Di tích lịch sử cấp Quốc gia hang Lèn Hà là địa chỉ đỏ để người dân thường xuyên đến dâng hương tưởng niệm - Ảnh: T.MAI
Theo chân các cụ cao niên trong làng và đoàn viên, thanh niên xã Tuyên Lâm, chúng tôi đến dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia hang Lèn Hà. Đây là nơi 13 cán bộ, chiến sĩ Trạm Thông tin A69 đã hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân để bảo vệ mạch máu TTLL thông suốt, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cách đây 58 năm, để đáp ứng yêu cầu bảo đảm TTLL, ngày 7/1/1967, Binh chủng TTLL đã quyết định thành lập Đại đội 9, Trung đoàn Thông tin 134 gồm 129 đồng chí được biên chế thành 3 trung đội và 3 trạm thông tin. Các trạm thông tin có nhiệm vụ bảo vệ và khai thác 385,35km đường dây từ Giang Sơn - Đô Lương - Nghệ An (cũ) đến cao điểm 316 Vĩnh Linh - Quảng Trị (cũ) và Trạm Thông tin A69 đóng tại Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình (cũ).
Trạm Thông tin A69 được biên chế thành một tiểu đội tải 3 tổng đài, một tiểu đội nguồn điện, một tiểu đội đường dây và bộ phận hậu cần với 19 đồng chí. Sau khi được thành lập, Trạm Thông tin A69 đã chọn hang Lèn Hà làm nơi đóng quân. Đây là địa điểm thuận lợi bởi hang Lèn Hà nằm trong khu rừng ở phía Tây với núi rừng trùng điệp nên dễ ngụy trang. Lưng chừng núi có một hang đá rộng lớn làm nơi lắp đặt máy móc, điện đàm và là nơi dự trữ vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến trường miền Nam.
Thiết bị thông tin liên lạc của Trạm Thông tin A69 tại hang Lèn Hà -Ảnh: T.MAI
Với vị trí địa lý quan trọng, bảo đảm TTLL từ Bắc vào Nam, đường dây của Trạm Thông tin A69 nối liền với mạng thông tin của Đoàn 559 nên đây là địa bàn trọng điểm địch tập trung đánh phá rất ác liệt. Với khẩu hiệu hành động “Trạm máy là chiến trường, dây máy là vũ khí”, “Tim còn đập, mạch máu thông tin còn thông suốt”, những cán bộ, chiến sĩ của Trạm Thông tin A69 đã anh dũng chiến đấu để bảo đảm TTLL được “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”.
13 giờ 5 phút, ngày 2/7/1972 - thời khắc lịch sử ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 13 cán bộ, chiến sĩ (trong đó có 10 chiến sĩ nữ tuổi đời từ 16 đến 20) trong trận đánh phá ác liệt vào Trạm Thông tin A69. Máu, mồ hôi và nước mắt của các anh, chị đã hòa quyện nơi đất thiêng Lèn Hà để mạch máu thông tin không ngừng chảy mãi.
Tên của họ đã hòa vào sông, tạc vào núi, in đậm trong mỗi trái tim của người dân Việt Nam và trường tồn cùng dân tộc. Sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sĩ Trạm Thông tin A69 đã gây chấn động toàn mặt trận, tăng thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ trên toàn tuyến.
Biến đau thương thành hành động cách mạng, các thế hệ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên các mặt trận đã chiến đấu anh dũng và giữ vững mạch máu thông tin cho đến ngày toàn thắng. Tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của các anh, chị Trạm Thông tin A69 đã trở thành mệnh lệnh trái tim của bộ đội thông tin, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của Binh chủng TTLL, tô thắm lá cờ cách mạng Việt Nam.
Đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của di tích hang Lèn Hà -Ảnh: T.MAI
Phát huy tinh thần và chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trạm Thông tin A69, các thế hệ người dân Quảng Trị luôn nêu cao truyền thống cách mạng vẻ vang, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên và không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Đinh Trung Hiếu cho biết: “Di tích lịch sử cấp Quốc gia hang Lèn Hà là địa chỉ đỏ của các thế hệ đoàn viên, thanh niên. Hằng năm, chúng tôi phối hợp tổ chức các hoạt động tưởng nhớ cán bộ, chiến sĩ Trạm Thông tin A69; tuyên truyền về ý nghĩa lịch sử của di tích hang Lèn Hà, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc... Từ đó khơi dậy tinh thần xung kích, sáng tạo, cống hiến tài năng, trí tuệ của tuổi trẻ đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng chúng ta mãi mãi biết ơn công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ. Càng trân trọng và tự hào về lịch sử, chúng ta càng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của bản thân là phải ra sức gìn giữ thành quả cách mạng mà các thế hệ cha ông đã vun đắp, từ đó nguyện học tập, lao động và cống hiến sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng, liệt sĩ.
Rời Di tích lịch sử cấp Quốc gia Lèn Hà khi bóng chiều dần khuất trên dãy Trường Sơn, chúng tôi mỗi người mang theo một cảm xúc khi nhớ về sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc. Thanh âm khúc tráng ca Lèn Hà với dòng chảy lịch sử dân tộc là hành trang và động lực để người dân Quảng Trị hôm nay và mai sau viết tiếp bài ca xây dựng quê hương giàu đẹp, vững tin vươn mình cùng dân tộc.
Nhật Lệ
Nguồn: https://baoquangtri.vn/len-ha-ky-uc-mot-thoi-va-mai-mai-196308.htm
Bình luận (0)