Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khuyến khích nông dân phát triển mô hình kinh tế tập thể

Thống Nhất là huyện có nông nghiệp phát triển của Đồng Nai. Thời gian qua, các loại hình kinh tế, trong đó có kinh tế tập thể (KTTT), được địa phương khuyến khích phát triển.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai04/04/2025

Vườn sầu riêng của một thành viên Hợp tác xã Thương mại dịch vụ sầu riêng Lạc Sơn. Ảnh: V.Gia
Vườn sầu riêng của một thành viên Hợp tác xã Thương mại dịch vụ sầu riêng Lạc Sơn. Ảnh: V.Gia

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW ngày 27-7-2020 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhằm khuyến khích nông dân tham gia phát triển KTTT giai đoạn 2020-2025, trong những năm qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được các mô hình có hiệu quả.

Liên kết phát triển mô hình kinh tế tập thể

Hợp tác xã (HTX) Thương mại dịch vụ chôm chôm, sầu riêng Lạc Sơn (xã Quang Trung) hiện có 46 thành viên, với diện tích canh tác gần 100 hécta. Đây là một trong những HTX điển hình cho việc thay đổi tư duy, sản xuất hàng hóa theo hướng xuất khẩu của nông dân địa phương. Vụ sầu riêng năm 2024, mỗi hécta sầu riêng của HTX cho lợi nhuận từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Để xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng, HTX đã hoàn tất thủ tục đề nghị cơ quan chức năng cấp mã số vùng trồng, sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ chôm chôm, sầu riêng Lạc Sơn Nguyễn Duy Cường chia sẻ, khi mã số vùng trồng được cấp mã số sẽ là cơ sở để cho trái sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ được ở nội địa sẽ tạo nguồn lực giúp các xã viên trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, tạo việc làm cho hội viên và nông dân.

Tương tự, Tổ hợp tác Cây bơ xã Bàu Hàm 2 có diện tích 16 hécta. Từ khi thành lập tổ, các thành viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất để nâng cao năng suất của cây bơ. Bên cạnh đó, các tổ đã được tiếp cận vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Theo ông Phạm Duy Long, Tổ trưởng tổ hợp tác, từ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, bà con triển khai sản xuất bơ theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo cơ sở liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ để phát triển cây bơ theo hướng bền vững.

Theo Hội Nông dân huyện Thống Nhất, các mô hình KTTT của nông dân góp phần tạo cho các thành viên có việc làm, thu nhập ổn định. Việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp nông dân mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất Nguyễn Thế Vinh cho hay, trong 5 năm qua, hội nông dân trên địa bàn huyện đã tham gia vận động, thành lập được 5 HTX nông nghiệp, 12 tổ hợp tác, 14 chi hội nghề nghiệp và 35 tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, trên địa bàn huyện có 10 HTX nông nghiệp, 66 tổ hợp tác; 4 câu lạc bộ năng suất cao; 15 chi hội nghề nghiệp và 48 tổ hội nghề nghiệp sản xuất.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất NGUYỄN THẾ VINH, hội đã kết hợp tiêu thụ nông sản thông qua các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và các tổ chức để đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, mạng xã hội để giúp sản phẩm của HTX, tổ hợp tác và nông dân được lan tỏa rộng rãi hơn.

Kết nối hỗ trợ nông dân

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Trung Bùi Văn Thiện, 2 HTX do hội viên nông dân làm chủ trên địa bàn xã hoạt động đạt hiệu quả tốt. Bên cạnh các HTX thì xã Quang Trung thành lập những tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp sản xuất. Các hội viên nông dân được tham gia tập huấn đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, bán hàng trên các kênh Zalo, Facebook, TikTok với 2 sản phẩm chủ lực là chôm chôm và sầu riêng. Qua đó, giúp cho nhiều khách hàng biết đến những sản phẩm của địa phương. Ngoài ra, các sản phẩm còn được xuất khẩu qua Trung Quốc, Đài Loan... Đây là bước tiến lớn trong phát triển kinh tế và mở rộng thị trường cho các hộ trồng trọt và kinh doanh tại địa phương.

Để hỗ trợ phát triển KTTT, Hội Nông dân huyện Thống Nhất rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ trong HTX, tổ hợp tác, qua đó có hướng hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đang quản lý là trên 15,5 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho 276 hộ vay. Bên cạnh đó, hội phối hợp, ký kết với các ngân hàng giải ngân trên 250 tỷ đồng cho các hộ vay; tổ chức được 74 lớp tập huấn cho hơn 12 ngàn lượt cán bộ, hội viên tham gia về khoa học kỹ thuật, mã số vùng trồng... Nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các ngân hàng giúp các hộ nông dân, thành viên trong HTX, tổ hợp tác phát triển sản xuất, mở rộng diện tích, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình KTTT.

Tổ chức hội từ huyện đến cơ sở đã chủ động trong công tác phối hợp với các đơn vị như: phân bón Bình Điền, Công ty An Điền, Công ty Nguyên Ngọc, Công ty CP Công nghệ Nông Nghiệp Xanh, Tập đoàn Quế Lâm để hỗ trợ các sản phẩm vật tư nông nghiệp trả chậm.

Văn Gia - Tiến Thụ

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/trang-dia-phuong/202504/khuyen-khich-nong-dan-phat-trien-mo-hinh-kinh-te-tap-the-dbe6867/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm