BHG - Nằm nép mình giữa núi rừng đại ngàn, hiên ngang giữa những cánh đồng lúa bát ngát, những ngôi nhà sàn của người Tày ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang… không chỉ là nơi ở mà còn là nét văn hóa, gắn liền với đời sống tinh thần của bao thế hệ. Trải qua thời gian, nhà sàn vẫn vững chãi, lưu giữ nếp sống truyền thống và những giá trị cộng đồng sâu sắc.
Nhà sàn của người Tày thường được dựng tại những vị trí có địa thế thuận lợi. Theo quan niệm truyền thống, hướng nhà thường được chọn sao cho phù hợp với địa hình và phong thủy, tránh hướng ngược dòng nước chảy để đảm bảo sự yên ổn và phát triển của gia đình. Nhà sàn không chỉ là nơi che mưa che nắng mà còn thể hiện sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, giữa thế hệ trước với thế hệ sau.
Nhà sàn giữa cánh đồng quê ở xã Tùng Bá (Vị Xuyên). |
Ông Hoàng Hồng Quang, xã Bằng Lang (Quang Bình) chia sẻ: Một ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày thường có từ bốn đến bảy gian, mái nhà lợp bằng lá cọ hoặc mái ngói, mái tôn; hệ thống cột nhà được làm bằng gỗ chắc chắn với số lượng cột chẵn; nhà có hai mái chính với độ dốc vừa phải để thoát nước mưa nhanh và đảm bảo đúng thiết kế của ngôi nhà.
Không gian bên trong nhà sàn được sắp xếp theo ý của chủ nhà, phản ánh nếp sống của người Tày. Gian giữa, hoặc gian trong cùng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, được coi là không gian linh thiêng nhất của ngôi nhà. Đây không chỉ là nơi thờ cúng mà còn thể hiện lòng hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên, thể hiện sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Cùng với đó, gian bếp không chỉ có vai trò giữ ấm mà còn là trung tâm của các hoạt động sinh hoạt gia đình. Phía trên bếp thường có gác để chứa đồ, phơi nông sản, tận dụng hơi nóng từ bếp để bảo quản thực phẩm.
Cầu thang lên nhà thường được đặt ở hướng Đông hoặc Nam, tượng trưng cho sự đón nhận ánh sáng, sinh khí mới vào nhà. Đây cũng là nơi thể hiện nét đẹp trong phong tục của người Tày khi khách đến nhà, chủ nhà thường mời khách lên bậc cầu thang như một lời chào trân trọng.
Một nghi lễ cúng giải hạn được tổ chức tại nhà sàn ở xã Tiên Yên (Quang Bình) |
Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, nhiều ngôi nhà sàn truyền thống đang dần bị thay thế bởi các công trình bê tông kiên cố. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn cố gắng gìn giữ những nét đặc trưng của kiến trúc nhà sàn bằng cách kết hợp giữa vật liệu hiện đại và phong cách truyền thống. Nhà sàn bê tông ra đời như một giải pháp dung hòa giữa nhu cầu thực tiễn và bảo tồn bản sắc văn hóa. Những ngôi nhà này vẫn giữ nguyên kiểu dáng nhà sàn cổ nhưng được xây dựng bằng vật liệu bền vững hơn, giúp tăng tuổi thọ công trình mà vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống.
Gia đình ông Mai Xuân Thắng ở thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đã xây dựng nhà sàn bê tông và đưa vào sử dụng được 5 năm. Với lối kiến trúc 3 gian, 2 trái như truyền thống. Ông Thắng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng ở nhà sàn gỗ, nhưng theo thời gian, vật liệu xuống cấp, việc sửa chữa ngày càng khó khăn do gỗ ngày càng khan hiếm. Vì vậy, tôi quyết định xây dựng nhà sàn bê tông để đảm bảo độ bền vững, nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc truyền thống. Dù chất liệu thay đổi, nhưng không gian sinh hoạt, cách bài trí và nếp sống trong nhà vẫn được duy trì như xưa”.
Không chỉ mang giá trị về mặt kiến trúc, nhà sàn còn là nơi lưu giữ những phong tục, tập quán lâu đời. Đây là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng như lễ cúng tổ tiên, đón Tết, cưới hỏi và nhiều hoạt động sinh hoạt của gia đình. Chính không gian ấm cúng của nhà sàn đã giúp duy trì sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên nét văn hóa đặc trưng của người Tày.
Giữa nhịp sống hiện đại ngày nay, những nếp nhà sàn vẫn hiên ngang tồn tại, như một nhân chứng sống cho sự trường tồn của văn hóa Tày. Mỗi ngôi nhà không chỉ là chốn đi về, mà còn là nơi gửi gắm tâm hồn, ký ức và niềm tự hào của bao thế hệ người Tày ở Hà Giang.
Bài, ảnh: Hồng Cừ
Nguồn: https://baohagiang.vn/van-hoa/202504/luu-giu-net-van-hoa-truyen-thong-cua-nha-san-nguoi-tay-72a20e9/
Bình luận (0)