Dù xa xôi về mặt địa lý, khác nhau về đặc điểm chính trị, song Morocco và Việt Nam lại có sự gần gũi, tương đồng trong bối cảnh lịch sử, đời sống xã hội. Chính từ những mối duyên đặc biệt trong quá khứ, nhiều thập kỷ qua, hai quốc gia đã có một quá trình gắn bó, hợp tác, tạo tiền đề cho những phát triển sâu rộng hơn trong tương lai.
Tương đồng từ đặc điểm lịch sử
Cũng giống như Việt Nam, Morocco từng là nước thuộc địa của Pháp, được đặt dưới chế độ bảo hộ. Trong bối cảnh trên, quốc gia châu Phi này đã có những phong trào đấu tranh giành tự do, độc lập. Nhiều chuyên gia lịch sử cho rằng, thời kỳ này, một số nhà lãnh đạo cách mạng Morocco và Việt Nam đã có sự trao đổi thư từ để thảo luận phương pháp đấu tranh nhằm thoát khỏi ách áp bức.
Chung hoàn cảnh, nhiều chiến sĩ cách mạng Morocco đã mạnh mẽ bày tỏ sự ủng hộ cách mạng Việt Nam cả trước và sau khi giành được độc lập năm 1945, tiếp đó tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo TS Lê Phước Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam-Morocco, năm 1961, trong bối cảnh tình hình chia phe giữa chủ nghĩa xã hội và tư bản trên thế giới đã rất rõ rệt, Morocco không phải là một nước nằm trong khối xã hội chủ nghĩa, song đã sớm đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đây là điều rất đáng trân trọng.
Theo các phân tích chuyên môn, Morocco có thể nói là quốc gia đầu tiên ở châu Phi đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hầu hết các quốc gia tại “lục địa đen” hoặc khu vực Trung Đông thiết lập quan hệ với nước ta khoảng 40 năm trở lại đây, sau khi Mỹ rút khỏi Việt Nam và nước ta giành độc lập, thống nhất hoàn toàn.
Nhìn lại những dấu mốc lịch sử, năm 1954, thắng lợi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của Việt Nam ở Điện Biên Phủ còn có ý nghĩa đặc biệt với nhiều quốc gia châu Phi, trong đó có Morocco. Sự kiện đã tạo nên “cảm hứng Điện Biên Phủ”, được coi là “điểm khởi đầu của một cuộc chiến đấu mới để tự giải phóng... hoàn toàn” của nhân dân các nước châu Phi. Các nước thuộc địa của Pháp tại châu Phi, trong đó nổi bật nhất là Algeria đã vùng lên kháng chiến, đấu tranh vũ trang giành độc lập. TS Lê Phước Minh kể, tôi được nghe, nhiều lần khi xung trận, các chiến sĩ đã hô vang: Điện Biên Phủ! Nhiều người cao tuổi ở Morocco khi nhắc đến Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp…, họ đều cảm kích. Trước những động thái mạnh mẽ đó, thực dân Pháp đã phải trao trả độc lập cho Tunisia và Morocco năm 1956… Tiếp đến, năm 1962, Algeria giành độc lập.
Sau thời kỳ kháng chiến, Việt Nam và Morocco tiếp tục củng cố mối quan hệ thân tình. Năm 2005-2006, bằng việc mở cửa các cơ quan đại diện ngoại giao của Morocco tại Hà Nội và Việt Nam tại Rabat, hai quốc gia thêm xích lại gần nhau về mặt ngoại giao, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ song phương, hiện được thúc đẩy bằng các chuyến thăm chính thức cấp cao, việc ký kết các thỏa thuận hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong các tổ chức quốc tế. Cả hai nước đều mong muốn vượt ra ngoài những tương tác mang tính nghi thức thông thường bằng cách khai thác những lợi ích chung mới. |
Nét gần gũi của hai dân tộc
Những nhận xét của ngài Jamale Chouaibi, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Morocco tại Việt Nam trong một sáng bên hồ Tây khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn sự gần gũi nhìn từ góc độ văn hóa - xã hội và truyền thống dân tộc. Ngài Jamale Chouaibi nói, hai nước có rất nhiều điểm chung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hòa nhập giữa hai cộng đồng: người Việt Nam tại Morocco và ngược lại. “Điểm chung đầu tiên là yếu tố gia đình. Tôi nhận thấy rằng cả người Việt Nam cũng như người Morocco đều vô cùng coi trọng gia đình. Cần hiểu khái niệm gia đình ở đây không chỉ gói gọn trong một nhà gồm bố, mẹ, con cái, mà lớn hơn là cả tổ tiên, ông bà, họ hàng. Cũng như người Việt Nam, người Morocco cũng có những tục lệ, lễ hội nhằm thờ cúng, tưởng nhớ tổ tiên”, ngài Chouaibi nhấn mạnh.
Ngoài ra, sự cởi mở, hiếu khách hay tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cũng là những ưu điểm chung của nhân dân Việt Nam và Morocco. Chia sẻ một kỷ niệm về sự hiếu khách của người Morocco, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Morocco nhiệm kỳ 2020-2023 Đặng Thị Thu Hà cho biết: “Năm 2020, tôi lên đường sang Morocco nhận nhiệm vụ. Sau hai chuyến bay giải cứu công dân, tôi hạ cánh ở sân bay Fes. Mặc dù lúc đó là 2 giờ 30 phút sáng và sân bay Fes cách thủ đô Rabat tận hơn 200 km, cán bộ lễ tân của Bộ Ngoại giao Morocco và Giám đốc sân bay vẫn nhiệt tình đón tiếp chúng tôi với nụ cười trên môi”.
Việt Nam và Morocco cũng tương đồng về sự hòa hợp trong tính đa dạng. Đại sứ Chouaibi nhận thấy, Việt Nam là một đất nước có nhiều dân tộc và tôn giáo, dù vậy, người dân vẫn chung sống hòa hợp, đoàn kết. “Đây là điểm chung với Morocco. Chúng tôi đa dạng về văn hóa, về tôn giáo, về ngôn ngữ, song chúng tôi cũng luôn đề cao tính hòa hợp trong dân tộc, xã hội”, ngài Chouaibi chia sẻ. Đồng tình với quan điểm này, bà Đặng Thị Thu Hà cho biết, Morocco là quốc gia có tới 99% người dân theo đạo Hồi nhưng lại có một sự tôn trọng rất lớn đối với những khác biệt về tôn giáo và văn hóa, thậm chí người Morocco còn rất đam mê tìm hiểu các nền văn hóa và ủng hộ tích cực cho các hoạt động văn hóa nước ngoài tại đây.
Du khách chụp ảnh tại lăng vua Mohammed V - công trình nổi tiếng do kiến trúc sư gốc Việt Eric Võ Toàn thiết kế. Ảnh: NHÀ VĂN DI LI CUNG CẤP |
Cổng làng Việt Nam ở quốc gia châu Phi
Được biết, nhằm nhắc nhở các thế hệ người Việt nhớ về cội nguồn dân tộc Việt Nam và trách nhiệm vun đắp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, năm 2021, nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Morocco, Đại sứ quán Việt Nam đã quyết định vận động bà con kiều bào cùng nhau xây dựng “Cổng Việt Nam tại Morocco”, đặt tại làng Douar Sfari, hay còn gọi là “làng Việt Nam”, ở ngoại ô thành phố Kenitra của Morocco. Đây là công trình có ý nghĩa tương tự “Cổng Morocco tại Việt Nam” ở Ba Vì.
Bà Đặng Thị Thu Hà kể, sau một năm xây dựng, tháng 12/2022, công trình đã được hoàn thành. Ngày khánh thành cổng Việt Nam cũng là ngày những ngôi nhà của làng Việt Nam được khoác trên mình tấm áo mới nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc cử người đến dọn dẹp, sơn lại nhà cửa, tường rào. Các gia đình cũng tự trang trí nhà cho thêm phần rực rỡ. Trước đó, con đường vào làng còn gập ghềnh, khó đi. Nhưng sau khi chiếc cổng ra đời, chính quyền địa phương đã quyết định sửa sang và trải nhựa lại toàn bộ con đường vào làng với độ dài hơn 10 km. Hiện, Cổng Việt Nam không chỉ là công trình văn hóa cho cộng đồng người Việt mà đã trở thành điểm tham quan bổ ích cho nhiều người dân Morocco, là nơi tổ chức nhiều sự kiện. Giờ đây, hai chiếc cổng ở hai quốc gia: Cổng Morocco tại Ba Vì và Cổng Việt Nam tại Kenitra đã trở nên biểu tượng hữu nghị giữa hai nước.
Ngoài quá khứ chung, hay những nét tương đồng về văn hóa-xã hội đã đặt nền tảng cho sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, trong những năm qua, Việt Nam và Morocco cũng chia sẻ một số nguyên tắc cơ bản trong việc tiến hành quan hệ đối ngoại. Bất chấp khoảng cách địa lý, hai nước đã có thể xác định được những lĩnh vực bổ sung đầy hứa hẹn, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, công nghệ... Trong những năm qua, sự tương tác giữa hai nước đã tăng cường thông qua các chương trình đại học, học bổng, trao đổi thương mại, cùng các chuyến thăm chính thức và phổ thông khác.
Morocco và Việt Nam đang tiếp tục củng cố mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm lợi ích chung và tầm nhìn hiện đại về quan hệ quốc tế. Hằng năm, các cơ hội hợp tác, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, học thuật, văn hóa và lập pháp, ngày càng tăng lên, chứng tỏ sự phát triển không ngừng và tiềm năng phong phú của mối quan hệ song phương này.
Nhiều người Việt Nam cũng kể lại, khi họ đi du lịch tại Morocco, dù ở Rabat, Casablanca hay những vùng nông thôn, người dân Morocco đều chào đón họ nồng nhiệt. Khi biết là người Việt Nam, nhiều người Morocco thậm chí reo lên rằng: “Việt Nam! Hồ Chí Minh!”. |
(Còn nữa)
Theo Báo Nhân dân
https://nhandan.vn/moi-quan-he-gan-bo-huu-nghi-ky-2-post860726.html
Nguồn: https://thoidai.com.vn/ky-2-gan-gui-hai-nuoc-tu-hai-chau-luc-210379.html
Bình luận (0)