Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lễ Thanh minh ở Bình Ðịnh: Nét đẹp nhân văn, gắn kết tình làng, nghĩa xóm

Việt NamViệt Nam04/04/2025


Lễ Thanh minh ở Bình Ðịnh: Nét đẹp nhân văn, gắn kết tình làng, nghĩa xóm

Lễ Thanh minh là một trong những nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam nói chung, Bình Ðịnh nói riêng. Lễ Thanh minh ở Bình Ðịnh là dịp cộng đồng dân cư tổ chức lễ cúng thần thành hoàng bổn cảnh, chư vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ, tu tảo mộ phần vô chủ thể hiện tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tình làng, nghĩa xóm.

Tri ân tiền nhân

Thanh minh - có nghĩa gốc là bầu trời trong sáng, không khí mát mẻ, quang đãng. Trong văn hóa phương Đông, khi nói “Thanh minh” chủ yếu là để chỉ tiết Thanh minh - 1 trong 24 tiết khí trong âm lịch, thường rơi vào khoảng đầu tháng 4 dương lịch và kéo dài khoảng 15 - 16 ngày (tiết Thanh minh năm nay bắt đầu từ ngày 7 - 22.3 âm lịch, tức ngày 4.4 - 19.4 dương lịch).

Lễ Thanh minh ở Bình Định là nét đẹp nhân văn sâu sắc, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Ảnh: THANH NHÀN    

Từ xa xưa, Thanh minh đã trở thành nét đẹp nhân văn mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt Nam nói chung, Bình Ðịnh nói riêng. Tại nhiều nơi trong nước, lễ Thanh minh gắn liền với phong tục tảo mộ tổ tiên, nhưng ở Bình Định, đến dịp này cộng đồng dân cư nhiều nơi thường tổ chức lễ cúng tại đình làng, đền/miếu hoặc theo từng xóm dân cư.

Lễ Thanh minh ở Bình Định tổ chức tùy theo tục lệ từng địa phương, có nơi ấn định một ngày trong năm, có nơi tổ chức theo tiết Thanh minh, tựu trung đều mang ý nghĩa là một hoạt động kỳ yên trong quan niệm tế lễ xuân kỳ thu tế, cúng thần thành hoàng bổn cảnh, tri ân tiền nhân có công đóng góp khai canh mở đất bày tỏ đạo lý uống nước nhớ nguồn, giẫy mả những ngôi mộ vô chủ, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc.

Ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), lễ cúng Thanh minh diễn ra quy mô toàn xã được ấn định tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Lễ này diễn ra với những nghi thức truyền thống, gồm: Nghinh thần, cúng khai sơn, khai tỉnh, cúng thần thành hoàng bổn cảnh, các vị tiền hiền, hậu hiền tại đình làng Phương Mai; giẫy mả và cúng vong linh những người đã khuất không rõ thân nhân tại đền thanh minh.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ban cung phụng đình Phương Mai và đền thanh minh xã Nhơn Hải, cho biết: “Ngoài các lễ chính diễn ra ngày 11 tháng Giêng âm lịch, sáng 12 tháng Giêng âm lịch còn làm lễ tế thần, cả ngày này nhân dân trong xã đến đình, đền thanh minh cúng bái nguyện cầu những điều tốt đẹp, cùng chung vui dự tiệc góp phần gắn kết tình cảm trong làng xã. Theo lệ cứ 3 năm một lần sẽ tổ chức hát bội vào lễ Thanh minh”.

Người dân hai thôn Lý Hưng, Lý Lương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) tổ chức lễ cúng Thanh minh gắn Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10.3 âm lịch hằng năm. Ảnh: THANH NHÀN

Tại xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), người dân ở vạn đầm Hưng Lương gồm hai thôn Lý Hưng, Lý Lương ấn định lễ cúng Thanh minh tại đình làng Hưng Lương vào ngày mùng 10.3 âm lịch hằng năm - cũng là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, không chỉ mang ý nghĩa tế tổ các Vua Hùng mà còn là một hoạt động kỳ yên của làng.

Ông Nguyễn Trí Quá - ở thôn Lý Lương, thành viên Ban tín ngưỡng đình làng Hưng Lương, cho biết: “Hằng năm, người dân địa phương cùng góp của, góp công tổ chức lễ Thanh minh gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương tại đình làng, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, gắn kết cộng đồng với nhau. Các nghi lễ cúng có văn tế Vua Hùng, cúng thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền tạo dựng cơ nghiệp. Theo lệ, cứ 3 năm sẽ tổ chức hát bội tại đình làng vào ngày này”.

Gắn kết cộng đồng

Dù mang nhiều ý nghĩa về tín ngưỡng tâm linh, nhưng có thể nói lễ Thanh minh ở Bình Định tựu trung là ngày của nghĩa tình, ngày của mọi người trong thôn xóm làng xã sum vầy, gặp gỡ chung tay góp của, góp công cùng tổ chức, nhắc nhớ con cháu cùng gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Lễ Thanh minh ở thôn An Cửu, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) tổ chức tại đình làng An Cửu hằng năm, chọn theo ngày tốt trong tiết khí. Ảnh: THANH NHÀN

Cụ Ngụy Hồng Thanh (71 tuổi, ở thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), Phó Ban quản lý đình làng Hữu Thành, cho biết: “Hằng năm, nhân dân trong thôn tổ chức cúng lệ xuân kỳ ấn định vào ngày 16.2 âm lịch, gắn với lễ Thanh minh, nguyện cầu cho quốc thái dân an, dân làng ấm no, hạnh phúc, đời sống phát triển. Mọi người sắp xếp tới đình để chung tay lo các khâu tổ chức, cánh phụ nữ thì nấu nướng sửa soạn lễ cúng, các cụ lớn tuổi lo phần lễ nghi, cánh thanh niên sắp xếp bàn ghế, mỗi người một việc, ai nấy đều vui vẻ”.

Tại thôn An Cửu, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), lễ Thanh minh được người dân trong thôn tổ chức hằng năm tại đình làng An Cửu, chọn theo ngày tốt trong tiết khí (năm nay tổ chức vào ngày mùng 2.3 âm lịch). Cụ Nguyễn Văn Ngọc (77 tuổi), thành viên ban khánh tiết đình An Cửu, chia sẻ: “Ngoài các nghi lễ cúng, giẫy mả những ngôi mộ vô chủ, lễ Thanh minh ở thôn An Cửu còn nghi thức rước sắc, khai sắc phong của các vua triều Nguyễn. Trước khi vào lễ cúng, sẽ có phần xướng lễ gửi gắm ước nguyện của nhân dân cầu Phật thần phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, ruộng đồng tươi tốt, xóm làng bình an, nhà nhà hạnh phúc, con cháu học hành khoa bảng đề danh”.

Chia sẻ thêm về giá trị văn hóa của đình làng An Cửu trong vai trò gắn kết cộng đồng, ông Đặng Văn Minh, Trưởng thôn An Cửu, cho biết: “Thanh minh là lễ lớn nhất được cộng đồng dân cư trong thôn tổ chức hằng năm. Ngoài lễ Thanh minh, bà con còn tổ chức lệ cúng thượng nguyên, trung nguyên, hạ nguyên, tất niên, cúng tết Nguyên đán trong năm. Đình làng An Cửu là biểu tượng văn hóa tâm linh được bà con trong thôn cùng chung tay giữ gìn nét đẹp văn hóa tín ngưỡng cũng như những “báu vật” của làng là 4 sắc phong của các vua triều Nguyễn ban cho đình An Cửu”.

***

Lễ Thanh minh ở Bình Định ngày nay ít nhiều đã thay đổi hình thức tổ chức. Nhưng về nghi lễ vẫn còn giữ được tinh thần cốt lõi mà tổ tiên đã dựng xây, chắt lọc, giữ gìn cùng với đó còn phát triển thêm một số nội dung mới phù hợp và hài hòa theo đời sống hiện đại. Cả truyền thống và hiện đại đều nhằm bày tỏ ý nghĩa nhân văn, tri ân tiền nhân, bảo tồn nét đẹp văn hóa địa phương. Qua đó giáo dục thế hệ trẻ khắc ghi trong lòng truyền thống uống nước nhớ nguồn, đồng thời củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng.

THANH NHÀN



Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=343808

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cô gái Điện Biên khổ luyện nhảy dù 4 tháng để lấy 3 giây đáng nhớ 'trên trời'
Ký ức ngày thống nhất
10 trực thăng kéo cờ tập luyện chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
Tự hào vết thương chiến tranh sau 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm