Các đại biểu tham quan trưng bày - Ảnh: T.ĐIỂU
Trưng bày giới thiệu hơn 300 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu, kể câu chuyện đất nước từ sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954 bị chia cắt thành hai miền, cho tới ngày thống nhất đất nước năm 1975.
Lần đầu trưng bày những kỷ vật trong kháng chiến chống Mỹ của hai vị tướng
Tại trưng bày, chiếc áo khoác của Đại tướng Văn Tiến Dũng thu hút nhiều người quan tâm. Đây là chiếc áo đã đồng hành cùng Đại tướng trên khắp các mặt trận chiến trường với vai trò là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chiếc áo tiếp tục gắn bó với Đại tướng trong cuộc sống hằng ngày sau khi hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Bảo tàng Hồ Chí Minh đánh giá chiếc áo khoác không chỉ là một hiện vật mang dấu ấn cá nhân, mà còn là biểu tượng cho phẩm chất giản dị, tinh thần trách nhiệm và bản lĩnh của một vị tướng gắn bó trọn đời với cách mạng.
Áo khoác Đại tướng Văn Tiến Dũng dùng trong kháng chiến chống Mỹ và sau hòa bình - Ảnh: T.ĐIỂU
Trưng bày còn giới thiệu tới người xem mặt đồng hồ đeo tay Đại tướng Lê Đức Anh sử dụng trong thời kỳ kháng chống Mỹ cứu nước.
Theo lời kể của Đại tướng, chiếc đồng hồ này được ông đem theo bên mình trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ đầy khó khăn gian khổ. Đồng hồ cũng cùng Đại tướng chứng kiến những giờ phút lịch sử, thời khắc chiến thắng vinh quang của quân dân ta.
Chiếc đồng hồ được Đại tướng Lê Đức Anh tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2013.
Đây cũng là lần đầu tiên hiện vật này được giới thiệu tại trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Mặt đồng hồ Đại tướng Lê Đức Anh sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh: T.ĐIỂU
Hình ảnh tư liệu "Mệnh lệnh lịch sử cho ngày toàn thắng" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng được giới thiệu lần này.
Đây là mật lệnh mà ngày 7-4-1975, tại Tổng hành dinh Sở Chỉ huy chiến dịch - Nhà D67, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tự tay thảo gửi các cánh quân với nội dung:
"1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.
2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ".
Bên dưới ký một chữ Văn, đề ngày 7-4-1975. Bức điện ngay lập tức được giao Ban Cơ yếu mã hóa và được truyền tải tới chỉ huy các cánh quân tham gia giải phóng miền Nam.
Sau đó, Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời "Hịch tướng sĩ" của thế kỷ XX.
Và bức tranh Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vẽ bằng máu của họa sĩ Lê Duy Ứng làm xúc động người xem.
Năm 1975, chỉ ít ngày trước khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, trong một cuộc chiến khốc liệt ở cửa ngõ Sài Gòn, họa sĩ Lê Duy Ứng đã bị thương nặng, hỏng đôi mắt.
Trong những phút tỉnh táo trước khi ngất đi vì vết thương quá nặng, họa sĩ Lê Duy Ứng đã lấy máu từ đôi mắt của mình để vẽ nên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Thần tốc, thần tốc hơn nữa" - Ảnh: T.ĐIỂU
Bộ complê của chiến sĩ Biệt động Sài Gòn và chiếc hộp xà phòng Mỹ bí ẩn
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh những trận đánh oanh liệt nơi chiến trường, có một mặt trận thầm lặng nhưng không kém phần quan trọng - đó là cuộc đấu tranh trong lòng đô thị miền Nam.
Một trong những hiện vật minh chứng tiêu biểu cho tinh thần mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ hoạt động trong lòng Sài Gòn là chiếc vỏ hộp xà phòng Mỹ được bà Lê Thị Nuôi - cán bộ công tác tại nhà in bí mật số 157 Nguyễn Trãi, Sài Gòn - sử dụng để vận chuyển tài liệu đi khắp nơi.
Chiếc vỏ hộp xà phòng Mỹ có nhãn hiệu "Tide XK", được làm từ bìa giấy. Trong thời gian công tác ở bộ phận phát hành tại nhà in bí mật 157 Nguyễn Trãi, bà Lê Thị Nuôi đã mua những hộp xà phòng còn mới của Mỹ rồi lấy hết xà phòng trong đó ra để đựng tài liệu của nhà in, mang đi phát hành cho các cơ sở.
Hộp xà phòng Mỹ bà Lê Thị Nuôi dùng đựng tài liệu bí mật mang đến các cơ sở cách mạng - Ảnh: T.ĐIỂU
Trong những ngày lễ tang Bác Hồ, bà Nuôi đã dùng những chiếc vỏ hộp này để phát hành những tài liệu như Di chúc của Hồ Chủ tịch, Điếu văn của Tổng Bí thư Lê Duẩn và nhiều văn kiện quan trọng khác.
Trưng bày còn có bộ complê của ông Bùi Văn Chiếu, chiến sĩ biệt động Sài Gòn.
Đây là bộ complê mà ông Chiếu đã dùng khi hoạt động cách mạng, trong đó có trận đánh Tổng Nha Cảnh sát ngày 16-8-1965.
Ngày 5-6-1992, ông Chiếu đã tặng lại bộ complê cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Bộ complê của ông Năm Chiếu, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Ảnh: T.ĐIỂU
Nguồn: https://tuoitre.vn/lan-dau-trung-bay-ao-khoac-cua-dai-tuong-van-tien-dung-mac-trong-khang-chien-chong-my-20250427194956661.htm
Bình luận (0)