Mục tiêu này đã được thể hiện rõ ở đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, khi những vấn đề thời sự đã thực sự “bước” vào phòng thi.
Có thể nói, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được xây dựng theo định hướng đánh giá năng lực, tích hợp kiến thức liên môn, yêu cầu học sinh vận dụng để giải quyết vấn đề thực tiễn. Các câu hỏi không chỉ dừng lại ở kiểm tra kiến thức mà hướng đến đánh giá tư duy phản biện, khả năng phân tích, so sánh, liên hệ của thí sinh. Dù còn nhiều tranh cãi về mức độ khó, dễ nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì đề thi của một số môn, đặc biệt là Ngữ văn và tiếng Anh đã thể hiện được tinh thần này.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại Điểm thi Trường THPT Hồng Đức, phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Thanh Hường |
Đối với môn Ngữ văn, trước đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các công văn hướng dẫn như Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH, ngày 21/7/2022 hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông; Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH, ngày 30/7/2024 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024 – 2025, trong đó yêu cầu tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học nhằm đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.
Câu hỏi nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp THPT năm nay với chi tiết “vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc”, “bối cảnh đất nước đang có nhiều thay đổi lớn lao” chính là hướng đến vấn đề thời sự nóng hổi hiện nay: chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính các tỉnh thành, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp từ 1/7/2025. Để làm tốt được bài thi này, ngoài những kiến thức trong sách giáo khoa, rõ ràng các “sĩ tử” phải có sự quan tâm đến tình hình thực tế của địa phương, đất nước, phải xem… thời sự!
Tương tự là đề thi tiếng Anh. Giữa những từ vựng xuất hiện trong đề thi tiếng Anh thì có một từ khiến nhiều thí sinh muốn… khóc nhất vì không hiểu là từ “greenwashing”. Tuy nhiên, nếu các em đã xem chương trình VTV24 ngày 26/6 (trước khi thi 1 ngày) thì hẳn đã hiểu “greenwashing” là gì. “Greenwashing” dùng để chỉ những hành vi giả xanh/tẩy xanh, giả vờ thân thiện với môi trường của một số tổ chức, doanh nghiệp lừa dối công chúng, khách hàng. Vấn đề này đã được báo chí truyền thông đề cập thường xuyên trong thời gian qua. Sau khi kết thúc bài thi, “greenwashing” trở thành từ khóa “hot” trên mạng xã hội với lời khuyên của những bạn học sinh vừa trải qua bài thi là muốn thi tốt tiếng Anh cần phải xem thời sự!
Thực tế này cho thấy, để dạy và học cho tốt thì giáo viên và học sinh không chỉ bó gọn trong những kiến thức “kinh viện”, sách vở mà phải mở rộng ra, liên hệ chặt chẽ với các vấn đề trong đời sống hằng ngày. Quan tâm đến tin tức thời sự giúp học sinh nắm bắt thông tin thực tế, hiểu sâu sắc hơn các vấn đề xã hội, tăng khả năng liên hệ trong bài thi.
Với các môn thuộc khối khoa học xã hội, việc nhận diện những tình huống xã hội đang diễn ra rất phù hợp với tinh thần "thoát ly" sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bài làm sẽ sinh động, thuyết phục hơn.
Với môn tiếng Anh, kho từ vựng là vô cùng mênh mông nên nếu gặp từ vựng, chủ đề thời sự đã từng biết đến, thí sinh có thể nhận diện ngữ cảnh tốt hơn, hạn chế việc hiểu sai, dịch nhầm.
Thói quen theo dõi tin tức cũng là cách trang bị kỹ năng sống thiết yếu, hỗ trợ học sinh phát triển tư duy phản biện, rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin đa chiều, nhận diện thông tin đúng, sai. Từ đó các em sẽ có cái nhìn toàn diện về thế giới xung quanh, nâng cao nhận thức xã hội, để thích nghi và phát triển.
Có thể thấy, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang đặt ra yêu cầu cần có sự điều chỉnh trong dạy và học, để đáp ứng đúng mục tiêu mà Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra.
Nguồn: https://baodaklak.vn/giao-duc/202507/khi-kien-thuc-khong-con-goi-gon-trong-sach-vo-8f50bdb/
Bình luận (0)