Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín dụng cho lúa gạo: Cần xây dựng chuỗi liên kết bền vững để gia tăng hiệu quả

Ngày 4/4/2025, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ và Trang Việt Nam Đầu Tư phối hợp tổ chức Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, với mục tiêu đưa ra các giải pháp và chiến lược mới cho ngành lúa gạo trong bối cảnh thị trường và công nghệ đang có những thay đổi mạnh mẽ.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng04/04/2025

Nông nghiệp là lĩnh vực cho vay ưu tiên

Tại Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Bích - Tổng biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ cho biết, nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn có vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà cả trong thời gian sắp tới. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, nền kinh tế đang chứng kiến những thay đổi sâu rộng, đặc biệt là trong việc phát triển bền vững và định vị ngành nông nghiệp nói chung, ngành lúa gạo nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

"Muốn định vị và khẳng định vị trí hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới chúng ta cần có khát vọng phát triển ngành nông nghiệp bền vững, cũng như thay đổi cách thức phát triển công nghệ, ứng dụng AI trong nông nghiệp, tư duy làm chính sách…; qua đó giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa", bà Trần Thị Thanh Bích nhấn mạnh.

Xác định lúa gạo là mặt hàng nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có sản lượng và giá trị xuất khẩu cao, mang nguồn thu ngoại tệ lớn về cho đất nước, ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 14 (gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu và Vĩnh Long) cho biết, NHNN luôn xác định nông nghiệp, nông thôn trong đó có lĩnh vực lúa gạo là lĩnh vực được ưu tiên và tập trung vốn để đầu tư. Thời gian qua, NHNN và ngành Ngân hàng trên địa bàn các khu vực đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh lúa gạo nói riêng, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Tín dụng cho lúa gạo: Cần xây dựng chuỗi liên kết bền vững để gia tăng hiệu quả
Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 14

Theo ông Trần Quốc Hà, ngành Ngân hàng đã không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 55).

Đồng thời ngành Ngân hàng cũng triển khai hiệu quả các chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp… theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam; khuyến khích tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay đáp ứng vốn từ khâu sản xuất - chế biến - đến thu mua, tiêu thụ. Ngoài ra, NHNN cũng đã có chính sách trần lãi suất ngắn hạn VND đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện nay tối đa là 4%/năm).

Căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế trên thị trường, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh như duy trì hạn mức tín dụng đã cấp, giảm lãi suất cho vay, miễn giảm các loại phí dịch vụ, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp.

Tín dụng cho lúa gạo: Cần xây dựng chuỗi liên kết bền vững để gia tăng hiệu quả
Quang cảnh Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới”

Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định 1490/QĐ-TTg và theo các nội dung chỉ đạo của NHNN Việt Nam.

Nhờ những nỗ lực của ngành Ngân hàng mà tín dụng đối với ngành hàng lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn có mức tăng trưởng cao, đến cuối tháng 12/2024 đạt 121.595 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với cuối năm 2023, chiếm khoảng 55% dư nợ tín dụng lúa, gạo toàn quốc. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ mục đích trồng trọt chiếm khoảng 18%, phục vụ mục đích thu mua, tiêu thụ chiếm khoảng 70%, phục vụ mục đích chế biến, bảo quản chiếm khoảng 12%.

Tín dụng đối với các ngành lúa gạo cũng luôn có tốc độ tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung và tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn của khu vực. Quyền Giám đốc NHNN khu vực 14 đưa ra dẫn chứng: dư nợ cuối năm 2024 đạt 32.149 tỷ đồng, tăng 19,55% so với cuối năm 2023, mức tăng trưởng tín dụng chung của khu vực 2024 là 11,3%, tăng trưởng tín dụng nông nghiệp nông thôn 8,29%).

“Điểm nghẽn” liên kết đối với tín dụng lúa gạo

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực song ông Trần Quốc Hà cũng chỉ ra, việc đầu tư tín dụng cho lúa gạo trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức.

Một trong số đó là chương trình cho vay liên kết, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg chưa phát sinh kết quả cho vay do Bộ NN&PTNT chưa công bố vùng chung vùng chuyên canh lúa chất lượng cao & phát thải thấp, các chuỗi liên kết lúa gạo để các TCTD có đầy đủ cơ sở xem xét, quyết định cho vay.

Bên cạnh đó, vấn đề xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chính sách về liên kết vùng, sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết còn ít, gây khó khăn cho các TCTD trong việc kiểm soát dòng tiền khi cho vay chuỗi.

Tín dụng cho lúa gạo: Cần xây dựng chuỗi liên kết bền vững để gia tăng hiệu quả
Chuỗi liên kết giá trị đóng vai trò quan trọng đối với tín dụng lúa gạo

Là một trong một ngân hàng thương mại được lựa chọn thí điểm cho vay phục vụ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp”, ông Lê Hồng Phúc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cũng nêu ra vấn đề tương tự.

Agribank hiện đã áp dụng mức lãi suất ưu đãi tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng đối với các cá nhân, hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp vay trong chuỗi liên kết. Một trong những điều kiện gần như là điều kiện cứng để vay trong Đề án này là tham gia chuỗi liên kết. Tiếp đến là phải nằm trong vùng chuyên canh. Ông Phúc nhấn mạnh, nguồn vốn là không thiếu, ngân hàng sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu nhưng có khó khăn là các địa phương công bố vùng chuyên canh chưa đồng bộ, thậm chí có tỉnh còn chưa thông tin. "Việc tham gia chuỗi liên kết cũng chưa nhiều. Hiện ở các hợp tác xã, các thành viên tham gia Đề án vay vốn chỉ từ tài sản bảo đảm, từ trách nhiệm hoặc mô hình doanh nghiệp, việc minh bạch tài chính còn manh mún", ông Phúc chia sẻ thêm.

Cùng bàn về vấn đề này, TS. Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) nhìn nhận, muốn Đề án 1 triệu ha thành công thì việc tăng cường liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo là vô cùng quan trọng. Đại diện VIETRISA kiến nghị cơ quan cấp tỉnh, cần quan tâm chỉ đạo sát sao triển khai Đề án. Cùng với đó, xác định và công bố diện tích tham gia đề án để thu hút doanh nghiệp liên kết và hỗ trợ nâng cao năng lực làm dịch vụ và liên kết của nông dân và hợp tác xã (HTX). Đồng thời, cơ quan quản lý cần nâng cao chất lượng của các tổ chức như HTX để làm đầu mối kết nối nông dân và doanh nghiệp, cũng như Hội nông dân, khuyến nông cộng đồng để đóng vai trò kết nối nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-cho-lua-gao-can-xay-dung-chuoi-lien-ket-ben-vung-de-gia-tang-hieu-qua-162311.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm