Chinh phục mục tiêu mới
Năm 2025, huyện Bình Liêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ đạt trên 17%, trong đó xác định du lịch sẽ là động lực chính với mục tiêu thu hút 500.000 lượt du khách, gấp đôi so với năm 2024. Trong đó, khách trong nước 480.000 lượt, khách quốc tế 20.000 lượt; khách lưu trú đạt trên 45.000 lượt. Tổng doanh thu từ xã hội về du lịch đạt 217,26 tỷ đồng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ đầu năm 2025, huyện đã triển khai các kế hoạch, chương trình kích cầu du lịch. Quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của cộng đồng các dân tộc thiểu số địa phương gắn với phát triển du lịch tiếp tục được xác định là hướng đi, tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Bình Liêu. Theo đó, Lễ hội đình Lục Nà đã được tổ chức dịp đầu năm với nhiều hoạt động hấp dẫn, như lễ rước sắc phong truyền thống, giải vô địch võ cổ truyền mở rộng… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Trong năm nay, huyện sẽ tiếp tục duy trì, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong làm mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức các sự kiện, lễ hội, ngày hội đặc trưng, như: Soóng cọ, Kiêng gió, Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án làng văn hóa người Tày; khẩn trương hoàn thành, triển khai Đề án làng văn hóa người Sán Chỉ và Đề án làng văn hóa người Dao.
Cùng với đó, huyện chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ, gìn giữ, quản lý và khai thác hiệu quả di tích - danh thắng cấp tỉnh Ruộng bậc thang xã Lục Hồn, thác Khe Vằn; phát huy các điểm du lịch như núi Cao Ly, núi Cao Xiêm, núi Cao Ba Lanh, thác Sông Moóc; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động Khu du lịch sinh thái danh thắng thác Khe Vằn.
Năm 2025, Bình Liêu đang đề xuất, dự kiến triển khai các sản phẩm du lịch mới như: Chương trình du lịch “Chạm vào Then” (Then tour); công viên hoa dong riềng gắn với trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức sản phẩm miến dong Bình Liêu; công viên hoa sở; trải nghiệm ẩm thực, nghỉ dưỡng tại Bình Liêu Farmstay; chèo thuyền kayak trên sông Bình Liêu…
Du lịch Bình Liêu năm 2025 đặt kỳ vọng vào dòng khách Trung Quốc với việc triển khai xuất nhập cảnh cho khách du lịch và cư dân biên giới qua cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) đã được triển khai từ ngày 25/2/2025.
Đặc biệt, ngày 31/3 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Cục Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố Phòng Thành Cảng, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã phối hợp tổ chức hoạt động đạp xe hữu nghị qua biên giới từ cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) đến huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) với chủ đề "Đạp xe qua biên giới, hữu nghị đồng hành" năm 2025. Hoạt động không chỉ góp phần củng cố tình đoàn kết, thúc đẩy giao lưu nhân dân, văn hóa, thể thao giữa hai nước và hai địa phương mà còn tăng cường hợp tác du lịch biên giới, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Liêu, thu hút thêm du khách sau khi triển khai xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Hoành Mô.
Hết quý I, huyện Bình Liêu đã đón 37.263 lượt khách, bằng 7,5% kế hoạch và bằng 173,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách lưu trú là 4.570 lượt, bằng 10% kế hoạch và bằng 108,55% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 39,6 tỷ đồng, bằng 18,2% so với kế hoạch và bằng 205% so với cùng kỳ năm 2024. Qua đó, tạo cơ sở để du lịch Bình Liêu bứt phá trong những tháng tiếp theo.
Phát triển bền vững
Với mục tiêu đưa hoạt động du lịch đi vào chiều sâu, có chất lượng dựa trên ba “trụ cột” thiên nhiên, văn hóa, con người, Bình Liêu đang nỗ lực tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới đa dạng, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, phù hợp nhu cầu từng dòng khách. Cụ thể như du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên gắn với các tour trekking và tham quan các cột mốc biên giới; du lịch văn hóa cộng đồng gắn với các lễ hội truyền thống và trải nghiệm ẩm thực dân tộc; du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động trồng cây và thu hoạch nông sản; du lịch mạo hiểm gắn với các hoạt động leo núi, cắm trại; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe gắn với khám phá giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn…
Cùng với đó, huyện tập trung các nguồn lực đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững. Huyện đang triển khai nâng cấp hệ thống giao thông trong Đề án giao thông nông thôn bao gồm cải tạo, mở rộng các tuyến đường chính và các tuyến đường liên xã, liên thôn để kết nối các điểm du lịch và khu vực dân cư (khu vực Cao Sơn - Cao Ly xã Hoành Mô, khu vực danh thắng ruộng bậc thang Lục Hồn và Ngàn Vàng xã Đồng Tâm, cải tạo đường mòn lên đỉnh Cao Xiêm)...
Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư, phát triển hạ tầng lưu trú; cải tạo và phát triển các khu vực cắm trại để đáp ứng nhu cầu du lịch sinh thái (khu vực núi Cao Xiêm, Cao Ly)... ; đầu tư các tiện ích phục vụ du khách; xây dựng các điểm dừng chân, khu vệ sinh công cộng; cung cấp hạ tầng viễn thông tại các điểm du lịch (Cao Xiêm, Cao Ba Lanh)...
Huyện giao Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin địa phương đánh giá nguồn nhân lực và đề xuất các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ du lịch theo hướng vừa am hiểu tập quán, văn hóa truyền thống, vừa có tác phong phục vụ chuyên nghiệp; định kỳ tổ chức tập huấn kỹ năng, tay nghề cho người dân, đặc biệt là người tham gia trực tiếp vào ngành du lịch như nhà nghỉ, nhà hàng, hướng dẫn viên… Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh du lịch đảm bảo lành mạnh, an ninh, an toàn cho du khách và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xác định đây là nhiệm vụ then chốt, tạo đột phá cho du lịch.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/phat-huy-hieu-qua-3-tru-cot-thien-nhien-van-hoa-con-nguoi-3353868.html
Bình luận (0)