Ngoài nghề chính là nuôi cá lồng, làm mùa, thời gian rảnh chị Khá (ngoài cùng, bên trái) còn chằm nón để kiếm thêm thu nhập 

Trò chuyện với chị Khá được một lúc thì cuộc nói chuyện liên tục bị gián đoạn bởi bà con lối xóm ghé cửa hàng tạp hóa của chị Khá để mua đồ. Vừa luôn tay để bán hàng, chị Khá chia sẻ: Bán tạp hóa, chằm nón là nghề phụ thôi, nghề chính của tôi là nuôi cá lồng trên sông và làm mùa. Trước đây, gia đình tôi cực lắm, kinh tế phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Ba đứa con ngày một lớn, mọi chi phí đều tăng theo. Nhưng thu nhập từ mấy sào ruộng cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Tôi nghĩ, mình có sức khỏe, điều kiện phát triển kinh tế ở địa phương không phải không có, thiếu vốn thì mình vay, chứ ăn còn chưa đủ biết khi nào mới tích cóp được vốn. Vậy là tôi bàn với chồng thuê thêm đất trồng mía, lạc và vay vốn để nuôi cá lồng trên sông. Nhờ vay vốn, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp mà kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định.

Hiện tại, gia đình chị Khá nuôi ba lồng cá trắm cỏ, mỗi năm cho thu hai lứa. Với hình thức nuôi gối vụ, tự chọn lọc con giống để ươm cá con nên cá của gia đình chị luôn phát triển khỏe mạnh, trung bình mỗi lồng thu được 1,5 tấn cá/vụ. Cá thương phẩm được thương lái đến tận nơi để thu mua.

Nuôi cá lồng khá vất vả, trong quá trình nuôi phải luôn tuân thủ kỹ thuật về vệ sinh lồng nuôi, quản lý thức ăn dư thừa, theo dõi nguồn nước… kiểm tra độ phát triển của cá về kích cỡ và trọng lượng. Để nuôi cá lồng trên sông cần chi phí đầu tư khá cao về lồng bè, con giống và thức ăn… Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi ủy thác qua kênh phụ nữ mà vợ chồng chị Khá đã phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông và có nguồn thu nhập khá.

"Để nuôi cá lồng có lãi cao như bây giờ, tôi cũng đã từng trắng tay. Khi mới bắt đầu nuôi, chưa có kinh nghiệm nên nuôi những loại cá không phù hợp, mua giống không chất lượng. Qua học hỏi, tôi mới nhận thấy cá trắm cỏ là loài cá thích hợp nhất với điều kiện nguồn nước ở địa phương. Để có thể nuôi được một năm hai lứa thì phải tự ươm giống. Những lứa giống ươm sẽ kiểm soát được chất lượng giống, nhờ đó cá luôn phát triển đồng đều, khỏe mạnh", chị Khá cho biết thêm.

Bận rộn với nghề nuôi cá nhưng vợ chồng chị Khá vẫn thuê thêm đất, trồng hơn một mẫu lúa, mía, đậu... để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Xuất thân từ gia đình làm nông, gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ nên chị chẳng nề hà bất cứ công việc nào, miễn là có sức để làm và kiếm được đồng tiền chân chính.

Nhờ sự chăm chỉ, gia đình chị Khá ngày càng đi lên, không những có thể chủ động được các khoản chi tiêu trong gia đình, nuôi các con ăn học, chị cũng xây dựng được một ngôi nhà khang trang, sạch đẹp. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập trên 250 triệu đồng từ nuôi cá lồng, trồng trọt...

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN, Chủ tịch Hội LHPN xã Đan Điền nhận xét: Chị Khá là một tấm gương về sự nỗ lực, chăm chỉ vươn lên trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình để chị em hội viên noi theo. Không những tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp để có cuộc sống ổn định, chị Khá còn là tấm gương nuôi con giỏi, dạy con ngoan. Các con của chị đều có kết quả học tập tốt, hiện cháu đầu đang học đại học. Công việc đồng áng, nuôi cá, buôn bán... bận rộn là thế nhưng chị Khá luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của hội.

Bài, ảnh: THẢO VY

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/kha-len-nho-mo-hinh-phat-trien-kinh-te-phu-hop-155623.html