Những tấm thổ cẩm với màu sắc và hoa văn độc đáo của người đồng bào dân tộc thiểu số được dệt và trưng bày tại Nhà sàn cộng đồng |
TỪ ĐÔI TAY BÀ ĐẾN ƯỚC MƠ CON CHÁU
Trong căn nhà sàn mộc mạc nép mình giữa núi đồi Bảo Lâm, bà Ka Dét vẫn cần mẩn bên khung dệt. Đôi bàn tay bà đều đặn đẩy con thoi, nâng niu từng sợi chỉ và chăm chút đến từng chi tiết hoa văn đang dần được hình thành trên tấm thổ cẩm. Đây là cách mà bà Ka Dét đã được bà, được mẹ và những người phụ nữ trong buôn truyền dạy và bà đã học bằng cả sự mày mò và kiên trì cách đây mấy chục năm.
“Hồi đó có biết gì đâu. Tôi với chị tôi cứ dệt đi dệt lại, sai thì gỡ, rồi lại dệt tiếp…”, bà Ka Dét cười hiền khi kể về những ngày đầu mày mò bên khung dệt.
Là người dân tộc Mạ, bà xem mỗi hoa văn là một phần của trí nhớ cộng đồng, của những ngày mẹ và bà ngoại ngồi bên bếp lửa dệt nên những tấm thổ cẩm mang hoa văn và màu sắc độc đáo của dân tộc mình. Để rồi, những tấm thổ cẩm đó đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong ngày cưới và sẽ theo suốt cuộc đời người phụ nữ bằng những vật dụng quen thuộc trong đời sống như những bộ phục trang mặc trong những lễ hội trọng đại của dân tộc, hay như cái ùi địu con trên lưng trong sinh hoạt hàng ngày.
Những người phụ nữ chăm chú bên khung dệt, cần mẫn dệt nên những tấm thổ cẩm sắc màu |
Những ngày ấy, không được chỉ dạy bài bản mà chủ yếu tự học cách dệt của người đi trước, tự mò mẫm từng mối chỉ mỏng manh và tự học cách để tạo nên những hoạ tiết, hoa văn theo ý mình. Để rồi hôm nay, bà Ka Dét hiểu rằng truyền dạy và học cách dệt thổ cẩm như là một lẽ tự nhiên được tiếp nối trong đời sống của cộng đồng. Và, dệt thổ cẩm không chỉ cần sự kiên trì, tỉ mẫn, mà còn thể hiện trách nhiệm với cội nguồn: “Không bỏ được cái truyền thống của người Mạ, tôi cũng muốn truyền lại cho con cháu. Mai này tôi và những chị em khác già đi thì tụi nhỏ lại tiếp nối…”, bà nói chậm rãi, như thể đang dệt tiếp một niềm tin lặng lẽ nhưng bền bỉ vào dòng chảy văn hóa không đứt đoạn của dân tộc.
Đôi bàn tay tỉ mỉ trên từng sợi chỉ, tạo nền cho hoa văn thổ cẩm rực rỡ |
Góp sức cùng bà trong hành trình hồi sinh nghề dệt, bà Ka Hếp - Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm vẫn từng ngày kiên trì với công việc “vừa dạy vừa giữ”. Hơn hai năm qua, dưới mái nhà sàn cộng đồng, bà đã cùng các thành viên tổ chức lớp học cho gần 20 bạn trẻ, phần lớn là học sinh tranh thủ thời gian nghỉ hè để học nghề.
Theo bà Ka Hếp, để người học tiếp cận được nghề, trước tiên phải bắt đầu từ cái căn bản nhất: Giăng dây cho chuẩn, đạp chân cho đều, giữ tay cho chắc để chỉ không đứt, sợi không chùng. “Cái hoa văn thì mình hướng dẫn cái đơn giản trước. Rồi từ từ phối màu, làm viền, nâng dần cho người ta hứng thú, chứ khó quá thì mấy đứa cũng nản…”, bà Hếp cười, ánh mắt đầy kỳ vọng.
Tình yêu với nghề là chìa khóa để gìn giữ và truyền lại kỹ thuật dệt thổ cẩm |
Hứng thú, đó là điều bà luôn nhấn mạnh. Bởi không chỉ là kỹ thuật, dệt còn cần tình yêu. Có tình yêu thì mới tiếp tục học, mới muốn giữ lại, và rồi mới có thể sống được với nghề.
“Mình mong muốn sau này không chỉ giữ nghề, mà còn làm đẹp, làm mới hơn. Phối các hoa văn xưa và nay để sản phẩm hợp thời hơn, thu hút khách du lịch, có thu nhập thì nghề mới bền được…”, bà Ka Hếp chia sẻ.
Bà cũng bày tỏ mong muốn Tổ dệt được quan tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật may và thiết kế mẫu, để tổ dệt không chỉ dừng lại ở gìn giữ mà còn có thể thực sự "sống khỏe" trên thị trường hôm nay.
Thế hệ trẻ được truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm, tiếp nối mạch nguồn văn hóa dân tộc |
KHI NGƯỜI TRẺ TỰ NGUYỆN NGỒI LẠI BÊN KHUNG DỆT
Không đợi được trao lại, một số bạn trẻ ở Thôn 3, xã Lộc Tân đã chủ động tìm đến nghề dệt như tìm về cội nguồn của mình. Với chị Ka Thổi, một trong những thành viên trẻ của Tổ dệt, việc học nghề không đơn thuần là kỹ năng mới, mà là hành trình đầy tự hào: “Trước mình học sơ sơ thôi, nhưng đợt này học lớp 2 tháng xong là thấy tự tin hơn nhiều. Giờ không cần mẹ hay bà ngồi bên nữa, mình đã dệt được một tấm vải có hoa văn như mong muốn. Mình mặc chính đồ mình làm ra dù đẹp hay chưa đẹp cũng thấy rất vui”.
Không chỉ dừng lại ở việc dệt cho bản thân, Ka Thổi còn ấp ủ những dự định lớn hơn. “Giờ mới dệt để mặc thôi, nhưng sau này sẽ cố gắng học thêm để làm ra sản phẩm đẹp hơn, bán ra thị trường”, Ka Thổi nói.
Cẩn thận nối chỉ màu, chuẩn bị cho công đoạn dệt hoa văn tinh xảo |
Để biến những ước mơ ấy thành hiện thực, Ka Thổi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm, trong đó 25 triệu đầu tư cho nghề dệt, 25 triệu còn lại dành để trồng dâu nuôi tằm, một kế hoạch dài hơi để khép kín chuỗi sản xuất, từ nguyên liệu tới sản phẩm cuối cùng.
Chị Ka Thổi chỉ là một trong số hơn 20 hộ dân tộc thiểu số tại Thôn 3 được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng chính sách, với mức vay 50 - 100 triệu đồng/hộ. Nguồn vốn này không chỉ giải quyết phần nào gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu, mà còn tiếp thêm động lực để người dân mạnh dạn khôi phục và phát triển nghề dệt truyền thống.
Một góc lớp học dệt thổ cẩm - nơi người trẻ nối tiếp nghề xưa |
Tổ dệt hiện có hơn 20 thành viên, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số, hoạt động vào thời gian nông nhàn. Nhà sàn cộng đồng không chỉ là nơi truyền nghề mà còn là không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm, từng bước định hình nên một không gian nghề truyền thống mang hơi thở sống động giữa đời thường.
Chị Hoàng Thị Mỹ Hằng - Nguyên Bí thư Huyện Đoàn Bảo Lâm, người từng đồng hành cùng quá trình hình thành Tổ dệt chia sẻ thêm về những kỳ vọng đặt vào thế hệ trẻ: “Ban đầu chỉ có vài chị em tâm huyết, nhưng nhờ sự chung sức của thanh niên và sự quan tâm đúng lúc từ chính sách tín dụng, mô hình này đã được hình thành và từng bước lan tỏa. Điều đáng mừng là các bạn trẻ không đứng ngoài cuộc, họ chủ động tham gia, vừa học hỏi, vừa ấp ủ mong muốn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thông qua Tổ dệt, thế hệ trẻ còn được tiếp xúc với giá trị văn hóa truyền thống ngay từ những thao tác đầu tiên, được học hỏi từ bà, từ cô, từ những người đã gắn bó lâu năm với nghề. Chính các bạn sẽ là cầu nối, tiếp tục duy trì, phát triển nghề dệt bằng sự năng động, sáng tạo của mình".
Bàn tay cần mẫn đưa thoi, giữ nhịp truyền thống trên khung dệt |
Không dừng lại ở việc giữ nghề, chị Hằng kỳ vọng tổ dệt sẽ mở ra những hướng phát triển rộng lớn hơn trong tương lai. Chị Hằng nói: “Với sự nhiệt huyết của các bạn trẻ, biết đâu sau này tổ dệt truyền thống sẽ lớn mạnh thành một làng nghề thực thụ, thậm chí trở thành điểm đến du lịch văn hóa, giúp lan tỏa bản sắc dân tộc, đồng thời tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho chính cộng đồng mình...".
Ở Thôn 3, những khung dệt từng bị xếp xó, nằm lặng lẽ trong nhà kho, giờ đây đã được dựng lại giữa nhà sàn, nơi ánh sáng tràn qua từng sợi vải đang thành hình. Người già trao lại ngón nghề, người trẻ tiếp nhận bằng sự tự nguyện và yêu mến. Cùng với đó, sự hỗ trợ đúng lúc từ các chương trình tín dụng chính sách cũng đang mở ra cơ hội hiện thực hóa ước mơ gắn văn hóa với kinh tế.
Hoa văn thổ cẩm truyền thống, kết tinh từ bàn tay khéo léo và óc sáng tạo |
Bảo tồn văn hóa không còn là khái niệm nằm trên giấy. Nó đang hiện hữu trong từng tiếng lách cách của thoi đưa, trong sự say sưa của người trẻ với khung dệt và trong ánh mắt nhẹ nhõm của người đi trước khi nhìn thấy lớp kế cận đã bắt đầu bước tiếp. Từ một ngành nghề từng đứng trước nguy cơ mai một, Tổ dệt thổ cẩm Thôn 3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm giờ đây đã trở thành một minh chứng rõ nét: Văn hóa nếu biết gìn giữ và làm sống dậy bằng những cách phù hợp, sẽ không chỉ được lưu truyền, mà còn có thể trở thành nguồn lực mới, tiếp sức cho cộng đồng trên con đường phát triển.
Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202505/khat-vong-hoi-sinh-nghe-det-truyen-thong-b3f6c76/
Bình luận (0)