Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hướng tín dụng đúng mục tiêu phát triển

NDO - Đến thời điểm này, dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Khu vực 7 ước đạt hơn 561 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 3,5% dư nợ tín dụng toàn quốc. Dù đã có bước tăng trưởng tích cực, nhưng tăng trưởng tín dụng của khu vực vẫn thấp hơn so mức tăng trưởng chung của toàn quốc, đòi hỏi phải tiếp tục quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân04/04/2025

Ngày 4/4, tại Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7 (bao gồm 4 tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam).

Hội nghị do Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng và đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng chủ trì.

Đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa các chỉ đạo thành các mục tiêu, giải pháp thực hiện cho toàn hệ thống.

Riêng đối với công tác tín dụng, toàn ngành Ngân hàng đã quyết tâm triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lành mạnh, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trong hơn hai tháng đầu năm 2025 đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng liên quan đến công tác tín dụng chung, tín dụng ngành, lĩnh vực và lãi suất.

“Nhờ vậy, mặc dù theo quy luật của các năm trước, tín dụng thường giảm trong những tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịp Tết Nguyên đán, nhưng tăng trưởng đầu năm 2025 đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ 2024. Cụ thể, đến cuối tháng 3, tín dụng toàn hệ thống đã tăng được khoảng 2,5% so với cuối 2024 (trong khi cùng kỳ 2024 chỉ tăng trưởng được khoảng 0,26%). Hệ số sử dụng vốn của các ngân hàng hiện nay đạt 103%, cho thấy các tổ chức tín dụng đã sử dụng tối đa nguồn vốn để cấp tín dụng cho nền kinh tế”, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nhấn mạnh.

Hướng tín dụng đúng mục tiêu phát triển ảnh 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng phát biểu tại hội nghị.

Bốn tỉnh thuộc Khu vực 7 thuộc vùng Bắc Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, thuộc hành lang kinh tế bắc-nam, có vị trí chiến lược nằm trên trục giao thông quan trọng nối miền bắc và miền trung, thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh tín dụng ngân hàng.

Thông tin tại Hội nghị, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 7 Trần Thế Hùng cho biết, đến nay, mạng lưới các tổ chức tín dụng trong khu vực có 112 chi nhánh ngân hàng cấp 1; 160 quỹ tín dụng nhân dân; 11 Tổ chức tài chính vi mô và chi nhánh tổ chức tài chính vi mô; 439 phòng giao dịch, 927 máy ATM, 4.748 máy POS và 3 điểm giao dịch lưu động.

“Với mạng lưới hoạt động trên đây đã cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân, doanh nghiệp”, đồng chí Trần Thế Hùng khẳng định.

Đến cuối tháng 3/2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Khu vực 7 ước đạt hơn 561 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 3,5% dư nợ tín dụng toàn quốc.

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực như vậy, nhưng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng, tăng trưởng tín dụng năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 của Khu vực 7 vẫn thấp hơn so mức tăng trưởng chung của toàn quốc.

Nguồn vốn huy động chưa đáp ứng được nhu cầu, phần lớn mới chỉ đáp ứng được 90%, có tỉnh chỉ 70-80% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Vì vậy, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn quốc năm 2025 là 16% (dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng so với năm 2024) góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước (tối thiểu 8%) và 4 tỉnh của Khu vực từ 10,5%-12% đòi hỏi toàn ngành ngân hàng nói chung và tại Khu vực 7 nói riêng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.

“Đây là một thách thức cần sự nỗ lực vào cuộc của cả ngành Ngân hàng, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự quan tâm của chính quyền các địa phương”, đồng chí Phạm Quang Dũng khẳng định.

Cần có cơ chế hỗ trợ tài chính linh hoạt

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ về vai trò của tín dụng ngân hàng đối với tăng trưởng kinh tế khu vực nói chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp nói riêng; đồng thời cũng thẳng thắn nêu ra những kỳ vọng của doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng.

Theo Lê Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Lam Sơn, tín dụng ngân hàng không chỉ là đòn bẩy tài chính giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thông qua các chương trình tín dụng, doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động vốn, đầu tư vào các hoạt động kinh doanh có tiềm năng. Ngoài ra, việc tăng cường các gói tín dụng linh hoạt, lãi suất ổn định và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn cho bà con nông dân, giúp doanh nghiệp duy trì sự phát triển bền vững.

“Là một doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi có mối quan hệ mật thiết với bà con nông dân - những người trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Sự phát triển bền vững của ngành không thể tách rời khỏi sự ổn định và thịnh vượng của bà con nông dân. Trong bối cảnh hiện nay, ngành mía đường đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến động giá cả, biến đổi khí hậu đến chi phí sản xuất ngày càng tăng. Do đó, vai trò của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và nông dân là vô cùng quan trọng”, Lê Văn Phương nhận định.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều hộ nông dân trồng mía đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng do hạn chế về tài sản bảo đảm hoặc các điều kiện vay khắt khe.

Vì vậy, Tổng Giám đốc Lê Văn Phương kiến nghị ngành Ngân hàng có các giải pháp hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; các ngân hàng thương mại triển khai thêm các gói tín dụng ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục vay vốn và mở rộng hình thức thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân.

Bên cạnh đó, với đặc thù ngành mía đường có tính chu kỳ rõ rệt, thường xuyên cần nguồn vốn lớn vào đầu vụ để đầu tư phân bón, giống mía, chăm sóc và thu hoạch. Nên doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn các ngân hàng có cơ chế hỗ trợ tài chính linh hoạt theo mùa vụ sản xuất, điều chỉnh lịch trả nợ linh hoạt để phù hợp với dòng tiền thực tế của doanh nghiệp và nông dân.

Hướng tín dụng đúng mục tiêu phát triển ảnh 2

Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Hồ Văn Tuấn chia sẻ ý kiến tại hội nghị.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Hồ Văn Tuấn cho biết, đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ các khách hàng tại khu vực của Vietcombank đạt 47.300 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế Khu vực 7, Vietcombank đã và đang nỗ lực huy động các nguồn vốn giá rẻ từ khu vực khác để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng trong khu vực.

Ngay từ đầu năm, Vietcombank đã phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở mức tối đa. Đây là chỉ tiêu trọng yếu bên cạnh chỉ tiêu về kiểm soát chất lượng tín dụng theo định hướng an toàn, hiệu quả. Vietcombank đã tập trung tăng trưởng tín dụng ngay trong quý 1/2025, đến hết ngày 31/3 tăng trưởng đạt 4,7%.

Riêng về các chương trình, chính sách giảm lãi suất, ngay từ đầu năm Vietcombank đã triển khai đồng thời 16 chương trình cho vay lãi suất thấp cho cả khoản vay ngắn hạn và trung dài hạn với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5% tới 2% so với lãi suất bình quân.

Để tăng cường hơn nữa tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của khu vực trong thời gian tới, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khu vực phải thể hiện vai trò là đại diện của Ngân hàng Nhà nước tại cả 4 tỉnh của Khu vực 7, thực hiện chức năng của Ngân hàng Nhà nước Khu vực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế. Chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm, thế mạnh của vùng. Tranh thủ sự ủng hộ của các địa phương, các Hiệp hội ngành nghề để phát triển tín dụng trên địa bàn. Tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu nhưng bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn hệ thống, hạn chế nợ xấu phát sinh…

Nguồn: https://nhandan.vn/huong-tin-dung-dung-muc-tieu-phat-trien-post870179.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cô gái Điện Biên khổ luyện nhảy dù 4 tháng để lấy 3 giây đáng nhớ 'trên trời'
Ký ức ngày thống nhất
10 trực thăng kéo cờ tập luyện chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
Tự hào vết thương chiến tranh sau 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm