Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới với quy mô kinh tế nhỏ, nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Với trên 81% dân số sống ở nông thôn và hơn 80% lao động làm nông nghiệp, ngành này quyết định đời sống của phần lớn cư dân, giải quyết việc làm và tạo thu nhập. Nông nghiệp không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm mà còn nguyên liệu cho công nghiệp và sản phẩm hàng hóa cho xã hội, góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho Lạng Sơn.
![]() |
Chị Lăng Thị Thơ giới thiệu các đặc sản khởi nghiệp. |
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, chị Lăng Thị Thơ, thôn Bản Lếch, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng đã nghiên cứu và chế biến sản phẩm heo dẻo mác mật. Tuy mới có mặt trên thị trường song sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Chị Thơ cho biết: Qua nghiên cứu cho thấy, quả và lá mác mật thêm vào quá trình chế biến giúp các món ăn thêm bùi, béo, mùi thơm đặc trưng, hấp dẫn, chính vì vậy, tôi đã lựa chọn kết hợp giữa lá, quả mác mật với thịt lợn để tạo ra sản phẩm heo dẻo mắc mật. Khởi nghiệp từ món đặc sản này từ tháng 3/2023 nhưng 4 tháng sau sản phẩm heo dẻo mắc mật mới được người tiêu dùng đón nhận và rồi được mọi người rất ưa thích.
“Sau khi tham gia cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn năm 2023 tôi có cơ hội được tiếp xúc với đại diện một số doanh nghiệp, chuyên gia và tôi đã được các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp tư vấn, chỉ ra những vấn đề mà tôi cần khắc phục, hướng dẫn cách giải quyết những hạn chế cũng như định hướng giúp tôi hướng phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. Không chỉ vươn lên làm giàu, nhiều chị em dân tộc Tày, Nùng địa phương đã được tôi bố trí công ăn, việc làm ổn định nên cuộc sống tốt hơn”, chị Thơ chia sẻ.
Một tấm gương điển hình khác là chị Vi Thị Lụa (SN 1986), ở thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định thực hiện ước mơ khởi nghiệp từ sản phẩm của địa phương, làm giàu trên vùng quê và thành công với sản phẩm mang thương hiệu “Trà Diếp cá Lụa Vi”. Sau hơn 2 năm thành lập HTX chế biến nông sản Lụa Vi, Giám đốc trẻ dân tộc Tày Vi Thị Lụa đã tạo việc làm và tiêu thụ nông sản cho hàng chục hộ dân ở trong và ngoài xã, giúp người dân yên tâm sản xuất. Với những kết quả đó chị vinh dự được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen phụ nữ khởi nghiệp năm 2022.
![]() |
Chị Vi Thị Lụa là tấm gương khởi nghiệp xuất sắc từ những cây, lá quê hương Lạng Sơn. |
Theo báo cáo của Hội phụ nữ tỉnh Lạng Sơn, tính từ năm 2022 đến nay đã có khoảng trên 10 dự án khởi nghiệp thành công, hiện đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm trên thị trường, tiêu biểu như: Dự án Hồng treo gió, Hồng sấy dẻo (Hợp tác xã Toàn Thương, huyện Văn Lãng); Dự án Sản xuất Thạch đen Chu Hạnh (hộ sản xuất và kinh doanh Thạch đen Chu Hạnh, huyện Văn Lãng); Dự án Xây dựng chuỗi giá trị hoa hồi, dược liệu dưới tán hồi từ tài nguyên bản địa gắn với sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (Hợp tác xã thôn Nà Pái, huyện Bình Gia); Dự án Ẩm thực Thịt lợn hun khói và sấy khô; Dự án Sản xuất dầu gội và dầu xả tóc từ thảo mộc thiên nhiên,…
![]() |
Phụ nữ xứ Lạng học hỏi kinh nghiệm tại "Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp tỉnh Lạng Sơn năm 2024". |
Các sản phẩm từ những dự án kể trên tuy mới có mặt trên thị trường song đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và mang lại những giá trị thiết thực về kinh tế, xã hội. Những hoạt động này đã góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân chung tay xóa nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống yên vui, hạnh phúc ở tỉnh miền núi Lạng Sơn.
Nguồn: https://tienphong.vn/khoi-nghiep-tu-dac-san-dia-phuong-chia-khoa-thoat-ngheo-cua-phu-nu-xu-lang-post1741834.tpo
Bình luận (0)