Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lộ trình thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý là cách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp

Tại Hội thảo “Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - Góc nhìn từ doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt” được báo Nhân dân tổ chức chiều 22/4, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp kiến nghị, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cần được triển khai hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp23/04/2025

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo.

Doanh nghiệp chồng chất khó khăn

Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, quý 2/2025, kinh tếxã hội Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chịu tác động đan xen trước những biến động về kinh tế, chính trị thế giới, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước. “Đây là thời điểm cần tập trung các giải pháp gia tăng sản xuất trong nước, có chính sách thúc đẩy để tiêu dùng trong nước trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Thuế TTĐB sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào tháng 5/2025 với mục tiêu định hướng sản xuất, điều chỉnh hành vi tiêu dùng của xã hội, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe và môi trường.

Chú thích ảnh
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Theo ông Lê Quốc Minh, các đề xuất về bổ sung thêm mặt hàng chịu thuế, tăng thuế suất… trong Luật Thuế TTĐB lần này sẽ có tác động lớn đến chuỗi sản xuất của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối, dịch vụ. Đặc biệt, việc thay đổi cách tính thuế vào thời điểm hiện tại sẽ tác động tới hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

 

Điều đáng chú ý, Dự thảo Luật thuế TTĐB đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 2 phương án được đề xuất. Phương án 1 là tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%; phương án 2 là tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%.

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng sốc về mức thuế và thời điểm áp dụng quá gấp, khiến các doanh nghiệp, các nhà cung ứng cho các doanh nghiệp trong ngành trở tay không kịp. Với cả hai phương án tăng thuế này, các doanh nghiệp trong ngành rượu bia sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Nhiều ý kiến cho rằng, lộ trình hợp lý hơn với mức tăng thấp hơn và thời hạn áp dụng kéo dài hơn sẽ vừa hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, vừa hướng tới mục tiêu tạo tập quán văn mình trong việc sử dụng, tiêu thụ rượu bia có trách nhiệm.

"Thuế TTĐB sẽ tác động mạnh đến nhiều ngành sản xuất kinh doanhvốn đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã giảm sản lượng sản xuất 20 - 30%, buộc phải cắt giảm lao động, thu nhập. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có quy mô nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng/năm đãđóng cửa”, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) trần tình.

VBA kiến nghị lùi thời điểm áp dụng tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia và không tăng sốc để giảm tác động đến các doanh nghiệp, tạo động lực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

 

Hiện nay, doanh nghiệp ngành đồ uống nộp ngân sách khoảng 60.000 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Nếu phải chịu mức thuế TTĐB tăng cao ngay trong năm 2026 sẽ kéo theo ảnh hưởng tiêu cực đến khoảng 20 ngành hàng liên quan.

Kích cầu tiêu dùng nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu

Chú thích ảnh
Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc tháng 5/2025.

Theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Phụng, để kích cầu tiêu dùng nội địa, nuôi dưỡng nguồn thu và hỗ trợ thị trường, nhằm ưu tiên tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, Việt Nam cần khẩn trương thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, sớm trình Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% với thời hạn dài hơn, ít nhất đến hết năm 2026.

Chú thích ảnh
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu-Nước giải khát Việt Nam.

Đồng thời, đề nghị mở rộng áp dụng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ, (gồm cả mặt hàng chịu thuế TTĐB) để bảo đảm công bằng, khoa học, phù hợp với cơ chế khấu trừ liên hoàn của thuế GTGT, tránh hệ lụy “chuyển thuế, tăng thuế” đối với các mặt hàng chịu thuế suất 10%. Với Dự thảo Luật thuế TTĐB, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, phương án 1 của Dự thảo Luật thuế TTĐB cần được ưu tiên so với phương án 2, nếu chỉ được chọn trong khuôn khổ Dự thảo.

Các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp vào việc hoàn thiện dự thảo Luật Thuế TTĐB.Đại diện cho Hiệp hội Bia - Rượu-Nước giải khát Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ khi ban hành chính sách thuế cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong điều kiện kinh tế và điều kiện thực tế của ngành; cẩn trọng, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, với ngành bia, rượu, đề xuất lùi hiệu lực tăng thuế TTĐB tới năm 2028; tăng thuế 5%/năm trong 5 năm...

 

“Chúng tôi mong các chính sách thuế được ban hành phải bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước, người dân. Mong muốn của chúng tôi là được đóng góp tốt nhất cho phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt với kịch bản tăng trưởng kinh tế 8% và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới”, ông Nguyễn Văn Việt bày tỏ.

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/lo-trinh-thuc-hien-thue-tieu-thu-dac-biet-hop-ly-la-cach-ho-tro-tot-nhat-cho-doanh-nghiep/20250423090128222


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm