Giữa trùng khơi mênh mông, trên đảo Sinh Tồn - nơi mùa khô năm 1981, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết những vần thơ đầy ấn tượng: "Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn/Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy/Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy/Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi/Ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời...", có ngôi chùa mang tên đảo, mái cong cong lặng lẽ vươn mình trong nắng gió. Chùa mang dáng thuần Việt, tọa bình yên bên những nếp nhà, bên trường học và các công trình.
Chùa Sinh Tồn được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, một gian hai chái, mái cong đỏ thắm. Chính điện chùa hướng về Thủ đô Hà Nội như lời khẳng định đầy thiêng liêng: Từ nơi xa xôi nhất của Tổ quốc, lòng người vẫn luôn hướng về trái tim đất mẹ. Giữa những dãy nhà lính, những rặng cây phong ba rì rào trong gió, mái chùa đỏ tươi nổi bật lên tựa ngọn đèn tâm linh soi sáng thêm tâm hồn, ước nguyện của con người nơi đảo xa.
![]() |
Bộ đội chu đáo đón khách ghé thăm chùa Sinh Tồn. |
Mỗi sáng, tối, không gian chùa Sinh Tồn bắt đầu bằng âm thanh ngân nga của tiếng chuông. Trong làn gió mang hương vị mặn mòi từ bốn bề biển khơi, hồi chuông vang vọng vào không trung, lan xa sóng nước, tỏa khắp không gian đảo. Tiếng chuông cũng là tiếng lòng, là nhịp thở tâm linh hòa quyện tinh thần giữ gìn non sông gấm vóc.
Sư trụ trì chùa dáng người thanh mảnh trong bộ áo vàng, nhẹ bước quanh sân chùa nhặt những chiếc lá bàng vuông vừa rụng. Giữa khung cảnh tĩnh mịch mà đầy sức sống, thầy kể về cảm xúc ngày đầu ra đảo nhận nhiệm vụ Phật sự. Dẫu ban đầu còn chút bỡ ngỡ, nhưng khi đặt chân lên đảo, nhìn thấy mái chùa cong giữa biển trời, thầy đã thấy lòng mình an yên lạ lùng như trở về nơi chốn thân thương.
![]() |
Sư trụ trì chuẩn bị lễ dâng cúng. |
Khi đặt chân vào khuôn viên chùa Sinh Tồn, hầu như ai cũng chung cảm giác không gian nơi đây sánh lại trong sự cô đọng của linh khí, tâm linh, cảm xúc và niềm tin. Ánh nắng sân chùa không rực rỡ, chói chang như ngoài bãi san hô mà dịu dàng, mềm mại, gạn lọc qua làn khói hương, qua tán bàng vuông đang nghiêng nghiêng che mát bậc đá. Gió khơi xa thổi về thường mạnh và dữ, nhưng khi lướt qua cổng tam quan, qua rặng phong ba biếc xanh chợt lặng xuống, hương mặn mòi của biển hòa vào hương trầm thơm thoảng.
![]() |
Người lính bước vào chốn thiêng liêng, thanh tịnh. |
Cây cối trong chùa, dù nhọc nhằn vươn lên trên mảnh đất san hô pha lẫn hơi muối vẫn xanh tươi lạ thường. Ở góc sân, dưới mặt nước phẳng lặng, điểm xuyết những bông súng mảnh mai mà kiên cường. Rất hiếm ngôi chùa nào trên quần đảo trồng và chăm sóc cho những khóm súng trổ hoa... Không gian khiến ta luôn nhớ tới bài thơ "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn" của nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Ôi hòn đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu/Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão/Chúng tôi như hòn đá ngàn năm, trong đập nhịp tim người/ Như đá vững bền, như đá tốt tươi..."
![]() |
Chùa là điểm tựa tâm linh cho mỗi người lính. |
Ở đảo Sinh Tồn, chùa là nơi thờ Phật, cũng là điểm đến tri ân đầy sâu nặng. Tại đây có tấm bia tưởng niệm 64 Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma đã hy sinh vào năm 1988 trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngày 14/3 hằng năm, nhà chùa cùng cán bộ, chiến sĩ và người dân tổ chức lễ tưởng niệm, thắp hương tri ân những người đã hiến dâng tuổi trẻ, máu xương vì đất nước.
Năm nào cũng vậy, sáng 14/3, khi những tia nắng đầu ngày vừa rọi xuống mái chùa, quân và dân trên đảo đã lặng lẽ bước về phía bia tưởng niệm khắc ghi 64 phương danh Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma đã hy sinh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong không khí trang nghiêm, từng nén nhang được thắp lên, từng ánh mắt rưng rưng, phút xúc động cúi đầu mặc niệm. Lòng tri ân lặng thầm mà da diết giữa không gian phảng phất khói hương.
![]() |
Không gian thanh tịnh nơi đảo xa. |
Trong gian chính điện chùa, lễ đồng giỗ được cử hành với mâm cơm chay năm món giản dị do chính tay người dân trên đảo nấu nướng, gói trọn trong đó tấm lòng biết ơn, tình nghĩa đồng bào gửi đến các anh.
Với tấm lòng thành kính, sư trụ trì chùa thắp lên 64 ngọn nến tượng trưng cho 64 linh hồn đã nằm lại nơi biển sâu năm nào. Từng ngọn nến lần lượt sáng lên, lung linh, bảng lảng. Đến khi ngọn nến thứ 64 cháy rực, cả chính điện như bừng sáng, không hẳn bởi ánh sáng vật lý mà dường như từ ánh hào quang của lòng biết ơn vô hạn đang cùng lúc hướng về. Mỗi ngọn nến tượng trưng cho một số phận con người đã gửi lại tuổi xuân cho biển cả. Trong phút giây ấy, cả không gian như ngưng đọng, chỉ còn tiếng chuông chùa ngân dài và ánh sáng lặng lẽ tỏa lan.
![]() |
Phương danh 64 Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma. |
Người dân trên đảo thường đến chùa vào các dịp lễ Tết để cầu an, mong ước cho biển trời yên bình. Dịp Tết, đầu năm, chùa thường đón thêm nhiều lượt đại biểu, ngư dân đi biển đến thắp hương, gửi gắm ước vọng. Với quân và dân nơi đầu sóng, chùa là mái ấm tâm linh, là ngọn nguồn sức mạnh tinh thần.
Mỗi cuối tuần, cùng với sư trụ trì, các lực lượng trên đảo thường quét dọn, chăm sóc khuôn viên chùa, góp phần gìn giữ ngọn lửa văn hóa, tâm linh nơi đảo xa. Người đến chùa vì đức tin, cũng bởi lòng biết ơn, tình yêu Tổ quốc gần gũi mà sâu sắc. Trong từng việc làm nhỏ bé, có sự gắn kết chặt chẽ giữa đạo và đời, giữa quân và dân với không gian linh thiêng của đảo.
![]() |
Trong các dịp lễ Tết, bộ đội đều lên chùa dâng lễ. |
Những người lính cũng thường đến chùa trong các dịp nghỉ, những ngày lễ Tết. Với họ, chùa là nơi vãn cảnh, để tĩnh tâm, để nhớ về gia đình, quê hương và khắc sâu tinh thần, trách nhiệm của mình. Mỗi lần đặt tay lên tấm bia tưởng niệm, mỗi người lính lại nhắc nhở chính mình phải sống xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước - những người đã ngã xuống để biển đảo hôm nay được bình yên.
Trong khuôn viên chùa, những cây phong ba vươn cao, đứng hiên ngang trước gió bão như chính tinh thần của người dân, của người lính nơi đầu sóng. Mỗi ngày, tiếng chuông chùa vẫn ngân nga, thánh thót, lan rộng ra biển khơi tựa khúc nguyện cầu cho hòa bình, cho chủ quyền vững bền của Tổ quốc.
![]() |
Khách thăm đảo với phút giây tĩnh lặng, xúc động ở chùa. |
Ở nơi đầu sóng ngọn gió, mái chùa bình dị còn mang dáng dấp quê hương, góp phần gìn giữ ký ức thiêng liêng, nơi thắp sáng niềm tin và lòng tri ân bất diệt. Mỗi nén hương, mỗi ngọn nến, mỗi mâm cơm chay đều là sự gắn kết giữa đạo lý và tinh thần dân tộc, là lời nhắc nhở về sự hy sinh cao cả của những người lính đã ngã xuống vì chủ quyền biển đảo.
Chùa soi rọi quá khứ, soi sáng tương lai để bao thế hệ quân và dân vững vàng tiếp bước, tự hào với ngọn lửa yêu nước, can trường. Trong không gian tĩnh lặng, linh thiêng, những ngôi chùa như Sinh Tồn vẫn âm thầm tọa thành cột mốc văn hóa, điểm tựa tâm linh đầy ấm áp.
Nguồn: https://nhandan.vn/khong-gian-thieng-lieng-cua-chua-sinh-ton-noi-dau-song-post877686.html
Bình luận (0)