc trưng để tạo điểm nhấn thu hút du khách, nhất là khách quốc tế. Ðồng thời đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là liên kết, quảng bá, mở rộng thị trường kết nối đến miền Trung, miền Bắc; chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đường thủy; ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động du lịch...
Dịp này, Ban tổ chức phát động Chương trình hành động về phát triển du lịch xanh, bền vững TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL với chủ đề “Du lịch bền vững và mục tiêu Net Zero”. 26 doanh nghiệp du lịch, lữ hành của 14 tỉnh, thành cũng ký kết hợp tác phát triển du lịch vùng.
Từ năm 2019, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL đã xây dựng liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Trong đó xác định 5 nội dung trọng tâm: trao đổi thông tin và quản lý nhà nước; xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch; đầu tư nguồn nhân lực; xúc tiến đầu tư du lịch. Theo đó, mỗi năm các tỉnh, thành thuộc liên kết, hợp tác này tổ chức các hội nghị đề ra nhiệm vụ trọng tâm và sự kiện trọng điểm.
Năm 2024 có nhiều nội dung đã được triển khai đạt hiệu quả. Ðó là: tổ chức thành công Diễn đàn Liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL tại Bến Tre; Tuần Du lịch Thương mại TP Hồ Chí Minh và ÐBSCL tại TP Cần Thơ; khảo sát, xây dựng và công bố 55 tuyến du lịch đường sông của 14 tỉnh, thành; tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch kết nối vùng: Ðông Nam Bộ, ÐBSCL. Ðồng thời bình chọn và công bố 50 điểm đến hấp dẫn của 14 tỉnh, thành... Từ hiệu quả của liên kết, năm 2024 đã có hơn 2,7 triệu lượt du khách từ TP Hồ Chí Minh đến ÐBSCL, đồng thời có hơn 1 triệu lượt du khách từ ÐBSCL đến TP Hồ Chí Minh.
ÁI LAM
Nguồn: https://baocantho.com.vn/huong-den-du-lich-xanh-va-ben-vung-a184878.html
Bình luận (0)