Các bé Trường Mầm non Ngọc Lan được các cô cho trải nghiệm bơi thúng rừng dừa bảy mẫu vừa nghe hát dân ca Quảng Nam trong hoạt động dạy học. Ảnh: ĐOÀN HẠO LƯƠNG |
Nuôi dưỡng nhân cách con người
Theo nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố, văn hóa, văn nghệ dân gian là các loại hình văn hóa của cộng đồng, do nhân dân sáng tạo ra và trao truyền cho các thế hệ từ đời này sang đời khác bằng hình thức truyền miệng, truyền dạy thực hành... Các thành tố văn hóa dân gian bao gồm nhiều thể loại khác nhau như truyền thuyết, thần thoại, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn; các kiểu thức kiến trúc dân gian cổ truyền, hay các trò chơi, nghề và làng nghề truyền thống; các phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng; các diễn xướng âm nhạc, nghệ thuật dân gian như hô bài chòi, hát bả trạo, hò khoan đối đáp, hát sắc bùa...
“Sự hình thành đạo đức, nếp sống, lối sống của con người thông qua môi trường của gia đình, cộng đồng nhóm trong xã hội, nhà trường, hệ thống thông tin đại chúng... Trẻ con khi mới sinh ra nếu được nghe những bài hát ru, những câu ca dao mang tính giáo dục thì từ từ sẽ ngấm và đi theo đến hết cuộc đời. Việc ứng xử trong gia đình, cộng đồng nhóm xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển một con người. Các ứng xử tuân theo một quy tắc, chuẩn mực tạo thành khuôn mẫu ứng xử. Đồng thời thông qua các khuôn mẫu ứng xử, sẽ tăng cường khả năng quản lý các thành viên, quản lý xã hội”, bà Trang chia sẻ.
Với ý nghĩa quan trọng này, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố thường xuyên đưa loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian vào các hoạt động trong nhà trường. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan, cho biết hoạt động văn nghệ, ẩm thực dân gian luôn được nhà trường quan tâm cho trẻ vừa học vừa chơi. Chẳng hạn như các cô cho các bé trải nghiệm bơi thúng rừng dừa bảy mẫu vừa nghe hát dân ca Quảng Nam. Trong hoạt động giáo dục âm nhạc, các cô hát cho các bé nghe các bài hát mang âm hưởng dân ca và nghe thổi sáo giai điệu bài hát đó.
“Hoạt động dân gian luôn được giáo viên nhà trường lồng ghép vào các hoạt động học một cách hợp lý và uyển chuyển, không chỉ giúp làm phong phú nội dung học, mà còn giúp các bé hứng thú hơn, nhớ sâu và kỹ nội dung học. Bên cạnh đó còn làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trong tâm hồn các bé, giúp các bé lớn lên mỗi ngày trong vui vẻ, khỏe mạnh nhưng vẫn nuôi dưỡng nét đẹp văn hóa vùng miền nơi bé đang sống”, cô Trâm nhấn mạnh.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, cho biết nhà trường thường xuyên khuyến khích học sinh đưa thể loại dân gian vào các tiết mục văn nghệ dưới cờ, văn nghệ mừng Đảng - mừng Xuân. Trung bình mỗi tuần có 1 đến 2 lớp diễn tiết mục văn nghệ dân gian.
“Việc khuyến khích đưa các tiết mục văn nghệ dân gian, ngoài việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhà trường còn mong muốn tất cả học sinh cùng hướng về cội nguồn và càng hiểu hơn những giá trị độc đáo trong văn hóa cổ truyền dân tộc. Đây cũng là một trong những tiêu chí trong công tác giáo dục năng lực, phẩm chất cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô Nguyệt chia sẻ.
Đưa hoạt động văn hóa dân gian vào khai thác du lịch
Mỗi lễ hội không chỉ là dịp để vui chơi, mà còn là cách người dân địa phương thể hiện những giá trị văn hóa, tôn vinh lịch sử và truyền thống lâu đời của dòng họ. Hiện nay trên địa bàn thành phố còn gìn giữ và bảo tồn nhiều đình làng, đền thờ, miếu mạo; đây là nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của địa phương. Những yếu tố này tạo nên sự đặc biệt để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian.
Điển hình là lễ hội Bửu đản Thánh mẫu Đệ Tam Thoải Cung tại Tam giang Thánh điện ở quận Cẩm Lệ. Lễ hội năm nay kéo dài từ ngày 19 đến 21-3, gồm các nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động hội. Ngoài nghi lễ chánh tế, lễ hội còn tổ chức cắm trại hầu hội, rước kiệu tuần du trên bộ và thi trang trí lều trại, viết thư pháp nghệ thuật, liên hoan nghệ thuật quần chúng, thi ảnh đẹp.
Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao như vẽ tranh, kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, đua thuyền truyền thống trên sông Cẩm Lệ. Ông Ngô Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, lễ hội là một trong những sự kiện văn hóa tín ngưỡng được tổ chức hằng năm của địa phương. Thông qua lễ hội, địa phương mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương.
Năm nay quận Cẩm Lệ tổ chức lễ hội làng Khuê Trung và giỗ Tiền hiền, kéo dài từ ngày 11 đến 13-4 với nhiều nghi lễ truyền thống như: lễ tiên thưởng tại nhà thờ Tiền hiền, lễ tế tại miếu Bà, lễ cúng Thành hoàng, lễ giỗ Tiền hiền... Trong phần hội có diễn văn nghệ, hội trại và thi nấu bánh chưng, trang trí lều trại, nhảy bao bố, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, đập om đất, cờ tướng, nhảy dây đoàn kết, bánh xe thần tốc, têm trầu, cắm hoa, chưng quả, gói bánh chưng, diễn bài chòi...
Nhiều lễ hội đình làng trên địa bàn thành phố vẫn còn lưu giữ các hoạt động văn hóa dân gian trong các lễ hội chính như lễ hội đình làng Thạc Gián, lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội cầu ngư Thanh Khê, Sơn Trà… Nhờ đó, các lễ hội đình làng trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của bà con dân làng, là sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu của địa phương.
Đây cũng là dịp để người dân địa phương và du khách tiếp cận cội nguồn lịch sử và tỏ lòng tri ân những người đã có công khai canh, khai cư, lập ấp. Qua đó đề cao giá trị cố kết cộng đồng, phát huy tinh thần đoàn kết nhằm góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, từ đó đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5414/202504/lan-toa-van-hoa-van-nghe-dan-gian-vao-doi-song-4005798/
Bình luận (0)