Trong khoảng 20 năm trở lại đây, với sự quan tâm của tỉnh, đời sống kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tình cũng như đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Nhiều lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc được phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị, không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, sinh hoạt văn hoá, thể thao của người dân các địa phương mà còn là đòn bẩy, là động lục thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương đó phát triển.
20 năm trước - năm 2005, Nhà văn hoá xã Đại Dực (Tiên Yên) được khánh thành với trị giá 700 triệu đồng trở thành công trình nhà văn hoá cấp xã có giá trị lớn nhất tỉnh Quảng Ninh khi ấy. Đặc biệt, Đại Dực khi đó là một trong những xã vùng sâu khó khăn nhất của tỉnh, gần như 100% dân số là người Sán Chỉ, đường giao thông vào xã còn phải “tăng bo” chứ không khang trang, rộng mở như bây giờ. Cùng với nhà văn hoá được đầu tư xây dựng, ngay sau Tết Nguyên đán 2006, Ngày hội Văn hoá thể thao dân tộc Sán Chỉ lần thứ nhất đã được tổ chức. Nhiều hoạt động văn hoá, thể thao của đồng bào trước đây chỉ được lưu giữ trong ký ức của những người già, hay được tổ chức nhỏ lẻ thì nay như có dịp trình diễn, thi đấu như thi gói bánh, đi cà kheo, đánh cầu chinh, đánh quay, đẩy gậy...
Từ thành công của việc phục dựng và tổ chức Ngày hội Văn hoá thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, huyện Tiên Yên đã tổ chức nâng lên thành Ngày hội cấp huyện, đồng thời, tổ chức thêm nhiều ngày hội văn hoá nữa như Ngày hội Văn hoá thể thao dân tộc Tày - lễ hội đình Đồng Đình ở xã Phong Dụ, Ngày hội Văn hoá Thể thao dân tộc Sán Dìu - Lễ hội đền Đức Ông Hoàng Cần ở xã Hải Lạng. Các ngày hội văn hoá thể thao phối kết hợp tổ chức với lễ hội đình, chùa đã góp phần cho sự kiện được tổ chức quy mô hơn, nhiều nội dung hoạt động và thu hút nhân dân và du khách tham gia nhiều hơn.
Tại huyện Hoành Bồ (nay là TP Hạ Long), ngày hội làng của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả trước đây vốn được tổ chức quy mô cấp làng, các họ người Dao và thường tổ chức tại nhà trưởng bản thì từ năm 2009, khi Khu Bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y được xây dựng tại thôn Chín Gian, xã Bằng Cả thì quy mô ngày hội làng cũng đã được mở rộng lên rất nhiều. Ngoài các hoạt động nghi lễ, vui chơi thể thao, văn nghệ truyền thống còn có thêm trưng bày, giới thiệu các giá trị văn hoá của cộng đồng người Dao như trang phục, ẩm thực, nhà ở, nghề thêu truyền thống, phương thức sản xuất… góp phần để du khách hiểu hơn về người Dao Thanh Y và những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào.
Tại huyện Bình Liêu, đầu năm 2007, lễ hội đình Lục Nà (xã Lục Hồn) được phục dựng lại sau nhiều năm mai một và duy trì đều đặn đến ngày nay. Từ một lễ hội đình của một xã, lễ hội đình Lục Nà nay là một trong các lễ hội văn hoá truyền thống tiêu biểu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Cùng với lễ hội đình Lục Nà, các lễ hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn, hội hát Tháng ba của người Sán Chỉ xã Húc Động vốn có từ lâu đời cũng đã được huyện quan tâm chỉ đạo tổ chức đều đặn hằng năm, bổ sung thêm nhiều hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống, hướng tới xây dựng, phát triển các lễ hội thành sản phẩm du lịch. Thành công nhất phải kể tới gắn kết tổ chức giải bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ tại hội hát Tháng ba đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá vẻ đẹp vùng đất, con người Bình Liêu nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Việc các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được phục dựng và duy trì tổ chức rất thành công, được bảo tồn, phát huy giá trị ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, chính quyền các địa phương thì có yếu tố quan trọng đó là xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt văn hoá của đồng bào. Nhất là thông qua các lễ hội, đồng bào các dân tộc thiểu số đã nhận thức rõ hơn giá trị văn hoá đặc trưng của dân tộc mình cần thiết phải bảo tồn, phát huy giá trị. Các lễ hội đã tự nhiên được bảo tồn, gìn giữ hết sức tự nhiên như vậy. Ở chiều ngược lại, chính các lễ hội đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nguồn
Bình luận (0)