Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn học chống Mỹ, cứu nước: 50 năm nhìn lại

Văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) là một chặng đường ngắn trong tiến trình văn học dân tộc nhưng đã đạt được những thành tựu xuất sắc trên nhiều phương diện: nội dung tư tưởng, thể loại, đội ngũ nhà văn đông đảo, đa dạng về tài năng và phong cách nghệ thuật.

Báo Đắk LắkBáo Đắk Lắk26/04/2025

Do yêu cầu của thời đại và nét cơ bản của hiện thực là cuộc chiến đấu khốc liệt, đầy gian khổ hy sinh và oanh liệt của dân tộc nên văn học chống Mỹ, cứu nước chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, phản ánh những vấn đề có ý nghĩa sống còn của đất nước, dân tộc và thời đại. Nhà văn có ý thức tự giác gắn bó với dân tộc, với đất nước và nhân dân, dùng ngòi bút để phục vụ kháng chiến, cổ vũ chiến đấu. Tổ quốc và cách mạng là cảm hứng lớn, đề tài xuyên suốt của văn học.

Các văn nghệ sĩ dự Hội nghị Chấp hành mở rộng Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc tháng 3/1951. Từ phải sang, hàng trước: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi. Hàng sau: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung - Ảnh: Trần Văn Lưu
Các văn nghệ sĩ dự Hội nghị Chấp hành mở rộng Hội Văn nghệ Việt Nam tại Việt Bắc tháng 3/1951. (Từ phải sang, hàng trước: Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi. Hàng sau: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Trung Thông, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Học Phi, Nguyễn Đỗ Cung). Ảnh: Trần Văn Lưu

Văn học chống Mỹ, cứu nước đã sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật cao đẹp về đất nước, về nhân dân. Văn học chống Mỹ có sự phát triển phong phú và khá toàn diện về thể loại. Thơ đem đến một tiếng nói trữ tình quần chúng mới mẻ, khỏe khoắn. Hình thức thơ cũng có những biến đổi tích cực theo hướng hiện đại, đa dạng. Truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết và ký cũng phát triển phong phú và đa dạng về phong cách nghệ thuật. Kịch bản văn học, lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học phát triển với vai trò khẳng định đường lối văn nghệ của Đảng, định hướng sáng tác, thưởng thức văn học. Đội ngũ nhà văn được tập hợp đông đảo với nhiều tài năng và phong cách đa dạng, hình thành và phát triển kiểu nhà văn - chiến sĩ. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã sống, chiến đấu, sáng tác và ngã xuống trên chiến trường; nhiều tác phẩm được viết ra trên những nẻo Trường Sơn khó khăn hiểm trở, dưới chiến hào, dưới làn bom đạn ác liệt của quân thù.

Truyện ký cách mạng miền Nam đã phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam anh hùng với các tác phẩm tiêu biểu: “Những đứa con trong gia đình”, “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi), “Rừng xà nu”, “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc” (Nguyễn Trung Thành), “Hòn đất”, “Giấc mơ ông lão vườn chim”, “Bức thư Cà Mau” (Anh Đức), “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng), “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi” (Phan Tứ), “Sống như anh” (Trần Đình Vân)… Ở miền Bắc, văn xuôi cũng phát triển với những thành tựu đặc sắc: “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (Nguyễn Tuân), “Vùng trời” (Hữu Mai), “Chiến sĩ”, “Ra đảo” (Nguyễn Khải), “Những vùng trời khác nhau”, “Dấu chân người lính” (Nguyễn Minh Châu), “Bão biển” (Chu Văn), truyện ngắn của Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường…

Thơ ca chống Mỹ đạt những thành tựu xuất sắc, tập trung thể hiện cuộc ra quân vĩ đại của cả dân tộc, khám phá vẻ đẹp tâm hồn và sức mạnh của con người Việt Nam, ý nghĩa thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều tập thơ có giá trị độc đáo: “Ra trận”, “Máu và hoa” (Tố Hữu), “Hoa ngày thường”, “Chim báo bão” (Chế Lan Viên), “Hai đợt sóng”, “Tôi giàu đôi mắt” (Xuân Diệu), “Đầu súng trăng treo” (Chính Hữu), “Vầng trăng quầng lửa” (Phạm Tiến Duật), “Mặt đường khát vọng” (Nguyễn Khoa Điềm), “Tháng Tám ngày mai”, “Quê hương” (Giang Nam), “Bài ca chim Chơ rao” (Thu Bồn), “Hoa dừa” (Lê Anh Xuân), “Hoa dọc chiến hào” (Xuân Quỳnh)…

Ngoài truyện ký và thơ ca, kịch chống Mỹ cũng có những thành tựu đáng ghi nhận, những tác phẩm có tiếng vang: “Quê hương Việt Nam” (Xuân Trình), “Đại đội trưởng của tôi” (Đào Hồng Cẩm), “Đôi mắt” (Nguyễn Vũ). Nhiều công trình lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học có giá trị ra đời trong giai đoạn này, đặc biệt là các công trình của Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… Ở các đô thị miền Nam vùng tạm chiếm có bộ phận văn học yêu nước và cách mạng với những tác phẩm thể hiện lòng yêu nước, tinh thần dân tộc sâu sắc như “Bút máu” (Vũ Hạnh), “Thương nhớ mười hai” (Vũ Bằng), “Hương rừng Cà Mau” (Sơn Nam), “Thưa mẹ”, “Trái tim” (Trần Quang Long)…

50 năm nhìn lại, chúng ta càng trân trọng, tự hào về chặng đường văn học chống Mỹ, cứu nước - một nền văn học đầy sức chiến đấu và tính nhân văn. Văn học chống Mỹ, cứu nước đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc. Với những thành tựu đã đạt được trong việc phản ánh hiện thực cuộc kháng chiến chống Mỹ, văn học, nghệ thuật nước ta “xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học, nghệ thuật chống đế quốc trong thời đại ngày nay” như Đảng ta đã ghi nhận. Chúng ta cần tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ ngày nay tình cảm yêu mến, trân trọng, tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa, tự hào về chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nền văn học của một giai đoạn đau thương, hào hùng nhất trong tiến trình văn học Việt Nam.

Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/van-hoc-nghe-thuat/202504/van-hoc-chong-my-cuu-nuoc-50-nam-nhin-lai-50505ea/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm