Thị trường toàn cầu đang chịu tác động mạnh từ chính sách thuế mới của Mỹ bao gồm mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả quốc gia và thuế đối ứng (Reciprocal tariff) được tính dựa trên thâm hụt thương mại song phương. Đối với Việt Nam, mức thuế đối ứng được xác định là 46%.
Với chính sách này, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn khi Mỹ áp thuế đòi hỏi phải có các giải pháp chiến lược để duy trì quan hệ thương mại song phương.
Phân tích các động thái chính sách của Chính phủ nhằm giảm thiểu tác động và thúc đẩy quan hệ thương mại với Mỹ, ông Hoàng cho biết, Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 10/3/2025 thể hiện quyết tâm của Chính phủ khi yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh quan hệ thương mại với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Mỹ, để thuận lợi hóa hoạt động xuất nhập khẩu. Chỉ thị này đặt mục tiêu rõ ràng trong bối cảnh các hiệp định thương mại và thỏa thuận song phương đang được triển khai, nhằm giảm áp lực từ thuế quan và củng cố vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Song song đó, Nghị định 73/2025/NĐ-CP ngày 31/3/2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi, giảm thuế cho một số mặt hàng, thể hiện nỗ lực điều chỉnh chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và tăng sức cạnh tranh.
Hơn nữa, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang chuẩn bị chuyến công tác tại Mỹ để đàm phán song phương, tập trung vào các nội dung như triển khai hợp tác ngoại giao, đồng mua sắm công mở rộng cơ hội cho nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam, chủ động loại bỏ rào cản phi thuế quan và điều chỉnh chính sách thuế đặc biệt…
Một điểm sáng trong chiến lược ứng phó là việc Việt Nam chấp thuận thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX do Elon Musk sáng lập ở trong nước. Quyết định này không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến mà còn thể hiện sự chủ động trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các hoạt động kinh tế và thương mại trong bối cảnh áp lực quốc tế gia tăng. Chính phủ ưu tiên giải pháp đối thoại và thương lượng thay vì xung đột trực tiếp, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại song phương và nền kinh tế trong nước.
Ông Hoàng cho rằng, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa đưa ra biện pháp đáp trả ngay lập tức mà tập trung vào các phương án dài hạn, thể hiện cách tiếp cận cân nhắc và chiến lược. Điều này phản ánh rõ mục tiêu của Chính phủ trong việc duy trì sự ổn định và phát triển bền vững, đồng thời tận dụng các cơ hội từ đối thoại để hóa giải thách thức từ chính sách thuế của Mỹ.
Về dự báo kinh tế vĩ mô, VCBS cũng nhận định các yếu tố như lạm phát, tỷ giá và lãi suất vẫn sẽ được đảm bảo ổn định, dù tỷ giá có thể chịu áp lực nhất định trong thời gian tới. Công ty duy trì quan điểm rằng lạm phát sẽ nằm trong mức kiểm soát, với chỉ số dự kiến không vượt quá ngưỡng cần lo ngại. Lý do là nguồn cung hàng hóa và dịch vụ thiết yếu luôn được đảm bảo, trong khi Chính phủ vẫn kiểm soát giá một số mặt hàng và dịch vụ công thiết yếu. Dù cầu tiêu dùng nội địa đang phục hồi tốt, quá trình này chưa thực sự mạnh mẽ, tạo điều kiện để lạm phát duy trì ở mức ổn định.
Về lãi suất, VCBS dự báo lãi suất huy động có thể ổn định trong thời gian tới, trong khi lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ áp lực thương mại quốc tế. Những yếu tố này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn có nền tảng vững chắc để ứng phó với biến động, dù không tránh khỏi những thách thức từ tỷ giá do ảnh hưởng của chính sách thuế quan và thâm hụt thương mại.
“Hiện tại thị trường đang có phản ứng thái quá. Vì rõ ràng, chúng ta chưa có thêm bất kỳ thông tin nào cụ thể và còn thời gian để đàm phán với Mỹ trước khi thuế đối ứng có hiệu lực. Tôi tin rằng Việt Nam vẫn còn cơ hội. Do vậy, nhà đầu tư nên bình tĩnh để có phản ứng ở mức độ vừa phải hơn”, ông Hoàng khuyến nghị.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/kinh-te-viet-nam-co-nen-tang-vung-chac-de-ung-pho-voi-bien-dong-162298.html
Bình luận (0)