Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mệnh lệnh từ trái tim, của lương tri và trách nhiệm với cộng đồng

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng25/04/2025

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát: Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát thể hiện tinh thần tương thân tương ái, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào; đồng thời thể hiện trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta đối với những người yếu thế, khó khăn, những người có hoàn cảnh đặc biệt, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Vì thế, chúng ta chỉ bàn làm, không bàn lùi. Đây là mệnh lệnh của trái tim, của lương tri và trách nhiệm với cộng đồng…

Chung tay cùng cả nước, BIDV triển khai chương trình tài trợ xây dựng, sửa chữa nhà dột nát ở các tỉnh trên khắp cả nước như Nghệ An, Yên Bái, Quảng Bình, Hà Giang Khánh Hòa, Cà Mau… Theo chân cán bộ ngân hàng đến một xã vùng cao tỉnh Yên Bái chúng tôi có dịp chứng kiến để rồi thấu hiểu vì sao chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát là mệnh lệnh từ trái tim.

Xuất phát từ Hà Nội lúc trời mờ sáng, chúng tôi chỉ mất hơn ba tiếng di chuyển đến thị xã Nghĩa Lộ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nhưng để đến được hộ ông Giàng Vảng Dinh, ở thôn Pín Pé, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, phải di chuyển hơn một tiếng đồng hồ trên đường đèo với nhiều khúc cua tay áo, hết đường bê tông lại đường đất, hết lên dốc lại xuống dốc; đi xe rồi cuốc bộ…

Ông Giàng A Tủa Bí thư Chi bộ thôn Pín Pé cho biết: Cả thôn Pín Pé có 127 hộ dân với 727 nhân khẩu; trong đó 50 hộ nghèo 30 hộ cận nghèo. Thu nhập chính của người dân đến từ cây quế, cây sâm đất và hái lượm quanh vùng. Thu nhập bình quân đầu người 28-30 triệu đồng/người/năm – là mức xã đang phấn đấu.

Ông Giàng Vảng Dinh và vợ có 9 người con. Hiện còn một người con út chưa lập gia đình. Nhưng, khó khăn không chỉ về vấn đề kinh tế khi mà, mắt đã mờ, chân chậm và móm mém ông bà vẫn phải chăm sóc đứa cháu nội mới lên ba. Với điều kiện như hiện tại, gia đình rất khó có thể sửa sang căn nhà đang ở.

Đứa trẻ này (ảnh trên) mồ côi mẹ từ khi lọt lòng. Bố đi làm xa nên hàng ngày bé ở nhà với ông bà nội. Nhìn vào ánh mắt em, nghĩ về tương lai phía trước của em chúng tôi không khỏi ái ngại.

Gia đình ông Giàng Vảng Dinh là người dân tộc Mông, nên có người hiểu, nói lõm bõm tiếng Kinh, nhưng có người không hiểu chúng tôi nói gì. Muốn hỏi chuyện, phóng viên phải nhờ chị Sổng thị Sơ - cán bộ UBND xã Cát Thịnh phiên dịch. Trò chuyện không được nhiều, nhưng nhìn thấy sự hồ hởi của bà con, chúng tôi vui lây.

Rời nhà ông Giàng Vảng Dinh chúng tôi di chuyển đến một hộ dân khác ở Thôn Ba Chum, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Ô tô chỉ có thể dừng ở đường Quốc lộ, hơn 2km còn lại chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy. Dù đã được ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch xã Cát Thịnh giới thiệu trước, đây là hộ dân “đặc biệt của đặc biệt” nhưng tôi không thể hình dung được đến giờ vẫn còn có những con người sống trong hoàn cảnh thực sự khó khăn như vậy.

Đó là gia đình anh Sùng A Lù, sinh năm 1984 và vợ là Giàng Thị Lề, sinh năm 1989, dân tộc Mông. Chúng tôi cúi đầu mới bước vào căn nhà ọp ẹp nền đất, vách quây bằng tấm fibro xi măng cũ. Nhà trống hoác, chẳng xác định được đâu là cửa chính. Trong nhà có bốn đứa trẻ “trứng gà, trứng vịt“ đang chơi cùng một phụ nữ (đúng ra phải gọi là bé gái vì khuôn mặt còn non nớt) mang bầu.

Hỏi mới biết, em là con dâu chủ nhà. Năm nay em mới 19 tuổi mà tay bế con nhỏ 22 tháng, bụng đã mang bầu 7 tháng. Hai đứa trẻ bên cạnh, chừng 3 đến 5 tuổi là…em chồng!!!.

Nhìn chúng tôi mắt chữ a, mồm chữ o… Phó Chủ tịch xã nói như phân trần: Họ sống như vậy đấy. “Đây là hôm qua anh còn phải dọn nhà giúp gia đình, chứ để nguyên thì…. Mà khổ, tìm còn không được cái chổi cùn”.

Chị Giàng Thị Lề, sinh năm 1989, lấy chồng từ năm 13 tuổi, đang bế đứa con thứ 12 mới 5 tháng tuổi. Căn “nhà” này từng là nơi trú ngụ của 14 con người. Ngoài bốn em học bán trú, một bé đang bế ngửa, các bé khác ở độ tuổi mẫu giáo thì lê la chơi trên nền đất.

Chúng tôi đến đúng vào buổi trưa nhưng góc bếp nguội lạnh. Chỉ có ba chiếc nồi thì một chiếc đựng nước, một chiếc có nửa nồi cơm trắng. Ngoài một hộp rau cải muối chua, bếp chỉ có gói muối, không có mắm. Tôi hỏi chị Giàng Thị Lề: “Bọn trẻ có bị đói không? “. Chị ngập ngừng rồi trả lời bằng tiếng Kinh chưa sõi: “Ờ thì…bữa có bữa không”. Chị nói mua bốn bao gạo từ đầu tháng, giờ còn hai bao.

Vậy thì, bữa có bữa không cũng đúng thôi. Gia đình không có ruộng. Ngần ấy người, ăn hết khoảng 40 kg gạo/tháng. Nhưng chỉ hai người đàn ông đi làm (chồng chị Giàng Thị Lề và đưa con trai đầu ngoài 20 tuổi) thì để lo tiền mua gạo thôi cũng là khó rồi. Hai người phụ nữ gọi là người lớn thì chỉ nhặt hái xung quanh. Họ còn chẳng biết đến khái niệm “trồng cây gì, nuôi con gì“ làm kế sinh nhai, bởi đẻ đứa này thì lại mang bầu tiếp đứa khác.

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch xã Cát Thịnh cho biết: Cát Thịnh có trên 2.500 hộ dân, 12 ngàn khẩu với 6 bản người Mông, tỷ lệ hộ nghèo lên đến 99%. Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn I (2021 - 2025) xã xây trên 40 căn nhà, trong đó năm 2025 qua khảo sát có 6 hộ nằm trong diện nhận hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát.

Dự kiến đến 30/6/2025 xã Cát Thịnh sẽ hoàn thành kế hoạch, trước một tháng so với yêu cầu. Mỗi căn nhà xây mới đảm bảo đúng quy mô với diện tích diện tích 8-10 m2/ nhân khẩu, tuổi thọ tối thiểu 20 năm. Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh nhận được sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Song, “riêng BIDV tài trợ đến 60 triệu/căn nên chúng tôi làm được cả nhà vệ sinh cho hộ dân. Đây là điểm rất quan trọng, vì đó là một trong những tiêu chí của xã nông thôn mới. Chúng tôi được biết ngoài chương trình này BIDV còn hỗ trợ về y tế, giáo dục, khắc phục thiên tai…BIDV là đơn vị đóng góp rất lớn cho công cuộc xoá đói giảm nghèo của địa phương”.

Năm 2025 tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ xoá 2.208 ngôi nhà tạm; trong đó xây mới 1.815 ngôi nhà và sửa 393 nhà. Thời điểm này đã có 2.087 nhà khởi công xây dựng, trong đó có 601 ngôi nhà đã hoàn thành. Riêng BIDV tài trợ 36 tỷ đồng để Yên Bái xoá 600 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình có công.

Bà Nguyễn Thị Liên Phương, Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Yên Bái cho biết: Khi đi khảo sát thực địa chúng tôi rất xúc động khi thấy những căn nhà ọp ẹp, chỉ trực đổ sập. Bởi hoàn cảnh đó không chỉ thể hiện nơi trú ngụ tồi tàn, tạm bợ của người dân mà còn cho thấy sự khó khăn, rất thiếu thốn vật chất. Ngôi nhà không chỉ là nơi ở mà còn là cơ sở để người dân “an cư lạc nghiệp”. Khi có ngôi nhà vững chắc người dân sẽ có tiền đề, động lực hơn để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chính vì thế, việc BIDV tham gia chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, chung tay góp phần xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững…

Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng) "xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu". Phong trào thi đua Cả nước chung tay "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động tháng 4/2024 với mục tiêu là vận động xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước. Phấn đấu đến hết ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, bao gồm cả 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo. Chung tay cùng cả nước, BIDV đóng góp 120 tỷ đồng tài trợ các tỉnh: Nghệ An 20 tỷ đồng, Yên Bái 36 tỷ đồng; Quảng Bình 30 tỷ đông; Hà Giang 14 tỷ đồng; Khánh Hòa 5 tỷ đồng, Cà Mau 5 tỷ đồng; Trà Vinh 1 tỷ đồng; Hòa Bình 1 tỷ đồng; Bạc Liêu 8 tỷ đồng. Từ số tiền này, đã và sẽ có khoảng 2.400 căn nhà được sửa chữa, xây mới.

Bài: Thuận An

Trình bày: Lê Thành

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/menh-lenh-tu-trai-tim-cua-luong-tri-va-trach-nhiem-voi-cong-dong-163340.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm