Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hương vị biển ở Tây Nguyên

Tây Nguyên miền núi và vùng biển tưởng như rất xa xôi, cách trở, tách biệt, không có mối liên hệ gì với nhau. Nhưng kỳ thực, trong lịch sử đã có sự tương tác, giao lưu, hỗ trợ giữa rừng và biển; thậm chí hương vị biển đã thấm đẫm trong chiều sâu văn hóa của các dân tộc bản địa Tây nguyên như Êđê, M’nông, J’rai...

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk26/04/2025

Từ hàng nghìn năm trước, cư dân Sa Huỳnh sinh sống dọc theo bờ biển miền Trung. Họ đã tạo ra nền văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng, cùng thời với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, văn hóa Óc Eo ở phía Nam.

Lúc đó, người Nam Đảo di cư từ hướng biển phía Nam đến chung sống, hòa huyết với người Sa Huỳnh, trở thành những tộc người nói ngôn ngữ Mã Lai - Đa Đảo (Malay - Polynesia).

Một bộ phận cư trú ở vùng biển, trở thành người Chăm, chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ; một bộ phận khác sinh sống ở rìa núi, vùng trung du bán sơn địa hay đã vượt núi lên Tây Nguyên, ít hay không chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ thì con cháu của họ sau này là người Êđê, J’rai, Chu Ru, Raglai.

Các tộc người này mang trong mình cái “gien”, gốc gác miền biển, đó là tiếng nói, đặc điểm nhân chủng, tiêu biểu là mái hình chiếc thuyền và hai bên vách nhà của dân tộc J’rai, Êđê hơi thu hẹp về phía dưới gống như mạn thuyền.

Thời kỳ cận đại và hiện đại, việc giao thương qua lại của người Kinh với đồng bào Tây Nguyên diễn ra liên tục. Trong quá khứ đã từng hình thành, tồn tại “con đường muối” từ đồng bằng lên tận vùng núi cao và ngược lại. Người Êđê có câu nói: “Nao trun yuăn mlih hra” (dịch nghĩa là “Đi xuống vùng người Kinh đổi muối”).

Thời đó, muối ăn rất khan hiếm, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phải vượt núi băng rừng về tận miền xuôi hoặc vùng giáp ranh để bán lâm thổ sản, đổi vải vóc, nồi đồng, cồng chiêng, chóe, đồ kim loại, mắm muối...

Người Tây Nguyên đã sớm biết mở lối thông thương với người Kinh và các tộc người láng giềng, họ dùng voi, ngựa, đi bộ xuyên rừng đến những nơi xa xôi hơn để tìm kế mưu sinh và phát triển cộng đồng, buôn làng. Thứ hàng hóa quý giá lúc đó được ví như “vàng trắng” chính là muối. Hạt muối kiếm được bà con để dành ăn dần, sử dụng một cách dè sẻn.

Voi là phương tiện vận chuyển giúp đồng bào miền núi đi xa buôn bán, trao đổi, hình thành “con đường muối”. Ảnh tư liệu

Truyền thuyết của đồng bào Tây Nguyên như người Mạ, Kơ Ho, Srê mang đậm dấu ấn biển, đó là việc lưu truyền về thần Muối với tín ngưỡng, niềm tin vào Me Boh, Me Bla - Mẹ của muối - người đã mang muối, con lươn biển thiêng liêng đến cho họ. Trong thế giới nhân sinh quan tộc người, Mẹ Muối là một phần quan trọng của thế giới thần linh, là hiện thân của những vị thần khởi nguyên, chi phối, nắm giữ cuộc sống con người lẫn sự an nguy của cộng đồng. Đối với đồng bào, muối được thiêng liêng hóa với hình tượng Mẹ Muối, sánh ngang với Mẹ Lúa, những vị phúc thần mang đậm chất biển và rừng, mang đến ấm no, sung túc cho cộng đồng.

“Con đường muối” ngày xa xưa chẳng những ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào Êđê, J’rai, M’nông mà còn thấy bằng chứng qua tư liệu, hình ảnh do người Pháp ghi lại từ những năm đầu thế kỷ 20. Tiêu biểu là bức ảnh chụp người Thượng ở Đắk Lắk xuống đồng bằng buôn bán những năm 1920, thấy rõ hành trang, vật dụng họ mang theo gồm: nón nang rộng vành, chăn, nồi cơm, vó đồ xôi, bầu nước…

Trong tác phẩm “Rừng người Thượng”, Henri Maitre đã viết: “Có những người Mọi phải đi từ 15 - 20 ngày để tới chợ để kiếm được muối dùng trong một hay hai tháng (…) đấy là những chuyến đi lại liên tục trên những con đường rất khó khăn, qua những khu rừng đầy thú dữ, đêm buộc phải leo lên cây mà ngủ”. Hay trong công trình “Người Êđê, một xã hội mẫu quyền”, tác giả Anna de Hauteclocque-Howe có mô tả rất kỹ các cuộc hành trình về biển: “Người Êđê có thói quen đi xuống miền xuôi vào mùa khô thành từng nhóm nhỏ, bám theo ngựa và voi thồ các sản phẩm để đổi lấy các mặt hàng do người Việt chế tạo, kim khí và nhất là muối quý giá vốn là nguyên cớ đầu tiên của chuyến đi…

Đường đi đến Ninh Hòa kéo dài ít nhất ba ngày. Họ tự trang bị vô số sự phòng ngừa dưới hình thức những điều kiêng kỵ và những lễ hiến sinh cầu xin sự ân huệ của các thần ngự trị ở những nơi họ qua và bảo vệ họ chống lại cọp. Việc mở con đường đi Ninh Hòa vào cùng một thời điểm đó khiến cho việc xuống biển càng dễ dàng hơn nhiều, làm tàn lụi việc giao lưu với phía Tây (thông thương với Lào, Campuchia, Thái Lan)”.

Người đàn ông Êđê cùng hành trang trên đường xuống đồng bằng đổi muối. Ảnh tư liệu

“Con đường muối” cũng là con đường mở ra việc giao thương, hỗ trợ và gắn kết giữa người Kinh và người Thượng, cùng nhau làm ăn, khai khẩn, lập nghiệp trên vùng đất Tây Nguyên. Có muối là có nguồn sống, có sự sung túc, ấm no. Xuống Kinh đổi muối, mua đồ kim loại như bạc, đồng để về làm đồ trang sức. Người M’nông có câu vần nói về những người đàn ông, người chủ trong gia đình biết làm ăn, có chí làm giàu: “Jăt bu ti ăp nsi play vai/ Brô bri Srai nsi play prăk” (dịch nghĩa: Đi chăn trâu phải hái quả/ Đi vùng Srai phải mang bạc về nhà”). Như vậy có thể nói, sự hậu thuẫn giữa rừng và biển là nền tảng kinh tế đã được xác lập từ lâu. 

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202504/huong-vi-bien-o-tay-nguyen-05b16aa/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm