Mô hình nuôi đuông cọ độc đáo ở huyện vùng biên Nghệ An
Không còn phải đốn cây, lặn lội vào rừng sâu để tìm thứ “lộc rừng” béo ngậy ẩn mình trong ngọn cọ, giờ đây, người dân ở bản Cọ Muồng, xã Châu Kim (Quế Phong, Nghệ An) đã nuôi đuông cọ thương phẩm tại nhà.
Báo Nghệ An•24/05/2025
Trong khoảng sân nhỏ sau nhà, gần 300 chậu nhựa được xếp ngay ngắn dưới mái che. Đây chính là “nông trại” nuôi đuông cọ của vợ chồng bà Lô Thị Cương và ông La Công Thảo ở bản Cọ Muồng, xã Châu Kim (Quế Phong). Ảnh: T.P
Con kiến vương, tên gọi địa phương của đuông cọ trưởng thành sau khi được thuần hóa sẽ được ghép đôi theo cặp đực – cái để nhân giống. Ảnh: K.L
Theo đó, kiến vương sau khi giao phối được thả vào chậu thức ăn đã được phối trộn tỷ lệ hợp lý gồm mía xay nhuyễn, chuối xanh, sắn tươi và cám ngô để đẻ trứng. Ảnh: T.P
Trứng nở sau vài ngày, những con đuông cọ non bắt đầu chui xuống lớp thức ăn, ăn liên tục và lớn rất nhanh trong môi trường ổn định, ẩm mát của từng chậu nuôi. Ảnh: T.P
Khi đạt độ tuổi khoảng 3 tuần, đuông cọ đạt kích thước lớn, thân mập, màu vàng nhạt đặc trưng. Đây là giai đoạn chúng có giá trị thực phẩm cao nhất – béo, ngậy, giàu đạm. Ảnh T.P
Thu hoạch đuông cọ. Ảnh: T.P
Đuông cọ hiện có giá bán lên tới 200.000 đồng/kg, song cung vẫn không đủ cầu. Với sản lượng đều đặn, mỗi tháng 1 lứa, trừ chi phí, mô hình cho lãi ổn định 50-70 triệu đồng/năm. Ảnh: K.L
Các con đuông cọ to, khỏe được lựa ra riêng, nuôi tiếp để làm giống. Việc tuyển chọn này đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhằm giữ được nguồn gen tốt và nâng cao chất lượng thế hệ sau. Ảnh: T.P
Xơ dừa được sử dụng để tạo tổ cho đuông cọ làm kén, hóa nhộng. Ảnh: T.P
Từ kén này sẽ chui ra, trở thành con kiến vương. Vòng đời khép kín, tự nhiên này giúp người nuôi chủ động con giống. Ảnh: K.L
Dù chi phí đầu tư thấp, chỉ cần chậu nhựa và nguồn thức ăn bản địa, nhưng để nuôi được đuông cọ, người nuôi phải chăm sóc tỉ mỉ từng công đoạn: Từ điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ đến dọn vệ sinh chậu. Chính vì vậy, mô hình vẫn hiếm người làm. Ảnh: T.P
Bình luận (0)