Thay vì sống ảo, các bạn trẻ nên hướng đến những giá trị tích cực trong cuộc sống -Ảnh: N.A
Nhìn vào profile (lý lịch) trên facebook của Trương Tuấn Anh (25 tuổi), ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, nhiều người không khỏi thán phục trước hình ảnh một chàng trai bên ngoài lãng tử, bên trong nhiều tiền. Cứ vài ba ngày, Tuấn Anh lại cập nhật lên trang cá nhân của mình hình ảnh đi du lịch khắp nơi, thưởng thức bữa ăn sang trọng hay sở hữu những chiếc “xế hộp” đắt đỏ.
Bên dưới mỗi tấm hình, Tuấn Anh nhận được rất nhiều lời bình luận thể hiện sự ngưỡng mộ, thậm chí ghen tị trước cuộc sống xa hoa của cậu trai trẻ này. Tuy nhiên, ít ai biết được, “phiên bản đời thực” của Tuấn Anh lại là người trầy trật mãi mới cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp của một trường cao đẳng làng nhàng, không có việc làm, mọi chi tiêu đều... xin tiền bố mẹ.
Nhờ xây dựng kênh facebook “hoàn hảo”, Tuấn Anh có cơ hội được tham gia vào nhóm facebook có tên Richkid Việt, nơi có 15.000 thành viên cũng có cuộc sống trên mạng giống Tuấn Anh. Bi kịch ập đến khi chính những người đồng cảnh ấy lừa đảo, đẩy Tuấn Anh vào khoản nợ hàng trăm triệu đồng.
Cái giá phải trả cho những ngày sang chảnh ảo không chỉ là sự sụp đổ của hình tượng mà còn là gánh nặng nợ nần. “Ngày trước cứ nghĩ sống ảo cho vui nên xin tiền bố mẹ, vay tiền bạn bè để mua sắm đồ đẹp “cúng” facebook. Ai ngờ cuối cùng lại bị lừa mất tiền chỉ vì nghe lời của một tài khoản trong hội Richkid Việt. Đúng là mọi sai lầm đều phải trả giá rất đắt, hối hận cũng đã muộn màng”, Tuấn Anh cay đắng nói.
Không riêng tại Việt Nam, theo CNBC, người Hàn Quốc là những người chi tiêu nhiều nhất thế giới cho hàng hóa xa xỉ cá nhân tính theo đầu người. Các nhà phân tích của Morgan Stanley ước tính, tổng chi tiêu của Hàn Quốc cho hàng hóa xa xỉ cá nhân tăng 24% vào năm 2022 lên 16,8 tỉ USD, tương đương khoảng 325 USD/người (hơn 8 triệu đồng/người). Còn theo thống kê của Bloomberg (hãng thông tấn Mỹ), trung bình một người thuộc thế hệ Z tại Trung Quốc chi hơn 7.000 USD (hơn 160 triệu VNĐ) mỗi năm cho những món hàng xa xỉ - ngay cả khi chưa tròn 21 tuổi. 47% Gen Z của Trung Quốc cho biết họ mua sắm mà không cần dừng lại để xem xét, chọn lựa kỹ càng. |
Với mức thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng tại TP. Đà Nẵng, Trần Thị Hoài Linh (28 tuổi) có thể xây dựng một cuộc sống ổn định với mức chi tiêu vừa phải. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh về việc phải ra dáng một người thành thị đã khiến cô không ngừng chạy theo những món đồ xa xỉ: hết iPhone đời mới đến túi xách hàng hiệu, rồi những buổi tiệc tùng “sống ảo” ở các nhà hàng sang trọng.
Cái giá phải trả là tháng nào Hoài Linh cũng phải “cắn răng” đi vay mượn bạn bè để lấp đầy những khoản thiếu hụt kéo dài. Khi một người bạn thân thiết nhẹ nhàng khuyên nhủ về lối sống tiết kiệm, Hoài Linh dửng dưng đáp lại: “Mang tiếng đi làm ở thành phố lớn, không “chảnh” một chút thì ai coi ra gì”.
Chính tâm lý muốn được công nhận, tung hô đã dẫn Hoài Linh vào lối sống tiêu xài hoang phí, đồng thời làm phai nhạt những tình bạn đáng quý. Giờ đây, cô gái trẻ này đang phải đối mặt với nỗi lo lắng thường trực về việc làm sao có thể bù đắp những khoản chi tiêu vô tội vạ và sợ hãi khi nghĩ đến một tương lai không mấy tươi sáng vì túi tiền rỗng tuếch.
Câu chuyện của Tuấn Anh hay Hoài Linh không phải là cá biệt. Một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay, dù túi tiền eo hẹp vẫn luôn cố gắng “tỏa sáng” bằng vẻ ngoài hào nhoáng. Họ sẵn sàng chi trả những khoản tiền vượt quá khả năng cho hàng hiệu đắt đỏ, mỹ phẩm xa xỉ, điện thoại đời mới... chỉ để “trang điểm” cho hình ảnh bản thân.
Thậm chí, những bữa ăn sang trọng, những chuyến du lịch tốn kém cũng được mạnh tay chi ra nhằm xây dựng một vỏ bọc giàu có trên mạng xã hội, thu về những lời khen tụng, sự ngưỡng mộ ảo từ người khác. Khát vọng về một cuộc sống sung túc, đủ đầy vốn là động lực chính đáng của tuổi trẻ.
Thế nhưng, không ít người đang biến ước mơ đó thành một thứ “vỏ bọc” phù phiếm. Họ ngộ nhận rằng chỉ cần khoác lên mình những bộ cánh lộng lẫy, dát lên người những thứ hào nhoáng bên ngoài mới có thể khẳng định giá trị bản thân.
Lối suy nghĩ sai lầm này đang dần ăn mòn tâm hồn của không ít người trẻ, khiến họ đánh mất khả năng đánh giá con người dựa trên những giá trị thực, thay vào đó là thước đo vật chất, thương hiệu. Theo thời gian, sự mù quáng này càng lan rộng, tạo ra một hệ lụy tiêu cực trong cách nhìn nhận về giá trị sống.
Thay vì để bản thân cuốn vào vòng xoáy của những ham muốn vật chất nhất thời, chìm đắm trong lối sống phung phí và ảo vọng, người trẻ ngày nay nên hướng đến giá trị thực sự, bền vững và ý nghĩa hơn. Đó là hành trình kiến tạo giá trị cho chính bản thân và đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng bằng những hành động thiết thực, xuất phát từ trái tim và trí tuệ.
Không ngừng bồi đắp những phẩm chất bên trong, trau dồi kiến thức, kỹ năng và xây dựng cho mình một nhân cách tốt đẹp. Đồng thời, các bạn trẻ cần xây dựng nếp sống tiết kiệm, tích lũy có mục tiêu, đầu tư khôn ngoan vào tri thức và các mối quan hệ nhằm trang bị cho mình những trải nghiệm quý để tự tin bước đi trên con đường mình đã chọn. Đó mới chính là sự “giàu có” đích thực và bền vững.
Nhật Ánh
..........
*Các nhân vật trong bài đã được đổi tên
Nguồn: https://baoquangtri.vn/khi-nguoi-tre-mac-ket-trong-giac-mo-song-ao-193552.htm
Bình luận (0)