Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không để đình trệ, gián đoạn thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch về việc thực hiện chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh.

Báo Khánh HòaBáo Khánh Hòa08/05/2025

Kế hoạch nhằm mục đích bảo đảm tính liên tục, nhất quán trong quản lý và triển khai các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công, không để xảy ra đình trệ, gián đoạn do ảnh hưởng của việc sắp xếp, sáp nhập, chia tách của các đơn vị hành chính; thực hiện đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo mục tiêu giải ngân theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ. Phạm vi áp dụng là các chương trình, nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn đầu tư công chịu ảnh hưởng bởi quá trình sáp nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính của tỉnh Khánh Hòa.

Kế hoạch quy định nguyên tắc chung về quản lý đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính các cấp. Theo đó, về chuyển giao nguồn vốn đầu tư công đảm bảo theo định hướng tại Công văn số 4205, ngày 2-4-2025 của Bộ Tài chính: “Việc phân chia nguồn thu giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp xã sau sắp xếp nên giữ ổn định, đảm bảo nguồn thu như các xã trước sắp xếp. Nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện trước sắp xếp chuyển về ngân sách cấp tỉnh để thực hiện; trường hợp cấp xã sau sắp xếp có khả năng thực hiện những nhiệm vụ của ngân sách cấp huyện trước sắp xếp, căn cứ tình hình thực tế, Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định”.

Về nhiệm vụ chi đầu tư phát triển: Các nhiệm vụ, dự án đầu tư công của cấp huyện quản lý (bao gồm các nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của cấp huyện quản lý) chuyển giao về cấp tỉnh tiếp tục theo dõi, xử lý, tổ chức thực hiện sau khi sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính các cấp. Các nhiệm vụ, dự án đầu tư công của cấp xã quản lý (bao gồm các nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, nguồn vốn hợp pháp của cấp xã quản lý) chuyển giao nguyên trạng dự án và nguồn vốn cho đơn vị cấp xã mới thành lập tiếp tục theo dõi, xử lý, tổ chức thực hiện sau khi sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính các cấp.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững): Các dự án thuộc chương trình do cấp huyện quản lý, sẽ chuyển giao về cấp tỉnh để tiếp tục theo dõi, xử lý, tổ chức thực hiện sau khi sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính các cấp; các dự án thuộc chương trình do cấp xã quản lý, sẽ chuyển giao nguyên trạng dự án và nguồn vốn cho đơn vị cấp xã mới thành lập tiếp tục theo dõi, xử lý, tổ chức thực hiện sau khi sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính các cấp.

UBND tỉnh yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban, ban quản lý dự án cấp huyện, UBND cấp xã rà soát, tổng hợp lập danh mục các chương trình, nhiệm vụ, dự án; đề xuất đơn vị mới tiếp nhận bàn giao, làm chủ đầu tư các dự án cấp huyện, cấp xã quản lý sau khi hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp.

Việc bàn giao, tiếp nhận (thực hiện sau khi cấp có thẩm quyền quyết định, nghị quyết sắp xếp, kiện toàn bộ máy) được thực hiện theo nguyên tắc “tiếp nhận nguyên trạng”: Cơ quan nhận bàn giao kế thừa nguyên trạng chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn thuộc phạm vi quản lý tại thời điểm ban giao từ cơ quan cũ.

Trong quá trình bàn giao, tiếp nhận, cơ quan cấp trên chủ đầu tư (đơn vị mới), chủ đầu tư (đơn vị mới), cán bộ tiếp nhận (đơn vị mới) có trách nhiệm chủ động rà soát, tiếp nhận hồ sơ, bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân, quyết toán dự án không bị ngưng trệ, tổ chức quản lý dự án theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm nhận bàn giao. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân (đơn vị cũ) vẫn chịu trách nhiệm thực hiện đối với hồ sơ, thủ tục đang thực hiện (thẩm định, giải phóng mặt bằng, xác nhận khối lượng hoàn thành...) cho đến khi hoàn tất bàn giao.

Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được giao tiếp nhận, làm chủ đầu tư các nhiệm vụ, dự án do cấp huyện bàn giao chủ động rà soát số lượng, chất lượng, cán bộ quản lý dự án, bảo đảm đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ; kịp thời báo cáo UBND tỉnh các khó khăn, vướng mắc để xử lý, không để gián đoạn công việc. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân (thuộc đơn vị cũ) thực hiện nghiêm túc việc phối hợp và bàn giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định. Cán bộ, công chức, viên chức không được phép tự ý chấm dứt hợp đồng hoặc bỏ vị trí làm việc khi chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện (tổng hợp chung nội dung kiến nghị của UBND cấp xã) kịp thời báo cáo UBND tỉnh trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương (thông qua Sở Tài chính) các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất phương án xử lý để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý.

Kế hoạch quy định cụ thể tiến độ thực hiện các nhiệm vụ; trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương để khẩn trương thực hiện kế hoạch.

PHI LONG

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/kinh-te/202505/khong-de-dinh-tre-gian-doan-thuc-hien-cac-chuong-trinh-nhiem-vu-du-an-trong-qua-trinh-sap-xep-kien-toan-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-07e2a4a/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm