Cảnh trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. |
Lịch sử Việt Nam là kho tàng đồ sộ với công cuộc dựng nước và giữ nước vĩ đại. Mỗi sự kiện, bước ngoặt… đều đủ tiềm năng để khai thác thành kịch bản, tác phẩm điện ảnh hay. Tuy nhiên, số lượng phim đề tài lịch sử thật sự hấp dẫn, lôi cuốn và tác động sâu sắc tới công chúng vẫn chưa nhiều.
Điều đặc biệt làm nên thành công
Theo thống kê của ngành điện ảnh, phim đề tài lịch sử chủ yếu được Nhà nước đặt hàng với mục đích phục vụ nhiệm vụ chính trị và chỉ vài năm trở lại đây mới có một số hãng phim tư nhân dấn thân vào thử thách này. Theo Văn bản báo cáo của Cục Điện ảnh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kinh phí sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2018-2021 là gần 115 tỷ đồng (2018), hơn 147 tỷ đồng (2019), hơn 148 tỷ đồng (2020) và hơn 148 tỷ đồng (2021). Thế nhưng, các tác phẩm hầu như chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng chưa tương xứng kỳ vọng của giới chuyên môn và công chúng.
Ở nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm của ngành điện ảnh, từ góc nhìn của người làm nghề, một câu hỏi quen thuộc luôn được đặt ra: Phải chăng nền điện ảnh nước nhà không đủ tài năng, không đáp ứng kỹ thuật, hay không có khán giả cho dòng phim này?
Tối 7/4, theo Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập) phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đạt doanh thu 45 tỷ đồng trong 3 ngày cuối tuần và vượt mốc 80 tỷ đồng sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Dấu mốc này đã vượt mức doanh thu của các phim bom tấnHollywood ra rạp cùng thời điểm tại Việt Nam.
Với sức hút như hiện tại, nhiều dự đoán cho rằng doanh thu phim hoàn toàn đủ khả năng vượt mốc 100 tỷ đồng trong vài ngày tới và tiếp tục lập thêm kỷ lục mới cho điện ảnh Việt Nam nói chung và dòng phim đề tài lịch sử nói riêng.
Đại diện Box Office đưa ra dự đoán, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” sẽ tiếp tục giữ sức hút trong thời gian tới do ít đối thủ cạnh tranh, các phim sắp ra mắt chủ yếu là dự án nước ngoài, còn các dự án điện ảnh trong nước chủ yếu thuộc mảng tâm lý, hành động.
Phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là dự án kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), kinh phí từ ngân sách xã hội hóa.
Kịch bản phim xoay quanh nhóm du kích bám trụ ở Củ Chi, sau trận càn Cedar Falls (năm 1967) của Mỹ. Đội trưởng Bảy Theo (diễn viên Thái Hòa đóng) và các đồng đội được giao nhiệm vụ bảo vệ địa bàn để nhóm thông tin tình báo chiến lược đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, quân địch phát hiện và đội chiến sĩ du kích rơi vào tình thế rất nguy hiểm, đối mặt với nhiều trận càn quét.
Đạo diễn, biên kịch Bùi Thạc Chuyên sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam.
Năm 1997, Bùi Thạc Chuyên học đạo diễn, tạo dấu ấn với phim “Cuốc xe đêm” - phim Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes.
Năm 2005, phim “Sống trong sợ hãi” của ông giành nhiều giải trong nước và quốc tế.
Năm 2022, phim “Tro tàn rực rỡ” (chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư) cũng liên tiếp giành nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế, trong đó có giải Bông sen vàngtại Liên hoan phim Việt Nam 2023.
Điều gì làm nên thành công của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”? Giới chuyên môn về điện ảnh nhận định, đây không phải một bộ phim bom tấn kiểu Mỹ với ngân sách khổng lồ, cũng không theo mô-típ anh hùng sử thi quen thuộc. Điểm đặc biệt mang tính then chốt là kịch bản được chính đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chấp bút.
Trong nền điện ảnh Việt, một số đạo diễn cũng luôn viết kịch bản cho tác phẩm của mình, tiêu biểu là đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh. Với “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, Bùi Thạc Chuyên không chọn góc tiếp cận rộng, ôm chứa toàn bộ chiều dài lịch sử địa đạo - một công trình kháng chiến mang tính biểu tượng mà ông chỉ chọn một lát cắt nhỏ, đủ sức gợi, đó là đời sống chiến đấu, tinh thần của đội quân du kích dưới lòng đất sâu. Ngôn ngữ điện ảnh nổi bật ở cách kể chuyện lặng lẽ, chân thật và xúc động.
Phim không nhiều lời thoại, chủ yếu dẫn dắt khán giả bằng hình ảnh, âm thanh và những khoảng lặng. Từ đầu đến cuối phim, người xem hòa vào không gian chật hẹp, tối tăm, ngộp thở của địa đạo với ánh sáng duy nhất từ ngọn đèn dầu leo lét. Bùi Thạc Chuyên đã vận dụng ánh sáng nhằm khắc họa thân phận, tâm lý của từng nhân vật. Theo đó, từng ánh mắt, cử chỉ, hành động của từng thành viên đội du kích đều chất chứa lý tưởng, khát vọng, sự giằng xé và hơn hết là kiên cường.
Bên cạnh hình ảnh, Bùi Thạc Chuyên sử dụng âm thanh rất tinh tế. Âm thanh trong địa đạo vừa có tiếng bom đạn bên ngoài, vừa là nhịp thở của con người, là những tiếng thì thầm rất khẽ, thậm chí là sự im lặng tuyệt đối. Chính âm thanh tự nhiên ấy đã mang đến cảm nhận gần gũi nhất cho khán giả trong hình dung về sự khốc liệt của chiến tranh...
Thêm điểm cộng lớn cho phim chính là sự tham gia của đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Sự đầu tư này cho thấy tầm nhìn quốc tế, sự chuyên nghiệp trong sản xuất - điều hiếm thấy ở phim Việt mang đề tài lịch sử. Một yếu tố bất ngờ nữa là dàn diễn viên trong phim vốn không phải những cái tên quá quen thuộc, nhưng tất cả được chọn lựa kỹ lưỡng, diễn xuất tinh tế và giàu cảm xúc.
Không phải đạo diễn nào cũng dám dấn thân
Sau nhiều năm thị trường điện ảnh bị cuốn theo những bộ phim mang tính thương mại với các chiến dịch truyền thông rầm rộ, điểm sáng gần đây chính là sự trở lại của ngôn ngữ điện ảnh chân chính với những bộ phim đề tài lịch sử. Giới chuyên môn nhận định, một trong những lý do khiến các bộ phim đề tài lịch sử thất bại về doanh thu, thành tích giải thưởng đó là tư duy làm phim còn dừng ở mức “minh họa”, cảm xúc điện ảnh bị khô cứng. Khán giả không còn muốn xem một “bài học lịch sử” khô khan mà có nhu cầu chạm tới chiều sâu nhân tính, những bi kịch đời thường trong bối cảnh phi thường của lịch sử.
Bên cạnh đó, làm phim lịch sử luôn là lựa chọn chứa đựng rủi ro lớn với nhà đầu tư bởi kinh phí cao, bối cảnh phức tạp, yêu cầu về trang phục, đạo cụ, tái dựng thời gian… khiến các nhà sản xuất tư nhân dè dặt, còn quy trình theo Nhà nước đặt hàng ở nhiều khâu vẫn thiếu linh hoạt, chưa bắt kịp hơi thở thị trường nên khó tìm được tiếng nói chung. Ngoài ra, một trong những yếu tố then chốt của phim lịch sử là kịch bản đòi hỏi không chỉ đúng về sự kiện mà còn cần tính sáng tạo, sâu sắc, giàu nhân văn.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Chúng tôi luôn đặt yếu tố chân thực lên hàng đầu và gửi gắm vào đó nhiều chủ ý, đó là một quá trình hết sức phức tạp. Hiện thực chiến tranh luôn tàn khốc, nhưng tôi muốn gửi gắm vào phim của mình thông điệp rằng chúng ta chỉ đang bảo vệ nền độc lập tự do”.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở các nước có nền điện ảnh phát triển, phim đề tài lịch sử luôn nhận được sự đầu tư lớn về kinh phí, có trường quay chuyên biệt, công nghệ hậu kỳ hiện đại… còn ở Việt Nam, hầu như chưa có hệ thống nào bài bản cho dòng phim này. Tuy nhiên, xét từ trường hợp các tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, có thể nhận thấy sự tự vận động, ứng biến linh hoạt trong cách làm phim. Khi không có nguồn kinh phí đầu tư, đoàn phim đã đi theo con đường xã hội hóa. Khi gặp khó khăn trong tái hiện bối cảnh, đạo diễn chọn lát cắt hẹp, đủ cho sự chủ động dàn dựng.
Phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” có kinh phí sản xuất khoảng hơn 50 tỷ đồng, kỷ lục với phim của Bùi Thạc Chuyên, nhưng xét một cách khách quan, đó vẫn là mức kinh phí khiêm tốn cho dòng phim lịch sử...
Để tháo gỡ vướng mắc này, cần xây dựng hệ thống hỗ trợ bài bản như: vận dụng các quỹ phát triển điện ảnh độc lập, mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư cho biên kịch, đưa ra giải pháp phù hợp tình hình, đầu tư kỹ xảo và quan trọng hơn hết là thay đổi tư duy.
Phim lịch sử không nhất thiết chỉ kể về chiến thắng, trận đánh hay chiến dịch mà hoàn toàn có thể là những điểm nhìn, góc khuất thuộc về một phần lịch sử. Nhưng điều quan trọng, trong quá trình triển khai, ê-kíp phim cần sự tham khảo, tư vấn từ đội ngũ chuyên môn, đặc biệt là nhân chứng lịch sử. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên rất chú trọng yếu tố này cho phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.
Bên cạnh đó, cần căng cường quảng bá, giáo dục cho khán giả. Theo các chuyên gia giáo dục, cần thay đổi nhận thức của công chúng về phim lịch sử, nhấn mạnh giá trị truyền thống, nhân văn của thể loại này.
Bày tỏ hy vọng vào tiềm năng của điện ảnh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận định: “Thời kỳ chiến tranh luôn có rất nhiều câu chuyện hay và đầy xúc động để khai thác, bởi không có hoàn cảnh nào có thể đẩy con người tới sự đường cùng về giới hạn của sợ hãi, đau đớn như chiến tranh. Tôi tin nếu đủ điều kiện, các đạo diễn sẽ biết cách để khai thác những câu chuyện đầy sức hút, vì đó là những câu chuyện nên và cần phải được làm trên màn ảnh”.
Nhandan.vn
Nguồn:https://nhandan.vn/phim-dia-dao-mat-troi-trong-bong-toi-ke-lich-su-mot-cach-lay-dong-chan-thuc-post871280.html
Bình luận (0)