Qua đó từng bước khơi dậy khát vọng nghề nghiệp để học sinh có mục tiêu, động cơ học tập, từng bước hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp bản thân và có cơ hội cống hiến cho xã hội.
Ở trường học phổ thông, ngoài các hoạt động giáo dục chính khóa thì học sinh được tham gia các hoạt động giáo dục mở trong và ngoài trường học. Đây là sự thay đổi linh hoạt nhờ sự phát triển của hoạt động giáo dục hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, hoạt động giáo dục nghề nghiệp được thực hiện theo lộ trình phù hợp với độ tuổi của học sinh từ hoạt động khám phá bản thân (bậc tiểu học), xây dựng ý thức hướng nghiệp (bậc THCS), có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân (bậc THPT).
Học sinh THPT tìm hiểu về ngành Kỹ sư xây dựng tại hoạt động giáo dục hướng nghiệp do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các trường đại học tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo cô Nguyễn Thị Quy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (TP. Buôn Ma Thuột) thì học sinh tiểu học thích được khám phá thế giới, môi trường sống. Do đó, các em được tham gia các hoạt động giáo dục hướng nghiệp mang tính trải nghiệm nghề nghiệp thú vị theo hướng vừa học vừa khám phá như: giáo dục STEM; tham quan, trải nghiệm các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; học cách thức chế biến các món ăn đơn giản tại lớp học; chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong sân trường, lớp học… Qua đó, giáo viên sẽ định hướng, khơi mở trí tưởng tượng, sở thích nghề nghiệp của học sinh; động viên các em chăm chỉ học tập để thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình.
Ở bậc THCS, hoạt động giáo dục hướng nghiệp được thể hiện đa dạng, có chiều sâu hơn như: phối hợp với các trường THPT, trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin về nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh, cách lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực bản thân, xu hướng nghề nghiệp; hướng nghiệp qua các buổi sinh hoạt đầu giờ, hoạt động ngoại khóa…
Ở bậc THPT, hoạt động giáo dục hướng nghiệp chuyên sâu hơn nhằm giúp học sinh làm quen với các ngành nghề, tư vấn chọn nghề và phát triển năng lực nghề nghiệp theo năng lực, sở thích, giá trị và mục tiêu khác nhau, tránh việc chạy theo số đông hay những lựa chọn truyền thống…
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm xây dựng cầu bằng tre tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo chương trình học, hoạt động giáo dục hướng nghiệp cũng đi dần vào chiều sâu ở bậc học cao hơn thông qua việc chọn tổ hợp môn học ở lớp 10, bậc THPT. Ở độ tuổi “chín chắn” hơn so với học sinh THCS, các em còn có thêm thời gian để khám phá năng lực bản thân; được nhà trường hỗ trợ cách thức hướng nghiệp chuyên biệt (tư vấn cá nhân, sử dụng công cụ đánh giá, tương tác với chuyên gia...) nên hiểu biết bản thân sâu sắc hơn (biết mình có gì và muốn làm nghề gì); qua đó, có thể từng bước xây dựng bản sắc nghề nghiệp riêng và lựa chọn con đường phù hợp nhất với mình.
Theo Luật Giáo dục 2019, hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. |
Thầy Võ Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Krông Pắc) cho biết, nhà trường luôn đồng hành cùng học sinh trong hoạt động hướng nghiệp thông qua việc lồng ghép trong chương trình học chính khóa, hoạt động trải nghiệm; mời các cơ sở giáo dục (trường đại học, cao đẳng) phối hợp lồng ghép cung cấp đề án tuyển sinh, phương thức xét tuyển để học sinh có thêm thông tin chọn ngành, chọn trường học phù hợp.
Các chương trình hướng nghiệp được tổ chức đồng loạt ở các khối lớp giúp học sinh có góc nhìn toàn diện về nghề nghiệp trong 3 năm học THPT; cùng với đó là nỗ lực cải tiến chất lượng học tập, tự tin tham gia các kỳ thi khác nhau để theo đuổi con đường nghề nghiệp sau tốt nghiệp THPT.
Tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột), môn tiếng Pháp được giảng dạy dưới hai hình thức là Ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2 (học hệ 3 năm từ lớp 10 đến lớp 12).
Mới đây, nhà trường đã phối hợp với các cơ sở giáo dục đến từ nước Pháp để cung cấp thông tin về hướng nghiệp, du học, trao đổi học sinh giữa hai nước Việt Nam và Pháp bằng hình thức trực tiếp tại trường và tư vấn gián tiếp qua liên lạc cá nhân.
Theo đó, ngoài hình thức du học đại học sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh cũng có thể tham gia chương trình trao đổi học sinh khi đang học THPT để có cơ hội đến Pháp tìm hiểu về văn hóa Pháp và xu hướng nghề nghiệp trên thế giới.
Giáo viên và học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột) kết nối với tư vấn viên về du học sau hoạt động giáo dục hướng nghiệp, du học ở nước Pháp cuối tháng 10/2024. |
Em Huỳnh Thị Tố Như, lớp 12A11, Trường THPT Buôn Ma Thuột cho hay, buổi tư vấn về du học và tuyển sinh trực tiếp cho Trường Đại học Bách khoa Valenciennes ở miền Bắc nước Pháp cuối tháng 10/2024 đã đem đến những thông tin thú vị về con đường học tập và trải nghiệm tương lai tại Pháp; hệ thống giáo dục ở Pháp rất chú trọng vào chất lượng và tính cá nhân hóa.
Buổi định hướng không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là nguồn động lực lớn lao để em dám mơ ước và nỗ lực hơn. Tuy con đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng em tin rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quyết tâm, du học Pháp sẽ là một hành trình đáng nhớ và đầy ý nghĩa trong cuộc đời em.
Nguồn: https://baodaklak.vn/giao-duc/202505/khoi-khat-vong-nghe-nghiep-4e31712/
Bình luận (0)