
Sau khi hạ sinh em bé, chị H. xuất hiện các triệu chứng nghi sởi như sốt phát ban, ho, hắt hơi, chảy mũi. Sau khi tự điều trị tại nhà và lui bệnh, con chị H. lại bất ngờ xuất hiện triệu chứng tương tự.
Bệnh diễn tiến nhanh, mới được 15 ngày tuổi, trẻ đã phải nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho, phát ban và suy hô hấp nặng. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy ngay khi nhập viện.
Tại phòng khám Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu bé được xác định bị suy hô hấp, phải can thiệp đặt ống nội khí quản thở máy ngay lập tức.

"Qua thăm khám và xét nghiệm, chúng tôi xác định bệnh nhi mắc sởi biến chứng sốc nhiễm khuẩn - viêm phổi nặng. Hiện, bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng rất nặng, phải thở máy, dùng thuốc vận mạch và hồi sức tích cực", BS Đặng Phương Thúy, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thông tin.

Trường hợp trẻ sơ sinh này là một trong hơn 40 bệnh nhi mắc sởi nặng tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Trong số này, có 10 bệnh nhân phải can thiệp thở máy xâm nhập, 3 bệnh nhân thở máy không xâm nhập và hơn 30 bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy.

Theo TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, từ cuối năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi nhập viện tăng vọt.
Tháng 6/2024, bệnh viện chỉ tiếp nhận 9 ca mắc sởi. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến tháng 12/2024, cơ sở y tế này đã ghi nhận hơn 800 ca sởi. Trong 3 tháng đầu năm 2025, có đến hơn 1.700 ca mắc sởi nhập viện.
"Số ca mắc sởi ghi nhận trong 3 tháng đầu năm 2025 cao gấp đôi tổng số ca sởi của năm 2024 cộng lại", TS Tùng nhấn mạnh.

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã xây dựng từ sớm các phương án ứng phó với dịch sởi. Trong đó, công tác sàng lọc, phân luồng, huy động nguồn lực điều trị được lên kế hoạch chi tiết theo từng kịch bản phù hợp với diễn biến dịch.

Ở thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 30-40 ca chẩn đoán sởi từ các tỉnh thành miền Bắc chuyển đến. Toàn bộ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã được sử dụng dành riêng cho điều trị bệnh nhân sởi.
"Trước mắt, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới có năng lực điều trị gần 200 giường. Nếu diễn biến dịch phức tạp hơn, chúng tôi đã có phương án dự phòng thu hẹp các bộ phận khác để có thêm hơn 200 giường phục vụ điều trị", TS Tùng phân tích.
Theo số liệu thống kê, có 14% bệnh nhi sởi nhập viện là trẻ dưới 6 tháng tuổi. Đối với các bệnh nhi trên 9 tháng tuổi, có hơn 50% chưa tiêm hoặc tiêm không đầy đủ vaccine sởi.

Đang chăm sóc con 5 tháng tuổi mắc sởi điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, chị T.T.L. (Gia Viễn, Ninh Bình) cho biết, ở nhà cháu bé cứ 3-4 tiếng lại lên cơn sốt cao kèm theo ho. Gia đình vội đưa bé đến Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình để điều trị.
Tuy nhiên, sau 10 ngày điều trị, tình trạng của cháu bé vẫn không thuyên giảm nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Các bệnh nhi sởi nặng nhất được bố trí chăm sóc, điều trị tại tầng 3 của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.

Nằm ở giường trong góc bệnh phòng, bệnh nhi 15 tháng tuổi phải duy trì sự sống với hàng loạt máy móc. Đáng chú ý là bệnh nhân này chưa được tiêm vaccine sởi.
Theo BS Thúy, trẻ nhập viện vào ngày thứ 5 của bệnh trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng - suy hô hấp, phải thở máy xâm nhập, lọc máu và sử dụng thuốc vận mạch, kháng sinh và gamaglobulin truyền tĩnh mạch.
Bão Cytokine là tình trạng đáp ứng miễn dịch quá mức. Đây cũng là trạng thái gặp ở một số ca sởi biến chứng nặng.

Sau một tuần điều trị, tình trạng của bệnh nhi có cải thiện nhưng tiên lượng vẫn còn rất nặng, cần can thiệp nhiều. Ở giai đoạn hiện tại, bệnh nhi có nhiều nhiễm trùng như nhiễm nấm, nhiễm khuẩn đa kháng.


Việc điều trị bệnh nhân sởi nặng đặt ra nhiều thách thức cho đội ngũ y bác sĩ. Theo BS Thúy, chăm sóc trẻ mắc sởi nặng tại bệnh viện đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và điều dưỡng và cha mẹ bệnh nhân để đảm bảo kiểm soát tốt tình trạng bệnh và phòng ngừa biến chứng.
Các biện pháp chăm sóc bao gồm:
- Hỗ trợ hô hấp: Trẻ có suy hô hấp được hỗ trợ thở oxy, thở máy không xâm nhập hoặc thở máy xâm nhập khi cần thiết.
- Quản lý nhiễm trùng như viêm phổi, viêm tai giữa...
- Dinh dưỡng và hỗ trợ tiêu hóa: Đảm bảo cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, theo dõi tình trạng tiêu hóa để phát hiện sớm biến chứng tiêu chảy hoặc suy dinh dưỡng.
- Chăm sóc da và niêm mạc: Vệ sinh răng miệng, giảm đau, tránh biến chứng viêm loét hoại tử miệng và phòng loét do tì đè.
- Chăm sóc mắt: Phòng ngừa viêm kết mạc, viêm giác mạc bằng cách vệ sinh mắt thường xuyên và sử dụng thuốc nhỏ mắt phù hợp.
- Theo dõi biến chứng thần kinh: Nhận diện sớm các dấu hiệu viêm não, co giật hoặc các biến chứng thần kinh khác để can thiệp kịp thời.

Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh cảnh của các bệnh nhi mắc sởi nặng trong đợt dịch năm nay khá tương đồng với các đợt dịch năm 2014 và 2019. Biến chứng chủ yếu là suy hô hấp, suy cơ quan do tăng đáp ứng viêm.

Cũng theo chuyên gia này, ở các bệnh nhân sởi mà trung tâm tiếp nhận, biến chứng hay gặp và khá khó điều trị là bội nhiễm hoặc đồng nhiễm tác nhân vi sinh vật khác ở đường hô hấp. Tình trạng này dễ dẫn đến viêm phổi nặng và làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Theo TS Tùng, hiện Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn đáp ứng đầy đủ thuốc men, phương tiện chẩn đoán và lực lượng điều trị cho bệnh nhi sởi.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/moi-ngay-40-ca-soi-nang-vao-vien-tuyen-cuoi-cang-minh-chong-bao-cytokine-20250331234523320.htm
Bình luận (0)