Theo gia đình của nam sinh học lớp 5, khi cậu bé và các bạn cùng lớp đang nghỉ giải lao trong giờ thể dục, cậu bé nhìn thấy thầy Ngô đi ngang qua nên đã gọi tên thầy.
Hành động này khiến thầy Ngô rất tức giận, cho rằng học sinh quá thiếu tôn trọng mình. Thầy tiến lại nhóm học sinh, xác định cậu bé vừa gọi tên mình và lập tức tát nam sinh này.
Mặc dù nam sinh này đã cúi đầu xin lỗi thầy Ngô 2 lần, một giáo viên khác cũng đã can ngăn, nhưng thầy Ngô vẫn tiếp tục tát nam sinh. Theo nam sinh, cậu đã bị thầy giáo tát 9 lần. Gia đình cậu bé cho biết khuôn mặt cậu bị sưng, tai bị ù, cậu bé còn bị đau đầu kéo dài sau sự việc.
"Con trai tôi hoảng loạn tột độ sau sự việc. Tôi thực sự không hiểu tại sao một người đàn ông trưởng thành và còn là một giáo viên lại có thể ra tay đánh một đứa trẻ như vậy", mẹ của nam sinh bức xúc lên tiếng.
Gia đình đã đưa cậu bé tới bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán cậu bé bị chấn thương nhẹ ở vùng đầu và mặt. Sau đó, gia đình cậu bé đã trình báo sự việc với cảnh sát, cũng như làm việc với ban giám hiệu nhà trường, yêu cầu có hình thức kỷ luật thích đáng đối với thầy Ngô.
Trong buổi làm việc với phụ huynh học sinh, ban giám hiệu nhà trường đã mời cả thầy Ngô cùng có mặt. Mẹ của nam sinh đã hỏi thầy Ngô: "Ai cho thầy quyền đánh con tôi? Nếu con tôi làm gì sai trái, thầy có thể liên hệ với tôi. Các thầy cô có số điện thoại của tôi rồi mà?".
Trả lời báo chí, thầy Ngô thừa nhận đã đánh học sinh nhưng thầy cho rằng hành động của mình là hợp lý. "Tôi có số điện thoại của phụ huynh học sinh, nhưng tôi đã ngoài 50 tuổi rồi. Học sinh đó gọi thẳng tên tôi rất to một cách giễu cợt. Thái độ đó vô cùng thiếu tôn trọng. Vì thế, tôi đã tát nam sinh. Tôi nghĩ em ấy cần phải học cách tôn trọng và lời nói của mình", thầy Ngô giải thích.

Gia đình đã đưa cậu bé tới bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán cậu bé bị chấn thương nhẹ ở vùng đầu và mặt sau sự việc (Ảnh minh họa: iStock).
Trước những tranh cãi của dư luận, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác giảng dạy của thầy Ngô và đề nghị bồi thường 5.000 tệ (gần 18 triệu đồng) cho gia đình học sinh. Tuy nhiên, gia đình nam sinh lớp 5 đã từ chối khoản tiền bồi thường này từ phía nhà trường.
Hiện nhà chức trách tại địa phương đã vào cuộc điều tra và cam kết xử lý sự việc nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Sự việc này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc.
"Nếu là cha mẹ, không ai có thể chấp nhận hành động của giáo viên này. Là một thầy giáo, người đàn ông này đã đi quá giới hạn và rõ ràng có xu hướng bạo lực. Người này cần phải bị sa thải", một cư dân mạng bình luận.
"Giáo viên có thể dạy bảo học sinh, nhưng không được dùng bạo lực", một cư dân mạng khác nêu quan điểm.
Tuy nhiên, một số người lại bày tỏ sự cảm thông dành cho nam giáo viên. "Đứa trẻ này quá hỗn xược. Tôn sư trọng đạo là truyền thống của Trung Quốc. Ngày nay, nhiều người dường như đã quên mất tiêu chuẩn đạo đức này", một người dùng mạng xã hội lên tiếng.

Trong một lớp học, từng em học sinh lại có bối cảnh sống khác nhau (Ảnh minh họa: iStock).
Cách giúp giáo viên tiểu học kiểm soát cơn giận dữ
Giáo viên cần sẵn sàng đối diện, xử lý những trạng thái cảm xúc bột phát đến từ học sinh, bởi ở tuổi này, khả năng tự kiểm soát của các em còn chưa ổn định.
Trong một lớp học, từng em học sinh lại có bối cảnh sống khác nhau. Những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt có thể đang phải đi học với tâm trạng không ổn định. Nhiều khi, những xúc cảm tiêu cực có thể khiến các em có những thái độ và hành vi bột phát, thiếu lễ độ đối với thầy cô, không thiện chí đối với bạn học.
Sự bất ổn có thể biểu hiện ra thành nhiều dạng thức. Dưới đây là những giải pháp giúp giáo viên có thể nhanh chóng làm dịu các tình huống căng thẳng.

Tại thời điểm em học sinh chưa lấy lại sự bình tĩnh, thầy cô chưa nên nói lý lẽ đúng sai (Ảnh minh họa: iStock).
Tại thời điểm cơn giận xảy ra
- Hít thở: Khi thấy một học sinh có dấu hiệu mất kiểm soát thái độ và hành vi của bản thân, giáo viên cần trấn tĩnh lại trong giây lát và hít thở vài nhịp trước khi phản ứng. Việc xử lý sự mất kiểm soát bằng một sự mất kiểm soát khác chỉ khiến tình huống tệ hơn. Để lấy lại bình tĩnh trước tình huống bất ngờ, giáo viên hãy đếm nhẩm từ 1 đến 3, trước khi chuyển sang bước tiếp theo.
- Khuyến khích đối thoại: Sau đó, giáo viên bắt đầu đối thoại với học sinh đang mất kiểm soát, hỏi xem em học sinh đó đang gặp phải vấn đề gì. Nếu học sinh sẵn sàng đối thoại, hãy khuyến khích em học sinh đó trình bày chi tiết vấn đề. Cách này giúp em học sinh được giải tỏa cảm xúc, bớt đi trạng thái mất kiểm soát.
- Ghi nhận cảm xúc: Tại thời điểm em học sinh chưa lấy lại sự bình tĩnh, chưa kiểm soát tốt bản thân, thầy cô chưa nên nói lý lẽ đúng sai. Có thể chính thầy cô cũng đang cảm thấy giận dữ ít nhiều sau sự việc vừa xảy ra. Điều cần thiết lúc này vẫn là thầy cô phải kiềm chế và kiểm soát được bản thân.

Nhiều học sinh có thái độ hoặc hành vi tiêu cực bột phát, do không biết cách kiểm soát cảm xúc bản thân (Ảnh minh họa: Freepik).
Sau cơn giận
Những điều này chỉ có thể thực hiện khi cả thầy cô và học sinh đã thực sự bình tĩnh trở lại, đôi bên đều đã có thể kiểm soát tốt bản thân.
- Bày tỏ sự lo lắng: Thầy cô trò chuyện một lần nữa với em học sinh gây ra vấn đề, để nắm bắt thêm thông tin, xem có chuyện gì bất ổn đang xảy ra với em học sinh đó không. Thầy cô cần khẳng định với học trò rằng hành động của em khiến thầy cô lo lắng, suy nghĩ.
Nếu có thể, thầy cô hãy giảm bớt sự quở trách, hãy giảng giải nhẹ nhàng bằng tư duy logic và tinh thần xây dựng đầy yêu thương.
Nếu học sinh đã gây ra hậu quả nào trong lúc để mất kiểm soát bản thân, lúc này, hãy đề nghị em bắt tay vào sửa chữa, xử lý hậu quả. Chẳng hạn nếu em đã nói điều gì sai với ai, hãy yêu cầu em xin lỗi chân thành.
- Đối thoại với phụ huynh: Khi đối thoại với phụ huynh của em học sinh gây ra vấn đề, thầy cô nên giữ thái độ tích cực. Điều này sẽ giúp mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh trở nên tốt đẹp, hợp tác, thiện chí hơn.
Thái độ tích cực cũng giúp cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng hơn. Giáo viên hãy kể lại cho phụ huynh về chuyện đã xảy ra, rồi lắng nghe phụ huynh đưa ra thêm những ý kiến từ góc nhìn của gia đình.
- Dạy các em học sinh cách kiểm soát cảm xúc: Nhiều học sinh có thái độ hoặc hành vi tiêu cực bột phát, do không biết cách kiểm soát cảm xúc bản thân.
Thầy cô có thể chia sẻ những biện pháp đơn giản để giúp các em cải thiện vấn đề, chẳng hạn như hít thở sâu. Ngoài ra, nếu có thể, em học sinh nên học cách rời khỏi không gian đang khiến bản thân cảm thấy bị kích động, tự dành cho bản thân một khoảng thời gian riêng, để tự làm dịu cảm xúc.
Những kiến thức đơn giản này sẽ giúp các em học sinh biết cách tự giúp mình. Khi thấy em học sinh nào trở nên mất kiểm soát, giáo viên nên nhắc em thực hành ngay những biện pháp đã được thầy cô chia sẻ.
- Thu thập thông tin: Nếu một học sinh thường xuyên để mất kiểm soát bản thân, giáo viên và phụ huynh cần thu thập thông tin về hiện tượng này.
Hãy chú ý tới thời điểm trong ngày khi em học sinh dễ trở nên kích động, những chuyện dễ khiến em học sinh bị kích động, những ai thường liên quan tới các sự việc mất kiểm soát của em học sinh này... Mục đích của việc thu thập thông tin là để nhận ra những yếu tố dễ gây kích động ở trẻ.
- Lên kế hoạch đương đầu với yếu tố kích động: Khi nhận ra các yếu tố dễ khiến trẻ bị kích động, thầy cô và gia đình có thể phối hợp để cùng lên kế hoạch giúp trẻ vượt qua những thời điểm và yếu tố gây kích động tâm lý của trẻ.
Chẳng hạn, nếu một hoạt động nào đó thường khiến em học sinh cảm thấy khó kiểm soát thái độ và hành vi của bản thân, gia đình và thầy cô hãy đối thoại rõ ràng với em học sinh về hoạt động này.
Việc cùng trẻ lên kế hoạch, để có sự chuẩn bị tâm lý trước khi thực sự tham gia vào hoạt động này, sẽ giúp trẻ vượt qua tình huống dễ gây kích động. Từ đó, trẻ sẽ dần rèn luyện được khả năng tự kiểm soát bản thân.
Theo SCMP/Teacher Created Materials
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/giao-vien-tieu-hoc-bi-dinh-chi-cong-tac-sau-khi-tat-hoc-sinh-9-lan-20250401205959207.htm
Bình luận (0)