Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 12 năm triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Ba Tơ đã chuyển mình mạnh mẽ. Những tuyến đường bê tông nối dài đến tận thôn, xóm; nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được nhân rộng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao... như minh chứng cho hiệu quả của một chương trình mang ý nghĩa lớn lao.

Báo Quảng NgãiBáo Quảng Ngãi26/04/2025

Đổi mới tư duy sản xuất

Là huyện miền núi, Ba Tơ có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, nhiều năm trước, do tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất kém hiệu quả nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, huyện Ba Tơ đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ngoài trồng rừng, gia đình anh Võ Thành Thái, ở xã Ba Động (Ba Tơ), còn đầu tư ươm keo giống bán cho người dân địa phương.
Ngoài trồng rừng, gia đình anh Võ Thành Thái, ở xã Ba Động (Ba Tơ), còn đầu tư ươm keo giống bán cho người dân địa phương.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Ba Tơ khuyến khích các chủ thể đầu tư phát triển các sản phẩm có thế mạnh xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm đạt OCOP. Qua triển khai, đến nay, trên địa bàn huyện có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP gồm 8 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao. Trên địa bàn huyện xây dựng được 1 vùng sản xuất lúa rẫy tại xã Ba Tô, với diện tích 15ha, đạt chứng nhận VietGAP; xây dựng hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với 2 vùng sản xuất lúa thuần tại xã Ba Vinh và Ba Điền.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ba Tơ Nguyễn Thị Vân, người dân đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chủ động áp dụng các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Trong đó, người dân chấp hành khá tốt khuyến cáo về lịch thời vụ, kỹ thuật sản xuất... của cơ quan chức năng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi; đồng thời, dần thay đổi tập quán canh tác của đồng bào dân tộc Hrê.

Đến nay, người dân đã dần thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất nông nghiệp như gieo trồng đúng lịch thời vụ, áp dụng quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Điển hình là các mô hình: Nuôi dúi sinh sản, nuôi cầy vòi hương sinh sản, nuôi hươu sao sinh sản, trồng nấm sò... mang lại nhiều triển vọng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương.

Nếu như trước đây, người dân chỉ phát triển kinh tế quy mô gia đình, thì nay xuất hiện ngày càng nhiều gia trại, trang trại sản xuất tổng hợp ruộng - vườn - chăn nuôi - rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Người dân đã chú trọng chăn nuôi bò lai Sind; cải tiến giống bò ta theo hướng bò lai Zêbu; cải tạo đàn trâu bản địa... Năm 2024, đàn trâu của huyện Ba Tơ có 28,5 nghìn con, đàn heo 31,3 nghìn con, đàn bò 5.323 con; tỷ lệ bò lai chiếm 77%. “Được cán bộ huyện, xã hướng dẫn cách chăn nuôi mới, cấp giống trâu tốt, nên tôi có điều kiện nâng số lượng trâu trong đàn. Nhờ đó, mỗi năm gia đình tôi bán vài con trâu, đủ tiền trang trải cho gia đình”, chị Phạm Thị Sung, ở xã Ba Tiêu, phấn khởi nói.

Mô hình nuôi cá và ốc bươu đen của gia đình ông Phạm Văn Đá, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ).
Mô hình nuôi cá và ốc bươu đen của gia đình ông Phạm Văn Đá, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ).

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình khó khăn ở huyện Ba Tơ, nhất là đồng bào dân tộc Hrê có được nguồn vốn phát triển kinh tế bền vững. Các mô hình trồng keo kết hợp chăn nuôi giúp nông dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nhiều hộ gia đình tận dụng đất đai sẵn có cùng với sức lao động và sự sáng tạo đã đầu tư phát triển kinh tế rừng, trồng keo, mì và kết hợp với chăn nuôi... Điển hình như mô hình vườn, ao, chuồng, rừng của gia đình ông Phạm Văn Đá, ở thị trấn Ba Tơ, cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Đá cho biết, từ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, tôi đầu tư đào ao nuôi cá diêu hồng, cá chim, nuôi chim bồ câu, ốc bươu đen... Mỗi năm, trừ chi phí, tôi có thu nhập 150 triệu đồng và trở thành một trong những mô hình phát triển bền vững ở huyện Ba Tơ.

Còn chị Võ Thị Hòa Thương, thôn Tân Long, xã Ba Động đã kết hợp trồng trọt, chăn nuôi heo, buôn bán nhỏ, đem lại thu nhập khá cho gia đình. Trong đó, vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô 200 con heo thịt/lứa; mỗi năm xuất bán trên 500 con. Sau khi trừ chi phí, vợ chồng chị Thương thu về trên 300 triệu đồng.

Phát huy thế mạnh xây dựng nông thôn mới

Để phát huy thế mạnh về diện tích đất đồi, rừng rộng lớn, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Tơ chỉ đạo tập trung trồng rừng nguyên liệu, nhất là chú trọng trồng cây gỗ lớn phục vụ chế biến lâm sản để phát triển kinh tế rừng bền vững. Năm 2024, diện tích rừng trồng tập trung của huyện ước đạt 7.980ha, sản lượng gỗ gần 1 triệu mét khối. Nhờ trồng rừng, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả và làm giàu.

Với lợi thế về rừng rộng lớn (hơn 4.588ha), xã Ba Tô đã tuyên truyền, vận động người dân đầu tư trồng rừng sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Qua triển khai, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã đã trồng hơn 3.800/4.049ha rừng sản xuất, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 55%. “Người dân giờ đã ý thức được việc trồng rừng gắn với bảo vệ môi trường, vừa tạo sinh kế, vừa phát triển bền vững”, Bí thư Đảng ủy xã Ba Tô Huỳnh Thanh Duy cho biết.

Gia đình bà Đinh Thị Thu, ở thị trấn Ba Tơ đầu tư chăn nuôi bò lai, nâng cao 
thu nhập.
Gia đình bà Đinh Thị Thu, ở thị trấn Ba Tơ đầu tư chăn nuôi bò lai, nâng cao thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Vân cho hay, ở huyện Ba Tơ, hầu hết người dân, nhất là đồng bào Hrê đều sinh sống nhờ trồng cây keo nguyên liệu. Trước đây, nhiều hộ thu hoạch keo chưa đủ tuổi, khai thác với diện tích rộng đã gây xói mòn đất và gây sạt lở núi. Tuy nhiên, từ khi huyện chủ trương trồng rừng gỗ lớn, kết hợp trồng cây bản địa đã mở ra hướng đi mới, góp phần hạn chế xói mòn đất, bảo vệ môi trường và tăng giá trị rừng cho người trồng. “Hiện các hộ dân đã biết dựa vào lợi thế đất rừng để phát triển cây nguyên liệu phù hợp với điều kiện thời tiết, quy hoạch của địa phương. Qua đó, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn huyện; đồng thời tăng thu nhập cho người dân”, bà Vân thông tin.

Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, huyện Ba Tơ tập trung quy hoạch, đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong đó, huyện đẩy mạnh xây dựng và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ NTM; đồng thời triển khai các dự án liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tăng năng suất cây trồng. Đến nay, toàn huyện đạt bình quân 13,5 tiêu chí/xã; có 2 xã đạt chuẩn NTM là Ba Động, Ba Cung và 2 xã Ba Liên, Ba Điền đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM năm 2024. Hệ thống giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... từng bước được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Bài, ảnh: BÁ SƠN

 

Nguồn: https://baoquangngai.vn/trang-dia-phuong/huyen-ba-to/202504/dien-mao-nong-thon-moi-ngay-cang-khoi-sac-eaf0505/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm