Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vun đắp cho sự nghiệp 'trồng người'

Thành phố Đà Nẵng tập trung nguồn lực chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nhiều chủ trương, chính sách nhân văn, trường lớp được xây dựng, nâng cấp khang trang, tạo ra môi trường học tập thân thiện, lý tưởng, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội học tập.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng26/04/2025

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (thứ 3, bên phải sang) thăm, tặng quà trẻ em đang học tập tại Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky Đà Nẵng nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: KHÔI NGUYÊN
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi (thứ 3, bên phải sang) thăm, tặng quà trẻ em đang học tập tại Trung tâm Chăm sóc và giáo dục mầm non OneSky Đà Nẵng nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo

Thành phố ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục và đào tạo, từ khâu xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, đến xây dựng các chính sách để phát triển giáo dục. Trong đó, cơ sở vật chất trường lớp học được ưu tiên đầu tư, nổi bật là đề án xây dựng nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn đầu tư 4.399 tỷ đồng. Đến nay, hơn 70 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo môi trường học tập tiện nghi, xanh, sạch, đẹp cho giáo viên, học sinh.

Công trình Trường Mầm non Cẩm Vân (quận Hải Châu) vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2025. Cô Võ Thị Mỹ Diệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước đây trường nằm trong kiệt hẻm, cơ sở vật chất không bảo đảm theo tiêu chuẩn; được sự quan tâm của UBND thành phố và UBND quận Hải Châu, trường được đầu tư xây mới tại đường Phan Châu Trinh, với kinh phí 30,6 tỷ đồng, quy mô 4 tầng, 12 phòng học và nhiều phòng chức năng.

“Cô và trò nhà trường rất vui mừng, hạnh phúc khi được giảng dạy, học tập trong ngôi trường mới, khang trang. Đây là động lực để giáo viên, học sinh nâng cao chất lượng dạy và học; đồng thời mang lại sự yên tâm cho phụ huynh khi con em học tập tại đây”, cô Diệp chia sẻ.

Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tư cho giáo dục và đào tạo đứng đầu cả nước. Giai đoạn 2013-2022, thành phố chi hơn 3.846 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục và đào tạo.

Những năm trở lại đây, thành phố dành hơn 2.000 tỷ đồng/năm cho ngành giáo dục và đào tạo, chiếm khoảng 30% chi thường xuyên của toàn thành phố. Đặc biệt, thành phố cũng tiên phong trong triển khai chính sách miễn giảm học phí cho học sinh 4 năm liên tiếp, giúp nhiều phụ huynh giảm bớt gánh nặng về tài chính, nhất là đối với những gia đình đông con.

Đáp ứng yêu cầu đổi mới

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hơn 10 năm qua, thành phố chú trọng đề ra nhiều chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Lãnh đạo thành phố luôn quan tâm chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, tổ chức đánh giá việc triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án về đổi mới giáo dục và đào tạo theo từng giai đoạn.

Các trường trên địa bàn thành phố có nhiều đổi mới trong phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học; đổi mới nội dung, phương thức đánh giá học sinh; tăng cường kỹ năng thực hành, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo triển khai nhiều biện pháp quản lý, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học tại các nhà trường. Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục được trang bị phòng máy tính, máy chiếu tương đối đầy đủ phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; các trường phổ thông sử dụng phần mềm sổ điểm điện tử, cộng tính điểm, tuyển sinh trực tuyến, thiết kế bài giảng điện tử.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm qua, thành phố quan tâm hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, có nhiều chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo. Công tác quản lý giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới và bảo đảm dân chủ, thống nhất. Ngành giáo dục và đào tạo đẩy mạnh phân cấp tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Phương pháp, hình thức thi, kiểm tra và đánh giá kết quả dạy và học có nhiều đổi mới và bảo đảm tính trung thực, khách quan.

Qua đó, tạo được chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ nhà giáo đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nhờ sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhiều năm qua, học sinh thành phố giành được nhiều giải thưởng cao tại các kỳ thi trong nước và quốc tế. Riêng tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024-2025, Đà Nẵng có 70 thí sinh đoạt giải, tỷ lệ 65,4%. Trong đó, có 8 học sinh có kết quả cao, bước vào vòng 2 để chọn tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Kết quả, có 2 học sinh lọt vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương. Trước đó, năm 2023, Đà Nẵng có 1 học sinh tham dự kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương và đoạt huy chương Đồng.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202504/vun-dap-cho-su-nghiep-trong-nguoi-4005799/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm