Chưa tương xứng với tiềm năng
Đánh giá về tiềm năng của công nghiệp văn hoá nước ta, Ths. Kiều Công Thược (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ĐT&PTtriển quỹ Khởi nghiệp sáng tạo – VNFUND) cho rằng: Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, từ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận đến các giá trị nghệ thuật, lịch sử và dân tộc. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và nhân lực hạn chế, phần lớn các địa phương chưa có đủ hạ tầng cần thiết để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong khi lực lượng lao động trong ngành vẫn còn thiếu kỹ năng và trình độ chuyên môn.
NSND Vương Duy Biên nhận định: Hiện nay, cả nước có khoảng 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sử dụng hơn 3 triệu lao động, đóng góp khoảng 7% GDP. Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã ban hành nghị quyết, chính sách riêng để hỗ trợ phát triển ngành.
Luật Thủ đô 2025 cũng lần đầu tiên xác lập những ưu đãi rõ ràng về thuế, đất đai, tài chính cho doanh nghiệp công nghiệp văn hóa – mở ra kỳ vọng lớn cho sự bứt phá. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn còn phân tán, manh mún và thiếu một đầu mối tổ chức có tầm vóc quốc gia.
Việt Nam bước vào thời kỳ phát triển mới với tầm nhìn đến năm 2045 – trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Trong tiến trình đó, phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là một xu thế, mà là yêu cầu cấp thiết. Công nghiệp văn hóa là nơi hội tụ giữa giá trị truyền thống – sáng tạo hiện đại – công nghệ số. Từ đây, bản sắc Việt Nam không chỉ được bảo tồn mà còn được lan tỏa, chuyển hóa thành sản phẩm có giá trị kinh tế, văn hóa và ngoại giao mềm.
Nói về tầm quan trọng của công nghiệp văn hoá trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Cảnh Bình (Chủ tịch Alpha Books) cho biết, công nghiệp văn hóa là nền tảng của nền kinh tế sáng tạo, nơi mà tri thức, cảm xúc và bản sắc được chuyển hóa thành giá trị hữu hình – không chỉ về kinh tế, mà còn về tầm ảnh hưởng quốc gia, và mở đường, hậu thuẫn tuyệt vời cho các lĩnh vực khác.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã xác lập vị trí trên bản đồ toàn cầu không chỉ qua công nghệ hay tài chính, mà nhờ vào điện ảnh, âm nhạc, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn, và các sản phẩm văn hóa khác. Các sản phẩm văn hóa đại chúng chỉ thực sự có chiều sâu và sức sống toàn cầu khi được xây dựng từ một nền móng tri thức, văn hóa vững chắc.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn là yêu cầu cấp thiết. Công nghiệp văn hóa không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Đây cũng là ngành giúp lưu giữ, truyền bá và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại số hóa, từ đó nâng cao vị thế quốc tế, thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế toàn cầu – ông Kiều Công Thược cho biết.
Không thể chỉ đặt trên đôi vai nghệ sĩ
NSND Vương Duy Biên cũng nhấn mạnh việc các nghệ sĩ sáng tạo muốn tiến đến công nghiệp văn hoá, không chỉ hoạt động đơn lẻ: "Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ không thể phát triển nếu chỉ đặt trên đôi vai nghệ sĩ. Nó cần được nâng đỡ bởi doanh nhân sáng tạo, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia công nghệ, nhà quản lý giỏi… và cả sự tham gia của cộng đồng".
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Cảnh Bình cũng nhận định, công nghiệp văn hóa cần những người biết làm văn hóa – những doanh nhân và nhà tổ chức có năng lực lãnh đạo và năng lực sáng tạo. Lâu nay, văn hóa – nghệ thuật chủ yếu được đặt trong tay các nghệ sĩ, diễn viên, nhà văn – những người sáng tạo ra giá trị tinh thần.
Do đó, theo NSND Vương Duy Biên việc ra đời của Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam là một "bệ đỡ" cần thiết. Ông cũng tin rằng, Hiệp hội là nơi quy tụ tất cả – một liên minh sáng tạo Việt Nam, nơi mà nghệ thuật – tri thức – công nghệ – thị trường cùng chung tay vì một mục tiêu: Phát triển công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột kinh tế và năng lực mềm quốc gia.
Để phát triển ngành công nghiệp văn hóa – đúng nghĩa là một “ngành công nghiệp” – thì cần sự tham gia mạnh mẽ hơn của những doanh nhân có năng lực tổ chức, có tri thức, có văn hóa nhưng hơn hết là những người có khả năng xây dựng mô hình kinh doanh và lãnh đạo hệ sinh thái sáng tạo. Họ là những người biết biến tri thức thành sản phẩm, biến cảm hứng thành thị trường, và kết nối các nguồn lực thành giá trị lan tỏa – ông Nguyễn Cảnh Bình nhấn mạnh.
Ngay sau khi được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam, NSND Vương Duy Biên cho biết, từ năm 2025–2030, Hiệp hội xác định 5 trọng tâm hành động, đó là: Phát triển nhân lực văn hóa – nghệ thuật – sáng tạo: phối hợp với các trường, viện và doanh nghiệp để đào tạo hàng ngàn giáo viên, nghệ sĩ, nhà thiết kế, nhà tổ chức, lập trình viên, kỹ sư văn hóa số...
Tiếp đến là thành lập các Trung tâm công nghiệp văn hóa địa phương, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Ninh Bình, Lâm Đồng – nơi có tiềm năng di sản, nghệ thuật truyền thống và không gian sáng tạo mạnh mẽ.
Cùng với đó là xây dựng “Bản đồ dữ liệu văn hóa Việt Nam”: kết nối bảo tàng, thư viện, xuất bản, di sản… thành nguồn dữ liệu mở phục vụ sản xuất phim, game, âm nhạc.
Song song với đó là tổ chức các sự kiện giao lưu quốc tế quy mô lớn: Liên hoan phim, âm nhạc, thời trang, thiết kế, mỹ thuật; đưa nghệ sĩ Việt ra thế giới, đón nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam.
Và một trong những điểm nhấn trong trọng tâm hành động của Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam trong khoảng thời gian 5 năm tới là xây dựng quỹ đầu tư cho công nghiệp văn hóa, phối hợp cùng các quỹ sáng tạo, nhà tài trợ, doanh nghiệp công nghệ và nhà nước.
Có mặt tại Đại hội thành lập của Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Văn hóa Việt Nam, nhiều đại biểu đã bày tỏ niềm vui cũng như kỳ vọng vào việc xây dựng quỹ đầu tư cho công nghiệp văn hoá. Đây sẽ là cơ hội để những ý tưởng có tiềm năng, vượt qua rào cản về nguồn vốn và trở thành sản phẩm công nghiệp văn hoá thực thụ trong tương lai.
Nguồn: https://baovanhoa.vn/van-hoa/ky-vong-vao-quy-dau-tu-cho-cong-nghiep-van-hoa-152327.html
Bình luận (0)