Dự khai mạc Lớp bồi dưỡng, về phía Hội đồng Lý luận Trung ương có các đồng chí: Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương…
Về phía tỉnh Ninh Bình, khai mạc Lớp bồi dưỡng có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các cơ quan báo chí, truyền thông Trung ương, địa phương…
Lớp bồi dưỡng dành cho các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình; cây viết trẻ, nhà báo, biên tập viên từ các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, Hội VHNT; giảng viên các chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hoá, VHNT từ các trường đại học, cao đẳng. Lớp bồi dưỡng diễn ra từ ngày 25/7 đến ngày 28/7.
Phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình trẻ lần này là lớp thứ 9 trong chuỗi hoạt động được Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức, với mục tiêu xây dựng, bồi đắp một đội ngũ kế cận vững vàng về lý luận, sắc sảo về chuyên môn, có bản lĩnh chính trị và tâm huyết với sự nghiệp VHNT nước nhà.
PGS.TS Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng thực hiện yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn phát triển đất nước, được định hướng rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Vì vậy, Ban tổ chức lớp bồi dưỡng đã quyết định chọn chủ đề của Lớp bồi dưỡng lần thứ 9 là “VHNT Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”.
PGS.TS Nguyễn Văn Thành mong muốn các học viên tập trung trí tuệ, lĩnh hội một cách sâu sắc, toàn diện nội dung các chuyên đề, đồng thời chủ động, tích cực tham gia thảo luận, trao đổi, để làm sáng tỏ vấn đề lý luận, mạnh dạn đề xuất những ý tưởng mới, những góc nhìn mới từ thực tiễn công tác. Gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, biến những lý luận được trang bị thành công cụ tư duy sắc bén để phân tích, đánh giá các hiện tượng VHNT trong đời sống, phục vụ hiệu quả cho công việc chuyên môn. Đồng chí cũng mong muốn, các học viên cần tăng cường giao lưu, kết nối, xây dựng một mạng lưới những người làm công tác lý luận, phê bình trẻ trên cả nước để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ và cùng phát triển.
Phát biểu chào mừng, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nêu rõ: Tỉnh Ninh Bình mới sau khi sáp nhập đã hình thành một vùng văn hóa phong phú, đa dạng với chiều sâu lịch sử, bản sắc văn hóa đặc trưng và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa rất lớn. Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, bằng các sáng tạo văn hóa của các thế hệ tiền nhân hàng nghìn năm qua, đã để lại cho tỉnh Ninh Bình hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, có giá trị đặc sắc.
Ninh Bình hiện có 5.071 di tích được kiểm kê, trong đó có 1.106 di tích đã xếp hạng (1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 8 di tích quốc gia đặc biệt, 264 di tích quốc gia và 834 di tích cấp tỉnh). Ninh Bình hiện sở hữu hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể thuộc tất cả các loại hình, trong đó có 39 di sản đã được ghi danh trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 1 di sản được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).
Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, công nghiệp văn hoá đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần định hình bản sắc, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Sự hình thành tỉnh Ninh Bình mới tạo ra không gian địa lý - văn hóa rộng lớn, hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Đồng thời, đây cũng là một trung tâm du lịch trọng điểm, có vai trò kết nối vùng trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đối với tỉnh Ninh Bình mới, địa bàn mở rộng bao gồm 3 tỉnh Ninh Bình và Hà Nam, Nam Định trước đây. Việc phát triển công nghiệp văn hoá gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là con đường để phát huy tiềm năng văn hoá lâu đời, phong phú và đặc sắc của vùng đất này. Với những lợi thế, tiềm năng sẵn có, tỉnh Ninh Bình xác định công nghiệp văn hoá là động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời là công cụ quan trọng để gìn giữ và phát triển công nghiệp văn hoá thành ngành kinh tế mũi nhọn; gắn phát triển với bảo tồn, gắn truyền thống với sáng tạo và gắn bản sắc địa phương với xu hướng toàn cầu.
Tại Lớp bồi dưỡng, các học viên được lĩnh hội nhiều chuyên đề như: Bản sắc dân tộc trong VHNT từ góc nhìn lý luận, phê bình (PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ); Phê bình nghệ thuật số và truyền thông đa phương tiện: Cơ hội mới để lan toả giá trị văn hoá Việt (PGS.TS Trần Hoài Anh); Phát triển công nghiệp văn hoá theo hướng dân tộc, tiên tiến, hiện đại ở lĩnh vực điện ảnh và sân khấu (TS. Ngô Phương Lan; TS. Đạo diễn Bùi Như Lai); Thị trường hoá nghệ thuật và vấn đề gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc: Vai trò của người làm công tác lý luận, phê bình (PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm); Đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình trẻ với nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hoá (PGS.TS Nguyễn Thành)… Ngoài ra, các học viên còn được kết hợp học tập lý luận với tham quan một số địa điểm di tích lịch sử của tỉnh như: Cố đô Hoa Lư; Đàn Kính Thiên…
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/lop-boi-duong-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-voi-viec-phat-huy-427936.htm
Bình luận (0)