Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kinh tế Vĩnh Long- kỳ vọng phát triển mạnh

Tỉnh Vĩnh Long mới chính thức đi vào vận hành là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện quyết tâm lớn trong đổi mới tư duy quản trị và khát vọng vươn lên. Trong đó, kinh tế- xã hội kỳ vọng phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Báo Vĩnh LongBáo Vĩnh Long03/07/2025

Vĩnh Long sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn với các động lực tăng trưởng mới được hình thành. Ảnh minh họa
Vĩnh Long sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn với các động lực tăng trưởng mới được hình thành. Ảnh minh họa

Nhận diện tiềm năng

Tỉnh Vĩnh Long mới có diện tích tự nhiên hơn 6.296km2 (đạt 125,92% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số đạt trên 4,2 triệu người (đạt 299,62% so với tiêu chuẩn) và 124 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 105 xã và 19 phường). Theo các chuyên gia, về địa lý hành chính, tỉnh Vĩnh Long có đặc điểm “ba mặt giáp sông, một mặt giáp biển”, phía Bắc và phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và phía Tây giáp TP Cần Thơ, phía Nam và Đông Nam giáp biển Đông. Sự hiện diện của sông Tiền, sông Hậu cùng hệ thống nhánh sông phụ như Cổ Chiên, Ba Lai, Hàm Luông, Măng Thít… cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của tỉnh trong việc liên kết giao thông đường thủy và tương tác kinh tế trong vùng.

Đáng lưu ý, tỉnh Vĩnh Long có đường bờ biển dài hơn 130km, bao gồm các cửa sông quan trọng như: Định An, Cung Hầu, Ba Lai. Điều này mở ra khả năng lớn trong phát triển kinh tế biển, logistics, cảng biển, điện gió và đồng thời tái định vị chiến lược toàn vùng ven biển ĐBSCL. Tổng thể, với không gian địa lý rộng, vị trí trung tâm và sự đa dạng sinh thái- dân cư- nguồn lực, tỉnh Vĩnh Long sẽ có nhiều cơ hội để vươn lên trở thành trung tâm mới của ĐBSCL trong giai đoạn phát triển bền vững và hội nhập sau này.

ThS Nguyễn Tiến Hưng (ĐH Massey, New Zealand) cho biết, theo nghiên cứu, phân tích chuyên sâu, nhóm tư vấn đề xuất 11 nhóm tiềm năng, lợi thế của tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, có 5 nhóm rất tiềm năng gồm: kinh tế biển; logistics và giao thông thủy; tài nguyên nước và thủy lợi; nông nghiệp, chế biến và xuất khẩu; công nghiệp và năng lượng sạch. Có 6 nhóm tiềm năng là du lịch sinh thái, văn hóa; nguồn nhân lực, giáo dục; chuyển đổi số, thương mại điện tử; giống cây trồng, vật nuôi; trung tâm sản xuất, sửa chữa và bảo trì turbine gió và điện mặt trời.

“Về kinh tế biển, Vĩnh Long sở hữu đường bờ biển dài hơn 130km, tiếp giáp Biển Đông qua các huyện ven biển Thạnh Phú và Duyên Hải. Khu vực này quy tụ các cửa sông lớn như Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Định An- những cửa sông này là tiềm năng chiến lược cho phát triển cảng biển, logistics ven biển và nuôi trồng thủy sản quy mô lớn. Các khu đất ven biển, vùng đầm mặn và bãi bồi rất phù hợp cho điện gió ngoài khơi và tiềm năng phát triển điện mặt trời trong các trang trại”- ThS Nguyễn Tiến Hưng lập luận.

Trong khi đó, tiềm năng phát triển giao thông thủy và logistics có lợi thế là hệ thống sông ngòi chằng chịt bao phủ khắp 3 tỉnh là một lợi thế cao về giao thông thủy, có tiềm năng khai thác vận chuyển hàng hóa rẻ và khối lượng lớn. Các tuyến giao thông đường bộ như QL60, QL53 và các dự án cầu Đại Ngãi, cầu vào khu kinh tế Định An sẽ tăng khả năng kết nối liên vùng. Vĩnh Long hoàn toàn đủ điều kiện trở thành trung tâm logistics của khu vực.

“Năng lượng tái tạo và điện mặt trời và turbine điện gió, khu vực biển của Vĩnh Long nằm trong khu vực có bức xạ mặt trời cao nhất khu vực (4,8-5,1 kWh/m2/ngày) và tiềm năng gió ngoài khơi lớn. Vĩnh Long sẽ có điều kiện phát triển điện mặt trời áp mái (nhà dân, nhà xưởng, trang trại), điện mặt trời kết hợp nông nghiệp và điện gió ven biển. Ngoài ra, tỉnh có thể quy hoạch cụm công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp, bảo trì turbine điện gió và hệ thống lưu trữ năng lượng”- ThS. Nguyễn Tiến Hùng cho biết.

Kỳ vọng phát huy tiềm năng, thế mạnh

Tỉnh Vĩnh Long nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, giữa sông Tiền và sông Hậu, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đáp ứng tốt nhu cầu phát triển. Kết nối với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bằng các tuyến giao thông huyết mạch quan trọng kết nối thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển du lịch, thương mại, hợp tác đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Lê Quốc Viễn (ngụ xã Càng Long), tỉnh Vĩnh Long thật sự mở ra một không gian phát triển mới rộng lớn hơn, nhiều lĩnh vực hơn. Đặc biệt là sự lãnh đạo của chính quyền sẽ tập trung hơn sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế cho tỉnh. “Việc thành lập tỉnh Vĩnh Long mới không chỉ được xem là một bước ngoặt lớn về sự thay đổi địa giới hành chính, mà còn là bước tiến, tầm nhìn của chính quyền trong việc tập trung phát triển kinh tế trong tương lai”- ông Viễn nhận xét.

Trong khi đó, Sư cả, Thượng tọa Kim Tuệ- Trụ trì chùa Phướng (phường Nguyệt Hóa) chia sẻ, việc sáp nhập không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính mà còn là điều kiện để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, kết hợp thành một tiềm năng lớn hơn. “Chúng tôi luôn tuyên truyền để đồng bào, phật tử hiểu rõ về những chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước, từ đó đồng bào dân tộc càng thêm tin tưởng. Việc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Long mới không chỉ phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội, mà còn làm tăng tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc”- Thượng tọa Kim Tuệ cho biết.

Là chủ cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch ở khu vực biển Ba Động (phường Trường Long Hòa), anh Trương Thanh Bình cho biết, bản thân là chủ cơ sở kinh doanh nên nhận thấy việc sáp nhập sẽ góp phần thúc đẩy thu hút du khách, nhất là du khách trong tỉnh. Anh Bình cũng rất kỳ vọng vào tỉnh mới sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư vào khu vực du lịch biển nhằm tạo không gian du lịch, văn hóa cũng như thúc đẩy kinh tế du lịch của địa phương. “Rất mong chính quyền các cấp quan tâm đầu tư hơn nữa về điều kiện cơ sở hạ tầng, giao thông, tập trung quảng bá để du lịch biển của tỉnh ngày càng phát triển, tạo được tiếng vang trong khu vực”- anh Bình cho biết.

Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Long sẽ có khoảng 15.500 doanh nghiệp (DN). Với vị trí địa lý là trung tâm của ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long sẽ tạo ra dư địa phát triển rất lớn cho cộng đồng DN của tỉnh. Theo ông Nguyễn Tấn Thụ- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long, đứng trước cơ hội lớn và động lực mới, các DN sẽ tăng cường hợp tác và kết nối giao thương. Cộng đồng doanh nhân, DN rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính để đảm bảo hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), Vĩnh Long mang trong mình tiềm năng vươn lên trở thành một trung tâm phát triển đa ngành, đa vùng của miền Tây Nam Bộ. Việc phát triển tỉnh trong tương lai đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa quy hoạch khoa học, chính sách linh hoạt và sự đồng thuận xã hội, qua đó đóng góp tích cực vào chiến lược phát triển quốc gia trong giai đoạn tới.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh: Tỉnh Vĩnh Long cần phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp- công nghiệp chế biến- xuất khẩu, kết hợp với chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản phẩm OCOP và thương mại điện tử nông sản. Xây dựng cơ chế tài chính đặc thù để huy động đầu tư công- tư, tạo quỹ đất sạch, phát hành trái phiếu địa phương và thu hút DN chiến lược trong các lĩnh vực trụ cột.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh cũng có một số khuyến nghị Vĩnh Long cần ban hành quy hoạch tích hợp vùng hậu sáp nhập theo hướng không gian mở, liên kết chức năng- ngành- địa phương, trong đó xác lập rõ vai trò trung tâm vùng và định hướng các cụm phát triển theo tiểu vùng sinh thái và hành lang kinh tế. Đồng thời đầu tư trọng điểm vào hạ tầng giao thông và logistics liên vùng, đặc biệt là các tuyến ven biển, cầu vượt sông, cảng nước sâu và trung tâm logistics nội địa, nhằm nâng cao khả năng kết nối và giảm chi phí giao thương.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

 

 

Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/kinh-te/202507/kinh-te-vinh-long-ky-vong-phat-trien-manh-1d913a2/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội
Hơn 18.000 ngôi chùa cả nước cử chuông trống bát nhã cầu quốc thái dân an sáng nay

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm