Không lâu sau khi Bộ Công an phát hiện đường dây sản xuất sữa giả với 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn, với hơn 10 tấn thuốc giả được tuồn ra thị trường. Sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự vô nhân tính của các đối tượng trục lợi trên sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, bệnh nhân, kèm theo đó là lỗ hổng trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, quảng cáo, buôn bán các sản phẩm này.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Vũ Quang. |
Dưới góc nhìn y tế, hành vi này cần lên án và trừng trị nghiêm minh bởi việc sử dụng sữa giả, thuốc giả không giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe mà còn khiến bệnh nhân bỏ qua “thời gian vàng” trong giai đoạn phục hồi sức khỏe, tốn kém chi phí, thậm chí “tiền mất, tật mang”.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thực phẩm chức năng, thuốc, sữa được bán theo nhiều hình thức. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm này tập trung nhiều ở người người bệnh sau phẫu thuật, người mắc bệnh mạn tính để hỗ trợ phục hồi sức khỏe. Do đó, khi sử dụng, người bệnh cần cân nhắc kỹ, mua đúng nơi, đúng nguồn gốc, mua sản phẩm của đơn vị sản xuất uy tín, không nên mua trên mạng xã hội với những sản phẩm thuốc, sữa có chiết khấu quá cao, hoặc những sản phẩm được quảng cáo rầm rộ, thổi phồng công dụng. Đối với thuốc chữa bệnh phải mua theo đơn của bác sĩ và mua tại cơ sở y tế nơi khám, chữa bệnh hoặc các nhà thuốc uy tín.
Có một thực trạng đang diễn ra là thực phẩm chức năng, thuốc, sữa được kinh doanh theo hình thức đa cấp và diễn ra sôi động trên môi trường mạng xã hội. Những mặt hàng này được xem là nhu cầu thiết yếu, lượng khách hàng rất lớn, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, nên các đối tượng vì lợi nhuận “khủng” mà bất chấp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm không bảo đảm, làm hàng giả, quảng cáo sai sự thật lừa dối người tiêu dùng.
Hiện nay, phương thức quản lý chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý, bên cạnh mặt tích cực cũng đi kèm nhiều tồn tại, bất cập. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để thực hiện không đúng quy định, không gửi hồ sơ tự công bố đến cơ quan quản lý địa phương, công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm, gây nguy cơ sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn. Với phương thức như bây giờ, các đơn vị tự công bố sản phẩm sẽ lợi dụng kẽ hở để sản xuất sản phẩm không tuân thủ theo đúng quy trình đã đăng ký.
Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. |
Tại Đắk Lắk, công tác hậu kiểm với các sản phẩm tự công bố cũng gặp nhiều khó khăn. Trung tâm kiểm định dược phẩm, mỹ phẩm tỉnh hiện chưa được trang bị đầy đủ trang thiết bị để kiểm định một số mẫu sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm cũng thiếu và yếu về nhân lực, vật lực, kinh phí dẫn tới không được thực hiện thường xuyên, liên tục, vô tình tạo kẽ hở cho hoạt động sản xuất hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng của doanh nghiệp.
Ngay sau khi nhận được phản ánh về tình trạng một số nhân viên y tế và người không có chức năng chuyên môn thực hiện việc tư vấn, giới thiệu, tiếp thị sản phẩm sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng không đúng quy định tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở điều trị tuyệt đối không được sử dụng danh nghĩa cán bộ y tế, trang phục y tế để giới thiệu sản phẩm thương mại dưới mọi hình thức. Nghiêm cấm mọi hoạt động giới thiệu, tiếp thị, tặng mẫu, hoặc bán các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng trong toàn bộ khuôn viên đơn vị y tế, bao gồm: hành lang, khu khám bệnh, phòng bệnh, khu điều trị và các khu vực hành chính… Nếu phát hiện cơ sở điều trị vi phạm, Sở Y tế sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở.
Cùng với đó, Sở Y tế đề nghị các đơn vị chấn chỉnh toàn bộ nhân viên y tế trong việc giới thiệu, kê toa sữa, thực phẩm chức năng khi không có chỉ định chuyên môn rõ ràng, không vì mục đích thương mại, hoa hồng; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định và báo cáo về Sở Y tế. Đồng thời, thực hiện công tác tuyên truyền đến người bệnh, giải thích rõ các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng không thay thế thuốc chữa bệnh.
* Trân trọng cảm ơn ông!
(thực hiện)
Nguồn: https://baodaklak.vn/xa-hoi/202504/khong-su-dung-danh-nghia-can-bo-y-te-de-gioi-thieu-san-pham-thuong-mai-896056c/
Bình luận (0)