Trí tuệ nhân tạo (AI) đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là sáng tạo nội dung. Công nghệ này mở ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Khi AI có thể viết bài, tạo video, thậm chí làm nghệ thuật, một câu hỏi được đặt ra: Đây là bước tiến hay một mối đe dọa cho sự sáng tạo của con người?
Gần đây, tôi hỏi một nhà văn về việc sử dụng AI trong viết lách, anh lắc đầu: “Bạn đọc yêu thích tác phẩm của tôi vì họ biết đó là giọng văn của tôi, không phải máy móc”. Một công ty quản lý hệ thống website lớn cũng nhờ tôi tìm người viết nội dung “bằng tay”, không dùng AI, vì chỉ những bài viết do con người sáng tạo mới được Google ưu tiên hiển thị. Hai câu chuyện cho thấy một thực tế rõ ràng: Dù AI có thông minh đến đâu, sự sáng tạo đích thực vẫn cần đến khối óc và trái tim con người.
DeepSeek, mô hình AI mã nguồn mở của Trung Quốc, đang khuấy đảo giới công nghệ khi trở thành đối thủ đáng gờm của ChatGPT. Dù sử dụng phần cứng kém tiên tiến hơn, DeepSeek vẫn đạt hiệu suất ngang ngửa các mô hình AI hàng đầu nhờ kỹ thuật huấn luyện sáng tạo. Thành công này không chỉ thách thức vị thế của các tập đoàn công nghệ lớn mà còn mở ra một kỷ nguyên mới, nơi những công ty nhỏ cũng có thể tham gia cuộc đua AI.
Không chỉ trong sáng tạo văn bản, AI còn xâm nhập mạnh mẽ vào thế giới video. Hàng loạt công ty khởi nghiệp như Faceless.video, Autoshorts.ai, StoryShort.AI đang phát triển các nền tảng AI giúp tự động tạo và đăng tải video lên mạng xã hội. AI sẽ đảm nhiệm tất cả, từ làm kịch bản, lồng tiếng, tạo nhạc nền đến định dạng tối ưu để kiếm tiền trên tiktok, youtube. Chỉ với một khoản phí nhỏ, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem mỗi ngày.
Tuy nhiên, sự tràn lan của nội dung do AI tạo ra cũng mang đến nhiều lo ngại. AI không thể phân biệt ranh giới giữa sáng tạo và sao chép, dẫn đến nguy cơ đạo văn, vi phạm bản quyền. Hơn nữa, AI không có khả năng thấu hiểu bối cảnh văn hóa - xã hội, dễ tạo ra những nội dung gây tranh cãi, phản cảm, thậm chí sai phạm nghiêm trọng...
Chiến dịch quảng cáo của Deutsche Telekom vừa qua được xem như cảnh báo nguy cơ khi cha mẹ chia sẻ hình ảnh con cái lên mạng. Một đoạn video minh họa đã khiến nhiều người giật mình khi AI có thể biến bé gái 9 tuổi thành phiên bản trưởng thành chỉ trong nháy mắt, cho thấy danh tính trẻ em có thể bị lợi dụng dễ dàng. Chưa dừng lại ở đó, các công cụ ghép trang phục vào ảnh cũng có thể bị dùng để tạo ra tin giả, bôi nhọ bất kỳ ai và khai thác thông tin cá nhân. Khi bị sử dụng sai mục đích, AI có thể trở thành công cụ phục vụ lừa đảo, thao túng dư luận, xâm phạm quyền riêng tư.
Với sự bùng nổ các công cụ AI, vô vàn nội dung được tạo ra mà không cần chuyên môn sâu. Nhưng khi nội dung được tạo ra quá dễ dàng, liệu giá trị đúng nghĩa có được đảm bảo? AI có thể nhanh chóng tổng hợp, chỉnh sửa và sản xuất nội dung với tốc độ mà con người không thể sánh bằng. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của công nghệ này chính là sự thiếu vắng cảm xúc và chiều sâu nghệ thuật. Một tác phẩm văn chương hay một video chất lượng không chỉ đơn thuần là sự kết hợp của một chuỗi câu từ, hình ảnh và âm thanh mang tính “công nghệ”, mà còn phải mang theo hơi thở, cảm xúc và góc nhìn cá nhân của người sáng tạo. Quy luật này không loại trừ những sản phẩm nội dung ít chất nghệ thuật hơn, như bài trên website của doanh nghiệp.
Việc lạm dụng AI khiến những nội dung mang tính công thức, thiếu cá tính xuất hiện quá nhiều và những giá trị sáng tạo chân chính có nguy cơ bị hòa lẫn. Những nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ thực thụ luôn hướng đến sự độc đáo và dấu ấn cá nhân trong tác phẩm của mình. Những nội dung có giá trị không chỉ truyền tải thông tin mà còn phải chạm đến cảm xúc, lay động suy nghĩ và gợi mở chiều sâu trong tâm hồn người tiếp nhận.
Câu hỏi quan trọng không phải là AI có thể làm gì, mà là con người nên sử dụng như thế nào. Trước khi ứng dụng AI, cần hiểu rõ các quy định pháp luật để tránh vi phạm, đồng thời kiểm soát những rủi ro mà công nghệ này mang lại. Nếu coi AI là một công cụ hỗ trợ, con người có thể tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và sáng tạo hiệu quả hơn. AI có thể đưa ra những ý tưởng nhưng chúng ta cần lựa chọn ý tưởng phù hợp và nâng tầm lên ở mức sáng tạo. AI có thể xây dựng dàn ý cho sản phẩm nội dung nhưng con người có thể đề nghị bổ sung nhiều lần để hoàn thiện và phát triển những gợi ý ban đầu đó. AI có thể tạo video, tạo MC ảo nhưng dữ liệu đầu vào cần được chuẩn bị kỹ lưỡng và nguồn dữ liệu ấy do con người nắm bắt, hoàn thiện. Mức độ hoạt động hiệu quả của AI phụ thuộc vào những lời đề nghị của con người. Lời đề nghị càng chính xác, rõ ràng, tỉ mỉ, AI càng dễ nắm bắt và thực hiện được theo mong muốn. Suy cho cùng, chất lượng lời đề nghị tương ứng với kiến thức, ý tưởng của con người. Vậy nên, dù AI hỗ trợ nhiều đến đâu, người sử dụng AI vẫn phải có khả năng sáng tạo nội dung. Cơ hội thành công sẽ không cào bằng mà vẫn có sự khác biệt như trong những trường hợp không sử dụng AI.
Thực tế cho thấy, nếu phó mặc hoàn toàn cho AI, chúng ta có thể đánh mất chính mình và cả giá trị đích thực của sản phẩm nội dung. Chúng ta có thể tận dụng AI để hỗ trợ, nhưng giá trị cuối cùng của nội dung vẫn phải được định hình bởi cảm xúc và tư duy của con người. Khi biết cách điều hòa giữa công nghệ và bản sắc cá nhân, chúng ta mới có thể khai thác AI một cách tối ưu mà không đánh mất sự sáng tạo đích thực.
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202504/khi-cong-nghe-xam-lan-lanh-dia-sang-tao-38a5ccf/
Bình luận (0)